Ngay từ khi bé Mía mới 14 ngày tuổi, chị Ngọc Hà đã thảnh thơi mỗi tối bởi con tự ngủ riêng.
(Mẹ Ngọc Hà thực hiện phương pháp cho con ngủ riêng từ sơ sinh)
Sau khi kết hôn, bà mẹ trẻ Nguyễn Ngọc Hà (sinh năm 1987, hiện đang sống tại Hà Nội) sinh liền 2 bé và ở nhà 4 năm để chăm con. Không để bản thân thụt lùi, Ngọc Hà sáng lập một group tập hợp các bà mẹ bỉm sữa nhằm trao đổi cách nuôi dạy trẻ, một tạp chí về chăm sóc mẹ bé, làm đẹp gia đình, một dự án sinh trắc vân tay và một lớp học phi lợi nhuận.
Để cùng lúc vừa chăm hai con nhỏ vừa đảm đương khối lượng công việc khổng lồ, bà mẹ 8x quyết không rơi vào cảnh "rã tay ru con mỗi đêm" mà rèn con ngủ xuyên đêm từ sơ sinh để mẹ có thời gian làm việc.
Bé Măng, con trai đầu của Ngọc Hà "ra riêng" khi 5 tháng tuổi và với bé Mía, con trai thứ hai, bà mẹ trẻ thậm chí còn để con ngủ một mình từ... 14 ngày tuổi.
Chị Ngọc Hà và hai cậu con trai Măng, Mía.
Bí quyết rèn con sơ sinh ngủ xuyên đêm của Ngọc Hà sẽ rất đáng cho những chị em bỉm sữa chung ý tưởng tham khảo.
"Nhiều mẹ nói thích ôm con, ngủ cùng con. Mình thì không thế"
Nhiều người cho rằng trẻ con chưa biết nói, chưa biết đi, thậm chí đã 3,4 tuổi thì vẫn cứ là “biết gì mà dạy”. Quan điểm của bạn thế nào?
Đã có nhiều chứng minh về tác dụng của thai giáo đến các em bé, vậy nên mình không đồng ý với quan điểm trên. Các bạn nhỏ đúng là chưa quản lý cảm xúc tốt nên nhiều khi các bạn ấy có những hành động lời nói ngộ nghĩnh đáng yêu cho đến bộc lộ sự nóng giận vô cớ. Khi đó mọi lời nói của cha mẹ ông bà sẽ khó làm bé bình tĩnh được. Có lẽ vì vậy mà nhiều người cho rằng 3,4 tuổi thì biết cái gì mà dạy.
Bạn đã rèn con ngủ riêng từ 2 tuần sau sinh? Khi ấy bạn có vấp phải sự phản đối của người thân và gia đình?
Hai bé nhà mình được ngủ phòng riêng từ rất sớm. Cu Măng 5 tháng và cu Mía sau 2 tuần. Với cu Măng là con đầu cháu sớm nên ông bà cũng xót lắm. Nhất là sau khi ngủ riêng một thời gian ngắn, Măng bị sụt sịt mũi, ông bà càng cho rằng việc ngủ riêng với một đứa trẻ 5 tháng là điều bất khả thi.
Với Mía thì mọi chuyện dễ hơn rất nhiều, con được theo "nếp Easy" từ sơ sinh, được ngủ riêng từ khi lọt lòng do trong viện có cũi riêng cho bé. Do đã có kinh nghiệm nên việc ngủ riêng và ông bà cũng thấy được lợi ích của những nếp ăn ngủ này nên mình cũng không cần giải thích nhiều thêm nữa.
Bé Mía được mẹ cho ngủ riêng từ khi mới 14 ngày tuổi.
Bạn có ngại những ý kiến cho rằng mẹ "lạnh lùng" khi để con ngủ riêng từ khi còn quá nhỏ?
