Trẻ biếng ăn là một trong những vấn đề luôn làm cho các bậc phụ huynh phải đau đầu, vì có thể đến những tác hại rất khôn lường khiến trẻ bị chậm phát triển, suy dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch… Vậy cha mẹ cần phải làm gì để trẻ không còn biếng ăn.
Những biểu hiện cho thấy trẻ biếng ăn
- Ăn ít hơn so với bình thường
- Không chịu nhai hay nuốt, luôn ngậm thức ăn trong miệng
- Trẻ quấy rối, khóc khi thấy đồ ăn được dọn ra
- Thời gian mỗi bữa ăn bị kéo dài
Nguyên nhân trẻ biếng ăn
Có rất nhiều nguyên nhân khiến biếng ăn ở trẻ như: Do bệnh lý, thực đơn nhàm chán, ăn vặt nhiều... Hãy cùng tìm hiểu các nguyên nhân để đưa ra những cách khắc phục phù hợp cho trẻ ăn ngon miệng hơn.
1. Trẻ biếng ăn do cảm thấy không khỏe hay đang bị bệnh
Khi trẻ đang bị bệnh, cơ thể cảm thấy không khỏe, mệt mỏi nên sẽ có cảm giác chán ăn... Lúc này bạn cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của trẻ, cho trẻ uống thêm sữa để giúp bổ sung các vi chất bị thiếu do biếng ăn.
Bậc phụ huynh nên lưu tâm đến những biểu hiện hàng ngày của trẻ, nếu như bé có những dấu hiệu ho, sổ mũi, sốt nhẹ... hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ để tránh trường hợp bệnh có biến chứng.
2. Thức ăn không hợp khẩu vị của trẻ
Món ăn mà bạn thích không hẳn là món mà trẻ cũng thích ăn. Khi không hợp khẩu vị, bé sẽ không ăn, và bạn lúc này thì lại thúc ép bé ăn, việc này vô tình sẽ khiến bé bị áp lực trong mỗi bữa ăn dẫn đến trẻ biếng ăn còi cọc và sợ hãi việc ăn uống mỗi ngày.
Cần phải đa dạng các loại thức ăn để biết được khẩu vị của trẻ thích gì, nên thay đổi thường xuyên và đảm bảo chế độ ăn uống của trẻ luôn cân đối, đầy đủ chất dinh dưỡng.
3. Biếng ăn do thói quen ăn vặt của trẻ
Cho trẻ ăn vặt để bù lại lượng dinh dưỡng chưa cung cấp đủ trong các bữa ăn chính là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Mà không biết rằng đó là một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ biếng ăn.
Các đồ ăn vặt được phần lớn trẻ yêu thích như khoai tây chiên, xúc xích,... chứa rất nhiều chất phụ gia gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa còn yếu của trẻ, tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa.
4. Biếng ăn do bị ép ăn, sợ ăn
Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất ở các bậc cha mẹ khi thấy con ăn ít. Cảm giác trẻ sợ ăn, bị ép ăn khiến cho trẻ càng lười ăn. Cha mẹ đã không nhận ra được, chính bản thân mình đã tạo ra tâm lý lo lắng, sợ hãi cho trẻ.
Biếng ăn tâm lý thường xảy ra khi trẻ có cảm giác luôn bị ép buộc, bị gò bó vào một khuôn khổ hoặc bị đánh lừa. Nếu cha mẹ ép trẻ ăn nhiều lần, sẽ tạo ra một thói quen cứ nhìn thấy thức ăn là trẻ lại sợ hãi không muốn ăn.
5. Trẻ hiếu động, không tập trung ăn uống
Vì bé ham chơi nên dẫn đến bỏ ăn là một trong những nguyên nhân thường thấy ở những trẻ biếng ăn. Mất tập trung trong ăn uống bởi những tác động xung quanh sẽ trở thành thói quen gây ra tình trạng lười ăn uống.
Nhiều người dụ bé bằng đồ chơi, để bé có thể vừa ăn vừa chơi hoặc vừa ăn vừa cho xem tivi hay điện thoại, hoặc cho bé đi thong dong trong lúc ăn.
Việc này không những không giúp cho bé ăn nhanh hơn mà còn khiến bé mất tập trung làm cho bữa ăn trở nên dài thêm, thức ăn nguội lạnh khiến bé lại càng chán ăn.
6. Không được tham gia cùng với gia đình
Nhiều gia đình cho bé ăn riêng mà không cho ăn cùng các thành viên trong nhà.
Việc cho trẻ ăn trước bữa ăn của gia đình khiến cho trẻ không học được thói quen ăn uống của người lớn, không cảm thấy không khí vui vẻ, ấm cúng của bữa ăn gia đình.
Khi bé lười ăn, cha mẹ lại thiếu kiên nhẫn sẽ dẫn đến nổi nóng, tức giận, quát nạt trẻ... việc này làm không khí bữa ăn trở nên căng thẳng, khiến cho bé sợ ăn hơn.
7. Thực đơn nhàm chán
Khi thực đơn mà bậc cha mẹ lên hàng ngày với những món ăn lặp lại một cách nhàm chán thì khẩu vị của bé từ ăn ngon cũng chuyển sang ngán ngẩm. Đây là một trong những lý do phổ biến khiến cho trẻ trở nên biếng ăn.
