Phương pháp xoa dịu bé hiệu quả nhất khi bé khóc là đồng cảm với cảm xúc của bé.
Một sai lầm phổ biến bố mẹ thường mắc phải khi bé khóc lóc là quát mắng, nạt nộ bé. Điều này vừa không có hiệu quả trong việc khiến bé nín khóc mà vừa để lại nhiều hậu quả không hay về sau.
Lí do khiến bé khóc
Trẻ em vẫn đang học cách làm quen với cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng. Đôi khi bé sẽ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, chán chường, tức giận và muốn khóc.
Trong trường hợp bé khóc, bố mẹ nên thấu hiểu và đồng cảm với cảm xúc của bé để giúp xoa dịu con. Tuy nhiên, nếu bé suốt ngày “mít ướt” sẽ dễ khiến bố mẹ dễ mất kiểm soát, to tiếng với bé. Thậm chí nhiều bố mẹ còn dùng đòn roi để áp chế tiếng khóc của con. Tuy nhiên, cách này hoàn toàn không hiệu quả.
Tại sao bố mẹ quát mắng, bắt bé nín khóc lại không có tác dụng?
Khi bố mẹ quát bé “Nín khóc ngay!” sẽ chỉ càng khiến cảm xúc của bé trở nên tồi tệ hơn. Bé có thể không khóc nữa vì sợ bố mẹ mắng nhưng trong lòng bé sẽ không cảm thấy thoải mái, hài lòng với điều này. Về lâu về dài bé sẽ có những cảm xúc tiêu cực với bố mẹ.
Quát mắng sẽ khiến cảm xúc của bé càng thêm tiêu cực. (Ảnh minh họa)
Nếu bố mẹ không thể xây dựng mối liên kết gắn bó, thân thiết với nhau thì bé sẽ không có cảm giác an toàn, tin tưởng vào bố mẹ. Khi bố mẹ quát bé “Nín khóc ngay” cũng đồng nghĩa với việc bố mẹ không tôn trọng và thấu hiểu cảm xúc của bé. Như vậy về sau khi bé có vấn đề, bé sẽ không muốn chia sẻ, nói chuyện với bố mẹ.
Các bậc phụ huynh thường nạt nộ con cái bởi vì họ cảm thấy các vấn đề của bé quá nhỏ bé, không đáng khóc nóc. Tuy nhiên, bố mẹ quên mất rằng, bé mới chỉ là một đứa trẻ, suy nghĩ và khả năng xử lý tình huống của bé khác rất nhiều so với người lớn. Theo thời gian, bé mới học được cách kiểm soát cảm xúc và thích ứng với môi trường hiện tại. Vì vậy thay vì nạt nộ bé, bố mẹ hãy thử áp dụng 7 câu nói kì diệu giúp bé nín khóc nhanh chóng sau đây:
1. “Bố mẹ hiểu con không vui mà, con cứ khóc đi”
Nếu bố mẹ nói “Không sao đâu, con ổn mà!” thì bé sẽ cảm thấy không thoải mái. Vì vậy thay vì coi nhẹ vấn đề của bé, bố mẹ chỉ cần đơn giản nói với bé rằng “Bố mẹ hiểu con không vui mà, con cứ khóc đi”. Câu nói này sẽ giúp an ủi bé nhanh chóng, đem lại cảm giác được thấu hiểu, thông cảm cho bé.
Thấu hiểu cảm xúc của bé sẽ giúp bé nín khóc nhanh chóng. (Ảnh minh họa)
2. “Bố mẹ nghĩ con buồn bực”
Ví dụ như khi bé đòi mua kẹo và khóc nhè vì bố mẹ không đồng ý. Thay vì mua kẹo để dỗ dành bé hay để mặc bé mè nheo, khóc lóc, bố mẹ có thể nói với con rằng: ”Bố mẹ nghĩ con đang buồn bực vì không được ăn kẹo mút. Con khóc vì muốn được ăn kẹo nhưng kẹo không tốt cho sức khỏe của con. Bố mẹ chỉ muốn con khỏe mạnh và không bị ốm thôi mà”. Khi bố mẹ nói như vậy có nghĩa là bố mẹ đã hiểu được suy nghĩ của bé và đồng cảm với cảm nhận của bé mà không cần phải nhân nhượng.
3. “Bố mẹ ở bên con mọi lúc mà”
Đôi khi bé có quá nhiều chuyện phiền muộn và bố mẹ sẽ không biết chính xác lí do khiến bé khóc nhè. Trong trường hợp này, bố mẹ nên ôm bé vào lòng và an ủi bé rằng bố mẹ luôn ở bên cạnh bé.
4. “Bố mẹ hiểu con rất mệt”
Đôi khi, bé sẽ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, khó chịu. Ví dụ như khi bé mệt vì đi bộ đường dài và bố mẹ không bế bé, cũng có thể khiến bé khóc. Thời điểm này bố mẹ nên nói với bé như sau: ”Bố mẹ hiểu con rất mệt. Chúng ta đã đi bộ khá nhiều nhưng về đến nhà mình sẽ được nghỉ ngơi”. Bố mẹ cần giúp bé hiểu là bố mẹ biết bé mệt và sẽ giúp đỡ bé thấy khá hơn.
5. “Con có muốn bố mẹ giúp đỡ không?”
Khi bé còn nhỏ, bé có thể căng thẳng, nản chí khi mọi việc diễn ra không như dự tính ban đầu. Khi này bố mẹ có thể giúp bé các nhiệm vụ khó để đạt tiến độ đề ra. Khi bé hoàn thành được thử thách, bé sẽ không khóc nữa.
Bố mẹ có thể hỏi bé có cần giúp đỡ gì trong các nhiệm vụ khó không? (Ảnh minh họa)
6. "Bố mẹ biết là việc này bất công với con”
Trẻ em cũng không hề thích việc phải nghe theo người lớn mọi việc. Bé cũng muốn được quyết định một số việc nhất định. Nếu bố mẹ cảm thấy bé đang suy nghĩ như vậy thì nên nói: ”Bố mẹ biết là việc này bất công với con” để an ủi con. Ví dụ như khi bé muốn uống nước ngọt, bố mẹ không nên ngăn cấm cứng nhắc ”Con còn bé nên không được phép uống nước ngọt”.
Bố mẹ nên nhẹ nhàng hơn và nói: ”Bố mẹ biết chuyện này bất công nhưng con còn bé, nước ngọt sẽ khiến răng con bị sâu. Khi con lớn hơn, răng tốt hơn thì con có thể uống một chút nước ngọt”. Cách này sẽ giúp bé cảm thấy không bị áp đặt.
7. “Con có thể kể mọi chuyện với bố mẹ”
Tất cả mọi người đều muốn được lắng nghe và trẻ em cũng như vậy. Khi bé khóc, bố mẹ nên động viên bé nói ra nguyên nhân. Bé sẽ bình tĩnh lại khi được bố mẹ quan tâm, chú ý. Đồng thời việc nói ra cảm xúc cũng giúp bé giải tỏa phiền muộn.
Sau đó bố mẹ có thể hỏi bé rằng: ”Con có muốn bố mẹ giúp con điều gì không?”, hoặc “Con có cần bố mẹ làm gì cho con không?”. Những câu hỏi này sẽ giúp bé suy nghĩ, từ đó thoát khỏi các cảm xúc tiêu cực.