Những trường hợp nhầm lẫn hi hữu khi tiến hành thụ tinh nhân tạo đã đẩy các gia đình vào tình thế khó xử.
Thụ tinh nhân tạo là một bước tiến lớn của ngành y học sinh sản, trở thành giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho nhiều cặp vợ chồng gặp vấn đề về sức khỏe sinh sản hay thậm chí những phụ nữ không muốn kết hôn nhưng vẫn muốn sinh con. Theo các hiệp hội y khoa, công nghệ hỗ trợ sinh sản - bao gồm thụ tinh trong ống nghiệm - là một trong những công nghệ đòi hỏi quy định khắt khe nhất trong tất cả hoạt động y tế. Vậy nhưng quy trình nào cũng có thể xảy ra sai sót và những gia đình dưới đây đã rơi vào tình cảnh khó xử khi bị nhầm lẫn như vậy.
Đưa vợ đi thụ tinh nhân tạo, hơn 20 năm sau mới phát hiện nhầm tinh trùng
Ông Joseph Cartellone (sống tại bang Delaware, Mỹ) và vợ Jennifer đã trải qua thụ tinh trong ống nghiệm vào năm 1994, sau đó cho ra đời cô con gái Rebecca.
Nhân dịp Giáng sinh năm 2018, Rebecca, lúc đó 24 tuổi, đã tặng cha mẹ bộ dụng cụ kiểm tra ADN tại nhà để theo dõi "cây gia đình" của họ. Điều bất ngờ xảy ra khi 2 tháng sau, ông Cartellone phát hiện Rebecca không phải con gái ruột của mình.
Hơn 20 năm sau khi vợ sinh con, ông bố mới phát hiện con gái không phải ruột thịt của mình.
Ban đầu, người cha còn bán tín bán nghi nên gọi điện cho nhà sản xuất bộ dụng cụ kiểm tra AND, hỏi nó có gặp vấn đề hay không. Sau quá trình thử nghiệm, ông Cartellone đành chấp nhận sự thật Rebecca là con của người khác với vợ mình.
Sau đó, ông Cartellone đâm đơn kiện Viện Sức khỏe Sinh sản Cincinnati và bệnh viện Christ vì "lấy nhầm" tinh trùng của người đàn ông khác để tạo phôi thai.
"Điều này thật sự khó khăn đối với gia đình tôi. Rebecca đang trải qua căng thẳng khi biết danh tính của nó" - ông Cartellone nói trong một cuộc họp báo cùng ngày.
Các luật sư đại điện cho gia đình nguyên đơn nói rằng cha đẻ của Rebecca có thể là một bác sĩ làm việc tại bệnh viện Christ mặc dù trước đó, bác sĩ Sherif Awadalla tại Viện Sức khỏe Sinh sản Cincinnati cam kết lấy trứng từ bà Jennifer để kết hợp với tinh trùng của ông Cartellone. Kết quả, cô bé Rebecca chào đời vào tháng 11-1994.
"Chúng tôi không rõ đây là hành động cố ý hay là một vụ tai nạn bất cẩn khủng khiếp. Chúng tôi đã hỏi nhưng chỉ nhận được sự im lặng", ông bố rất bức xúc. Đến nay, gia đình vẫn đang theo đuổi vụ kiện này. May mắn thay dù phát hiện sự thật về thân thế con gái nhưng tình cảm gia đình vẫn hoàn toàn không thay đổi.
Mang nặng đẻ đau, mẹ bị đòi lại 2 con sinh đôi vì ghép nhầm phôi thai
Năm 2019, vụ việc một cặp vợ chồng sống tại Flushing, New York nộp đơn kiện lên Tòa án tối cao Liên bang Mỹ, tố cáo một phòng khám phụ sản làm ăn gian dối, vô trách nhiệm đã thu hút đông đảo sự chú ý. Đơn kiện nộp ngày 1/7 tại tòa sơ thẩm nêu rõ, trung tâm đã cấy nhầm phôi trong thụ tinh ống nghiệm, khiến người vợ gốc Á sinh ra hai bé thuộc hai sắc tộc khác nhau và không hề có "máu mủ" gì.