8. Trẻ bị thiếu hụt các vitamin và khoáng chất
Khi bé thiếu các loại khoáng chất như kẽm, selen sẽ khiến cho bé cảm thấy ăn không ngon miệng và lười ăn. Nếu như không bổ sung dưỡng chất cần thiết ngay thì trẻ sẽ biếng ăn trong một thời gian dài sẽ gây suy dinh dưỡng, còi cọc và chậm phát triển trí não.
Cách khắc phục tình trạng trẻ biếng ăn
Lên thực đơn hàng ngày và đa dạng
- Cho trẻ ăn nhiều loại thức ăn khác nhau. Chế biến thức ăn thành những món khác nhau nhằm kích thích thị giác của trẻ và để phát hiện thêm những món mới mà trẻ thích.
- Tùy theo độ tuổi mà bạn có thể phân công cho con làm những việc trong bếp cùng với mẹ. Sẽ giúp con hào hứng và thấy được vai trò quan trọng của mình trong việc nấu những bữa cơm cho gia đình. Kết quả là sẽ giúp con sẽ ăn ngon miệng hơn.
Không kéo dài thời gian mỗi bữa ăn
- Khi con không chịu ăn, cha mẹ thường hay cho con vừa ăn vừa chơi để cố ép cho con ăn hết bát bột khiến cho thời gian bị kéo dài. Điều này vừa làm thức ăn không còn ngon, vừa làm cho bé thêm chán.
- Một bữa ăn của trẻ chỉ nên kéo dài tối đa 30 phút, nếu bé không ăn được nhiều cũng nên kết thúc và cố gắng cho bé ăn ở bữa kế tiếp hoặc tăng thêm bữa ăn chứ không nên kéo dài thời gian.
Không nên ép trẻ ăn
- Những món ăn lạ mà trẻ chưa quen hoặc không hợp khẩu vị của trẻ, mẹ hãy kiên trì tập cho con quen dần, từ ít đến nhiều trong các bữa ăn.
- Khi con đã ăn đủ no thì không nên ép ăn thêm để tránh làm bé sợ. Tránh các hành động đè bé đổ thức ăn, đánh bé khóc để bé nuốt...
- Tạo không khí bữa ăn vui vẻ, thoải mái, tránh xung đột trong gia đình khiến bé sợ hãi.
- Tuyệt đối không cho thuốc vào thức ăn hay sữa. Khi trẻ bệnh, nếu trẻ khó uống thuốc, bạn hãy trình bày với bác sĩ để bác sĩ cho đơn thuốc dễ uống hơn.
Để con được đói, không cho trẻ ăn vặt quá nhiều
Nhiều bậc cha mẹ thấy trẻ đòi ăn bánh kẹo hay những đồ ăn vặt khác sẽ đáp ứng ngay. Điều này đã làm cho trẻ không có cảm giác đói và thèm ăn nữa. Ta chỉ nên cho ăn vặt một lần mỗi ngày và đặc biệt lưu ý chỉ cho trẻ sau khi đã ăn xong bữa chính.
Nếu muốn trẻ tiêu thụ nhiều năng lượng, hãy giúp bé tăng cường các hoạt động vận động như chạy, nhảy, chơi với các bạn, leo trèo,... trước khi ăn.
Khuyến khích và khen ngợi trẻ
Mọi trẻ em đều thích được khen ngợi của người lớn. Nếu bé thử một loại đồ ăn mới thì cha mẹ hãy khen ngợi bé một cách vui vẻ.
Với cách này bạn đã ngầm gửi một thông điệp tới bé, khi bé ăn thì mẹ sẽ vui và được khen. Lần sau khi bé muốn được khen bé sẽ lại thử những đồ ăn mới mà mẹ đưa cho. Hãy cho bé một phần thưởng, có thể chỉ là một câu động viên, khen ngợi... Với cách làm này thì việc muốn thử đồ ăn mới là việc sẽ xuất phát từ tự thân bé mà bạn không phải ép.
Cho trẻ ăn đúng bữa
Việc cho ăn không đúng bữa, ăn bất kể lúc nào bé thích là thói quen không tốt. Nên lập thời gian biểu cho trẻ, các khung giờ ăn trong ngày nên cố định để tạo lập thói quen. Khi đến giờ bé sẽ thấy đói, và lúc này việc cho bé ăn sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Để cho trẻ tự ăn
Trẻ 2, 3 tuổi thường sẽ ăn được nhiều hơn nếu cha mẹ để chúng tự ăn. Nếu mẹ cứ bón mãi vì sợ trẻ biếng ăn, dần dần bé sẽ nhận thức được rằng ăn đúng là một việc khó chịu. Hãy để cho bé cảm thấy rằng được ăn là niềm vui.
Cho bé ăn cùng với gia đình
Hãy để bé cùng ngồi ăn trong bữa cơm với gia đình. Ngồi ăn một mình sẽ rất buồn chán. Bố mẹ cùng kể chuyện vui cho bé nghe, bé sẽ vừa ăn vừa cảm thấy thích thú khi được nghe kể chuyện và ăn hết bát cơm lúc nào không hay.
Để khắc phục được một cách hiệu quả nhất thì rất cần sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ. Khi thấy con biếng ăn, bạn cần phải bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân vì sao và đặc biệt phải chú ý đến yếu tố tâm lý để giúp con hết biếng ăn. Trong trường hợp áp dụng nhiều cách mà không khiến bé cải thiện hơn thì bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn và đưa ra những giải pháp phù hợp cho con của bạn.