Đừng gay gắt mà hãy tìm ra một phương pháp đàm phán để trẻ cảm thấy mình có quyền lựa chọn. Khi ấy, trẻ sẽ hợp tác nhiều hơn.
Mỗi đứa trẻ đều có một tính cách khác nhau và dĩ nhiên, không thể có 1 cách dạy con chung nhất cho mọi đứa trẻ. Tuy nhiên, cũng có một số quy tắc nhất định để bạn áp dụng với những cô bé, cậu bé ương bướng. Dưới đây là những gợi ý để bố mẹ có thể tham khảo trong những tình huống con không nghe lời:
1. Con giận dỗi, gan lỳ không chịu bước đi cùng bố mẹ
Chắc hẳn rất nhiều phụ huynh đã từng rơi vào hoàn cảnh phải di chuyển ở chỗ đông người thế nhưng chỉ vì một điều không như ý con có thể chống đối lại, thi gan và nhất quyết không chịu bước đi.
Về cơ bản, trong tình huống này, nếu cha mẹ áp dụng biện pháp cứng rắn kiểu như quát tháo, nắm lấy tay con lôi đi trẻ sẽ càng chống đối nhiều hơn. Điều này chẳng những khiến cha mẹ phát ngượng với những người xung quanh mà còn gây ra những phiền phức.
Bởi vậy, mẹo cho cha mẹ chính là việc hãy cố gắng đổi vai trò với con. Thay vì bắt con phải nắm lấy tay mình và kéo con đi, hãy thỏa thuận rằng con hãy nắm tay mẹ và dẫn mẹ đi nhé, mẹ cần có sự trợ giúp của con. Ngay lập tức, trẻ sẽ cảm thấy mình thật giá trị và không phải bị bắt làm theo yêu cầu của người khác. Trẻ trở nên ngoan ngoãn để tham gia vào cuộc chơi này.
2. Trẻ không chịu chấp hành hình phạt khi mắc lỗi
Bạn sẽ phải làm gì khi con mình cư xử không đúng mực nhưng trẻ lại không chịu chấp nhận hình phạt? Điều mà cha mẹ nên làm là nói chuyện với con như một người lớn, giải thích lý do vì sao con mắc lỗi và tại con đáng bị phạt. Tuy nhiên, đừng dồn trẻ vào đường cùng theo kiểu bắt trẻ phải chịu hình phạt mà hãy đưa ra một sự lựa chọn cho trẻ theo kiểu: Giờ con hãy chọn nhé, 1 là con sẽ bị cắt ngân sách tiền nuôi heo tiết kiệm, hai là con sẽ phải rửa bát trong vòng 1 tuần, con muốn chọn hình thức nào? Nhớ nhé, hãy cho con quyền lựa chọn, ngay cả khi con mắc lỗi.
Đừng bao giờ lạm dụng hình phạt một cách thái quá vì nó không phải là biện pháp đúng đắn trong nuôi dạy con. Thay vì bắt con đứng một góc, suy nghĩ trong thời gian dài về hành vi của mình, hãy cố gắng giao tiếp với con, phân tích cho con hiểu vì sao con sai và cùng con tìm cách sửa sai.
3. Con không chịu ăn
Việc trẻ biếng ăn, mải chơi là điều thường gặp ở rất nhiều trẻ em. Trong tình huống này, đừng biến bữa ăn trở thành một nỗi ám ảnh mà hãy để nó trở thành một cuộc chơi.
Ví dụ, trong bữa sáng, khi bố mẹ quá bận rộn và cần trẻ hợp tác tự ăn hãy đưa ra một gợi ý rằng: “Mẹ và con ăn thi xem ai ăn nhanh hơn không? Ai ăn nhanh hơn sẽ là người giỏi hơn nhé”. Bằng cách này, trẻ coi đây là một trò chơi và hào hứng tham gia. Trẻ sẽ không biết rằng mình đang ăn cả bát cơm một cách ngon lành.
Hay vào bữa trưa, nếu trẻ từ chối không ăn cơm để đòi ăn bánh kẹo hay những thứ đồ ngọt khác, hãy biến chính những món ăn đó thành phần thưởng cho con nếu con ăn xong bữa. Ví dụ, khi đưa bát cơm cho con, hãy nói với con rằng nếu con ăn xong bát cơm này, mẹ sẽ dành tặng con viên kẹo ngon lành này. Biên viên kẹo thành giải thưởng ngọt ngào thay vì cấm không cho con ăn và bắt con phải ăn hết chỗ cơm.
Đừng gay gắt mà hãy tìm ra một phương pháp đàm phán để trẻ cảm thấy mình có quyền lựa chọn. Khi ấy, trẻ sẽ hợp tác nhiều hơn.
Trẻ không chịu mặc quần áo
Đây là tình huống khiến rất nhiều bậc cha mẹ… “phát điên”. Khi chuẩn bị đi chơi, bạn đã chuẩn bị đồ đẹp đẽ cho con nhưng rốt cục con lại không chịu mặc chúng. Để đối phó với điều này, bố mẹ hãy biến việc mặc quần áo trở thành trò chơi: Bịt mắt mặc quần áo. Trẻ em thích chơi trò chơi, do đó, bằng cách này, việc mặc đồ sẽ nhanh chóng và không vấp phải sự phản đối từ con.