Không chỉ tác động tới chiều cao, các nhà khoa học còn nhận thấy, vitamin D ảnh hưởng rất lớn tới hệ miễn dịch.
Vitamin D – “bùa hộ mệnh” của hệ miễn dịch
Theo các nhà khoa học, vitamin D có tác động lớn tới khả năng miễn dịch của con người, bao gồm cả việc tạo ra các hormone peptide nội sinh có hoạt tính mạnh chống lại vi khuẩn, virus, nấm… và sự tăng sinh tế bào T (một phân lớp của bạch cầu đóng vai trò trung tâm trong miễn dịch qua trung gian tế bào).
Vitamin D hoạt động trong hệ miễn dịch bằng cách làm giảm các protein gây viêm, đồng thời làm tăng lượng protein kháng khuẩn tốt có thể tiêu diệt vi trùng xâm nhập như các vi khuẩn gây viêm phổi…
Vitamin D tạo ra các “hàng rào” miễn dịch tự nhiên tại da, ruột, phổi và là tuyến phòng thủ quan trọng hàng đầu của hệ thống miễn dịch bẩm sinh. Vi chất này còn có chức năng điều hòa miễn dịch, duy trì hoặc khôi phục cân bằng nội môi miễn dịch. Đối với các đáp ứng miễn dịch, dạng hoạt động 1,25 (OH) vitamin D làm ức chế quá trình gây rối loạn miễn dịch trong cơ thể.
Tác động của vitamin D lên hệ miễn dịch
Các bệnh có liên quan đến hệ miễn dịch của cơ thể rất đa dạng và có mối liên quan chặt với nồng độ vitamin D. Nhiều nghiên cứu dịch tế học chỉ ra, thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh, bao gồm các bệnh tự miễn (bệnh sinh ra do sự rối loạn xảy ra tại hệ miễn dịch, hệ thống miễn dịch chống lại các mô trong cơ thể và làm tổn thương chúng như lupus ban đỏ hệ thống, đa xơ cứng, tiểu đường loại 1, viêm khớp dạng thấp...).
Khi nồng độ vitamin D trong máu giảm hoặc ở mức thấp, cơ thể sẽ giảm khả năng chống đỡ với các tác nhân bên ngoài, vi khuẩn và virus dễ dàng xâm nhập, trẻ dễ bị ốm và mắc các bệnh do vi khuẩn và virus gây nên như lao, cúm…
Bổ sung vitamin D dự phòng giúp giảm cúm, hen suyễn, viêm phế quản
Một thử nghiệm ngẫu nhiên thực hiện ở 340 trẻ tại Nhật Bản đăng tải trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ cho thấy, việc bổ sung vitamin D hằng ngày giúp ngăn ngừa bệnh cúm theo mùa. Cụ thể, trẻ được bổ sung vitamin D giảm 42% nguy cơ mắc cúm A so với trẻ không được bổ sung. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy, với trẻ được bổ sung vitamin D hằng ngày giảm 93% nguy cơ lên cơn hen so với trẻ không bổ sung.
Thiếu vitamin D khiến khả năng miễn dịch giảm, trẻ hay bị ốm
Adrian Martineau - Giáo sư về nhiễm trùng đường hô hấp và miễn dịch tại Trường Y và Nha khoa London, Anh đã thực hiện nhiều nghiên cứu về tác dụng của vitamin D đối với sức khỏe và phát hiện ra vi chất này góp phần cải thiện nhiễm trùng đường hô hấp rõ rệt.
Khi phân tích dữ liệu thô từ 25 thử nghiệm lâm sàng với 11.000 bệnh nhân từ 14 quốc gia, nhóm của ông nhận thấy, bổ sung vitamin D hàng ngày làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, hen suyễn và viêm phế quản. Còn theo kết quả thử nghiệm của Xiao L (Đại học Y khoa An Huy, Trung Quốc), trẻ từng bị hen suyễn khi bổ sung vitamin D giúp giảm 74% nguy cơ mắc bệnh này trở lại.
Cúm, hen suyễn, viêm phế quản, viêm phổi là những bệnh rất dễ gặp ở trẻ
Viêm phổi là một bệnh phổ biến, dễ mắc và cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Một nghiên cứu ở Phần Lan đi đến kết luận, mức vitamin D thấp là yếu tố nguy cơ mạnh để bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ (và cả người trưởng thành) phát triển. Thậm chí, nếu trẻ em vừa bị viêm phổi vừa bị còi xương thì thời gian phục hồi viêm phổi chậm hơn 4 lần so với trẻ có mức vitamin D đủ.
Còn theo nhà nghiên cứu Zittermann A (Đại học Ruhr Bochum, Đức), bổ sung vitamin D giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh lao và các bằng chứng thử nghiệm của ông cho thấy bổ sung hằng ngày hiệu quả hơn bổ sung liều cao theo đợt.
Vitamin D tác động mạnh tới chiều cao
Sức đề kháng giảm dẫn đến bệnh tật cũng làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ, trong đó có chiều cao.
Không chỉ vậy, theo kết quả nghiên cứu của PGS.Geeta Trilok Kumar (Đại học Delhi, Ấn Độ) sau khi tiến hành bổ sung vitamin đều đặn hằng ngày trong 6 tháng trên 2079 trẻ sơ sinh tại New Delhi, vitamin D làm gia tăng đáng kể cân nặng, chiều dài chu vi cánh tay và giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi.
Đặc biệt, nghiên cứu của chuyên gia Davaasambuu Ganmaa, Janet W. Rich-Edwards đến từ trường Đại học Y khoa Havard cho thấy, với trẻ từ 12-15 tuổi bổ sung 800 IU vitamin D/ngày giúp trẻ tăng thêm 1,8cm/năm. Các nhà khoa học nhận định, việc bổ sung vitamin D cho phép trẻ đạt được tiềm năng chiều cao đầy đủ.
Bổ sung vitamin D giúp trẻ tăng thêm 2cm/năm so với trẻ không bổ sung
Trong cơ thể chúng ta, hormone IGF-1 (Insulin-like growth factor 1) là yếu tố điều khiển tăng trưởng, trong khi vitamin D lại là yếu tố thúc đẩy sự hoạt động của hormone này. Do đó, sự thiếu hụt vitamin D có thể làm giảm sự tăng trưởng. Mặt khác, vitamin D là chất dẫn truyền giúp cơ thể hấp thu canxi, làm tăng mật độ xương, giúp hệ xương phát triển tốt, tăng trưởng chiều cao.
Dù rất quan trọng với sự phát triển của trẻ nhưng tỉ lệ trẻ thiếu vitamin D lại diễn ra khá phổ biến. Tại Việt Nam, có khoảng 50% trẻ em đang thiếu vi chất thiết yếu này. Vì thế, Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, Viện Dinh dưỡng Quốc gia và rất nhiều tổ chức y tế trên thế giới khuyến cáo, mọi trẻ dù bú mẹ hoàn toàn hay không hoàn toàn cần bổ sung 400 IU vitamin D3/ngày để phòng ngừa còi xương, giúp trẻ phát triển toàn diện.