Camera an ninh đã quay lại toàn bộ hành động của Lucas lúc đó.
Vài giờ qua, mạng xã hội lan truyền bài đăng của một ông bố T.A (Hoàng Mai, Hà Nội) tố cáo một người đàn ông có hành vi bạo hành con gái 4 tuổi của anh tại một khu vui chơi ở Phương Liệt. Nguy hiểm hơn, theo người bố, hiện tại sau khi đã trở về nhà, bé gái còn liên tục khóc, hoảng loạn. Thậm chí bé gái đến nằm ngủ mơ màng. Cùng với những lời tố đó có cả clip và hình ảnh để chứng minh. Hiện tại theo khai nhận của người đàn ông, anh thừa nhận đã không kiềm chế được bản thân do bị cháu bé 4 tuổi vô tình ném bóng nhựa trúng mặt nên đã dùng chân, tay đánh 2, 3 phát vào người cháu bé.
Người đàn ông khai nhận đã đánh cháu bé.
Sự việc đúng sai, trái phải hiện vẫn đang tiếp tục được cơ quan chức năng tìm hiểu. Tuy nhiên phần đông cộng đồng mạng vô cùng bức xúc với hành vi bạo hành trẻ em của người đàn ông này vì nó không chỉ đem lại những nỗi đau về thể xác mà còn là nỗi đau tinh thần khiến đứa trẻ hoang mang, sợ sệt. Câu chuyện khiến nhiều người liên tưởng đến trường hợp cậu bé 5 tuổi ở Trung Quốc cách đây khoảng 1 tháng cũng đã chịu ảnh hưởng tâm lý lớn dù bé chưa bị đánh nhưng đã tiếp nhận những lời nói nặng nề.
Cụ thể, vụ việc xảy ra ở một cửa hàng đồ chơi tại trung tâm thương mại Langham Place, Hong Kong, Trung Quốc vào tối 22/5. Cậu bé có tên Lucas 5 tuổi đã cùng bố mẹ đến đây để mua sắm nhưng trong lúc bố mẹ không để ý, Lucas đã làm vỡ một bức tượng Teletubbies. Và theo lời của nhân viên kể lại là do Lucas nghịch ngợm, bé đã đá và làm pho tượng bị đổ và vỡ.
Theo nhân viên cửa hàng, cậu bé Lucas đã dùng chân đá vào tượng và khiến nó bị vỡ.
Bố của đứa trẻ đã nhanh chóng nhận trách nhiệm về bản thân mình và xin được bồi thường toàn bộ giá trị bức tượng là 52.800 đô la Hong Kong (tương đương khoảng hơn 150 triệu đồng), tuy nhiên chủ cửa hàng chỉ tính phí cho anh là 33.600 đô la (khoảng 100 triệu đồng).
Tuy nhiên sự việc chưa dừng lại ở đó khi camera an ninh của tòa nhà đã ghi lại toàn bộ khoảnh khắc ngày hôm đó đã bóc trần sự thật cho thấy cậu nhóc không hề đá vào và làm bức tượng đổ mà do Lucas vô tình đứng dựa vào bức tượng và khiến nó bị đổ. Gia đình cậu bé cũng đã liên lạc với nhân viên của cửa hàng để yêu cầu giải thích về những gì nhân viên đã nói dối về hành động của con trai anh. "Bạn có thể nói thằng bé không cẩn thận chứ không được nói thằng bé đá vào tượng. Đó là một sự lừa đảo".
Đồng thời ông bố cũng nói thêm: "Cửa hàng lẽ ra nên đặt lan can xung quanh bức tượng để bảo vệ những người qua lại và bản thân bức tượng vì nó có thể dễ dàng rơi ra từng mảnh. Tất nhiên là cha mẹ, chúng tôi cũng có trách nhiệm của mình vì chúng tôi đã không theo dõi sát sao con trai".
Bức tượng trước đó không được vây rào cẩn thận.
Cuối cùng, đại diện cửa hàng đã liên lạc với gia đình cậu bé để xin lỗi về sự hiểu lầm này, đồng thời hoàn lại toàn bộ số tiền bồi thường trước đó.
Thế nhưng điều được nhiều người quan tâm trong câu chuyện này đó chính là những chia sẻ của ông bố mới đây về tình trạng cậu bé Lucas sau khi gây ra sự việc xôn xao mạng xã hội. Bố của Lucas cho biết sau khi làm vỡ bức tượng và bị nhân viên cửa hàng ra bao vây, chỉ trích, cậu nhóc 5 tuổi đã vô cùng sợ hãi. Thậm chí khi trở về nhà Lucas vẫn còn chưa "hoàn hồn".