Cặp vợ chồng không được tiết lộ danh tính kết hôn năm 2012. Sau khi gặp khó khăn trong sinh nở, họ đã nhờ tới phương pháp IVF tại công ty CHA Fertility - trụ sở tại thành phố Los Angeles. Họ cho hay đã chi hơn 100.000 USD cho các dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm bao gồm chi phí cho bác sĩ, dịch vụ chuyên khoa, thuốc men, chi phí phòng thí nghiệm, đi lại...
Đầu 2018, phòng khám thụ tinh đã thu thập tinh trùng và trứng từ cặp vợ chồng này, sau đó tạo được 5 phôi thai, trong đó 4 phôi thai là nữ.
Cặp đôi hiếm muộn đã phải từ bỏ quyền nuôi con sau khi mang nặng đẻ đau. (Ảnh minh họa)
Nỗ lực trong lần thụ tinh đầu tiên không mang lại kết quả và họ đã làm lại lần nữa. Đến tháng 9 năm ngoái, sản phụ này được thông báo mang song thai. Tuy nhiên, theo một kết quả siêu âm, cả hai thai nhi đều là nam. Mặc dù trước đó, chỉ một trong 5 phôi của họ là nam và nó không được sử dụng.
Cặp vợ chồng vô cùng bối rối. Sau khi liên hệ trung tâm CHA Fertility, họ được trấn an rằng siêu âm không hẳn là một kết luận chính xác hoàn toàn. Kết quả, vào tháng 3 năm nay, sản phụ này đã sinh đôi 2 bé nam và không bé nào mang gen người châu Á.
Vợ chồng nguyên đơn đã bị sốc khi một kết quả xét nghiệm gen cho thấy hai em bé này mang gen của một cặp vợ chồng khác - cũng là khách hàng từng làm thụ tinh trong ống nghiệm tại phòng khám này. Họ không còn cách nào khác phải từ bỏ quyền nuôi con để trao chúng cho những người cha mẹ thực sự, có bộ gen trùng khớp.
Cặp vợ chồng ở New York hiện vẫn chưa biết "số phận" của hai phôi thai của họ. Họ đệ đơn kiện phòng khám về việc sơ suất và 14 tội danh khác vì gây ra cho họ tổn hại lớn về thể chất và tinh thần.
Hơn 30 tuổi mới phát hiện bố đẻ là... bác sĩ điều trị cho mẹ
Lớn lên ở Nacogdoches, Texas (Mỹ), từ năm 16 tuổi cô Eve Wiley (hiện tại 32 tuổi) đã biết mình được sinh ra nhờ thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của người hiến tặng.
Mẹ của cô, bà Margo Wiliams cách đây hơn 30 năm đã tìm đến bác sĩ Kim Mcmears nhờ giúp đỡ vì chồng bà bị vô sinh. Bà mong muốn được thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng của người hiến tặng. Sau đó, bác sĩ Kim cho biết đã tìm được một người ở California đồng ý hiến và cô có thể thực hiện IVF.
Quá trình IVF thành công, bà Margo đã sinh một cô con gái khỏe mạnh, đáng yêu chính là Eve. Đến năm 2018, Eve tò mò muốn biết bố đẻ của mình là ai nên đã gửi mẫu ADN đi xét nghiệm. Và kết quả khiến cả Eve và mẹ cô đều choáng váng: Cô không phải con của ai đó xa lạ ở California mà chính là con bác sĩ Kim Mcmears. Eve lập tức nhờ những cơ quan có thẩm quyền điều tra. Cô cho rằng mẹ mình và cả gia đình đã bị lừa dối.
Từ khi còn nhở, Eve đã nghĩ mình được sinh ra từ tinh trùng hiến tặng nhưng không ngờ bố đẻ lại là bác sĩ điều trị sinh sản cho mẹ.
Ban đầu bác sĩ Kim từ chối đưa ra câu trả lời nhưng sau đó, chính ông đã viết một bức thư gửi Eve và thừa nhận cách đây hơn 30 năm, ông đã trộn tinh trùng của mình vào tinh trùng từ những người hiến tặng để cải thiện cơ hội thụ thai. Lúc đó ông nghĩ rằng khi bệnh nhân có thai thì cũng không có cách nào xác định tinh trùng của ai đã "làm việc".
Sau lời thú nhận của bác sĩ Kim, Eve quyết định tha thứ cho ông và cả 2 bắt đầu mối quan hệ cha con. Bác sĩ Kim cũng là người chủ trì cho đám cưới của Eve.