Em không dám di chuyển, động đậy trong nhà vì ám ảnh tâm lý. Thậm chí con còn không nói một lời nào khiến bố mẹ lo lắng. Vào một lần khác, cậu bé còn bất chợt hỏi bố “Vì sao búp bê lại đáng sợ đến thế?”. Cậu bé thậm chí còn không dám đi học nhiều ngày liền sau đó. Thấy con trai có biểu hiện như thế, cặp bố mẹ cảm thấy vô cùng hối hận vì bản thân cũng đã nóng giận giây phút đó, trách nhầm con trai rằng đã nô đùa, nghịch ngợm làm phá hoại tài sản của người khác. "Sau khi clip được lan truyền đến tôi mới biết lúc đó mình đã mắng nhầm con" - phụ huynh cho biết.
Qua câu chuyện trên có thể thấy việc đứa trẻ bị hiểu lầm và vu oan thực sự có sát thương rất lớn, đặc biệt là với một đứa trẻ chưa có đủ năng lực để giải thích và minh oan cho mình, sự uất ức và tủi thân này sẽ nhân lên gấp bội. Mặc dù trong trường hợp của bé trai 5 tuổi người Trung Quốc này chưa hề bị "tác động vật lý" như bé gái 4 tuổi ở Việt Nam đã nhắc đến ở phần đầu tiên nhưng quả thực dù là lời nói hay hành động của người lớn đều có ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, suy nghĩ của con trẻ.
Vì vậy trước khi nói và làm một điều gì đó với con, người lớn hãy cân nhắc thật kĩ để không phải hối hận. Qua đó các bậc phụ huynh cũng cần rút kinh nghiệm mỗi khi ra ngoài nơi công cộng với trẻ, các bé chưa ý thức được những mối nguy hiểm xung quanh, vì vậy cha mẹ nên theo sát để bảo vệ con. Và ngay từ khi còn ở nhà, cha mẹ cũng nên dặn dò con thật kĩ các lưu ý khi đi ra ngoài, vào trung tâm thương mại, siêu thị để không gặp những tai nạn hối tiếc như trên.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, khi các bé phạm lỗi ở những nơi đông người, cha mẹ nghĩ rằng trẻ nhỏ chưa có lòng tự trọng, kỳ thực các bé còn nhạy cảm hơn người lớn. Mắng mỏ hay roi vọt trước mặt nhiều người có thể làm tổn thương lý tâm lý trẻ.
Ngược lại, khi các con phạm lỗi, cha mẹ nên bình tĩnh và giúp con giải quyết tình huống bằng cách thử hỏi con 4 câu hỏi sau:
1. Đã xảy ra chuyện gì vậy con?
Câu hỏi này nghe thì có vẻ đơn giản nhưng kỳ thực lại vô cùng quan trọng.
Cha mẹ nên bình tĩnh và lắng nghe những lời trẻ nói, đứng ở góc độ của con để xem xét sự thật, để tránh hiểu lầm trách oan con trẻ. Hơn nữa, hãy để con có cơ hội được nói, thậm chí nếu thực sự lỗi là do trẻ, thì ít nhất trẻ cũng có cơ hội tự bảo vệ bản thân hoặc sẵn sàng thừa nhận điểm sai sau khi mọi chuyện đã rõ ràng.
2. Con cảm thấy như thế nào?
Sau khi tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra, đừng vội vàng giáo dục con cái.
Nghiên cứu khoa học cho thấy một khi con người có cảm xúc mãnh liệt hoặc đang bị kích thích, thì bên ngoài dẫu ai nói gì cũng sẽ không dễ dàng tiếp thu vào bộ não. Điều đó cũng có nghĩa là, khi trẻ vẫn còn mang trong mình một cảm xúc kích động, thì cha mẹ dù nói gì, trẻ cũng không lắng nghe.
Vì vậy, nếu muốn con cái có thể nghe theo ý kiến của mình, cha mẹ cũng cần đồng cảm với cảm xúc của con và an ủi để con vượt qua được những cảm xúc tiêu cực.
3. Con cảm thấy có những cách xử lý nào?
Cha mẹ nên lắng nghe những suy nghĩ ngây thơ non nớt của trẻ để trẻ cảm nhận được sự tôn trọng khi thể hiện quan điểm.
Cha mẹ hãy ở bên cạnh cùng con nghĩ ra ý tưởng, từng bước lập kế hoạch cho con, cùng con định hướng ra các giải pháp.
4. Nếu lần sau lại gặp tình huống tương tự, con sẽ làm thế nào?
Sau khi đợi mọi chuyện qua đi, cha mẹ có thể cho trẻ cơ hội tự đánh giá bản thân mình. Điều này phản ánh sự phán đoán và cách giải quyết của trẻ đã có hiệu quả hay để lại hệ quả như thế nào.
Nhiều bậc cha mẹ tin rằng con mình còn nhỏ, không có khả năng giải quyết vấn đề. Thực tế thì, ngay cả khi còn nhỏ, trẻ cũng sẽ có cách vận dụng các chiến lược và giải pháp cho mọi vấn đề theo cách của các con.