Nhiều mẹ đang ru con ngủ sẽ bảo mình thích ôm con ngủ, đấy là lựa chọn của các mẹ. Mình không ru con ngủ, không ôm con ngủ, nhưng lúc con thức mình nói chuyện cùng con, đọc truyện Ehon cho con nghe (và con rất thích). Con không bị gắt ngủ và vào giấc rất nhanh (dưới 5 phút kể từ lúc đặt vào cũi) - khi đó là thời gian của mình - dọn nhà đọc sách hay làm những việc mình thích.
Phương pháp và các điều kiện cần chuẩn bị khi rèn con ngủ riêng
Để rèn con tự ngủ như vậy, bạn đã thực hiện theo những qui tắc, những bước gì?
Để làm được vậy mẹ cần đảm bảo 3 bước tuần tự:
- Con đã có nề nếp
- Mẹ đã chuẩn bị môi trường ngủ tốt.
- Cuối cùng sẽ là để con tự ngủ
Các bước cần thực hiện trước mỗi giấc ngủ đêm của con.
Môi trường ngủ của bé sơ sinh tập tự ngủ cũng vô cùng quan trọng. Con tự ngủ, ngủ sâu giấc được hay không, ngoài nếp sinh hoạt thì phần trăm thành công cũng nằm một phần ở môi trường ngủ này.
Có thể kể ra dưới đây để các mẹ chuẩn bị:
+ Cũi: Con cần có một cái cũi - không gian nhỏ của cũi sẽ tạo sự an toàn cho các bé (kèm quây cũi). Giống như người lớn lạ nhà là ngủ không yên.
+ Nhiệt độ phòng: Nóng quá các con cũng khó ngủ, lạnh quá thì dễ nhiễm lạnh. Nhiệt độ hợp lý thì tuỳ từng bé. Mẹ có thể kiểm tra bằng cách dùng nhiệt ẩm kế đặt cạnh cũi cũi, bật điều hoà và sờ phần dưới gáy con, hơi mát hoặc âm ấm không đổ mồ hôi là được. Cu Măng lúc trên dưới 1 tuổi thì nhiệt ẩm kế đặt trong cũi chỉ mức khoảng 25 độ là con ngủ ngon nhất, tăng thêm nửa độ là thấy con nóng rồi. Mẹ có thể mặc body dài tay dài chân cho con, không cần đeo tất. Với các bé nhỏ còn cuốn thì cần giảm nhiệt độ sâu hơn nữa. Bé Mía chịu mức nhiệt độ 22-24 độ.
+ Rèm: Lúc con ngủ sẽ kéo rèm tối, con thức thì ánh sáng tràn ngập để con phân biệt rõ tối là thời gian ngủ và con sẽ dễ chấp nhận việc tự ngủ hơn.
+ Tiếng ồn trắng: Một âm thanh rì rì đều đều giống âm thanh khi con nằm trong bụng mẹ. Trong bụng mẹ, âm thanh đi qua nước ối đến tai con và âm thanh con nghe thấy giống như tiếng máy sấy tóc, máy hút bụi, tiếng quạt quay. Thêm nữa, tiếng ồn trắng làm giảm bớt tiếng động bên ngoài. Đấy là lý do 2 đứa nhà mình ngủ sớm nhưng bố mẹ vẫn xem ti vi và bật nhạc bình thường.
Nhiều mẹ sẽ thấy thật là phức tạp nhưng khi con tự ngủ và ngủ giấc dài, thì mẹ sẽ có nhiều thời gian làm việc và chăm sóc gia đình thay vì ôm con ngủ cả ngày.
Bé Mía mặc áo ngủ để chuẩn bị đến giờ đi ngủ.
Đừng bị stress bởi tiếng khóc của con, hãy chỉ stress khi không dỗ nổi con nín
Theo bạn, đâu là lý do khiến nhiều mẹ “bỏ cuộc” và lại tiếp tục những tháng ngày bế con rã tay cả đêm?
Sợ tiếng khóc của con là lý do tiên quyết để bố mẹ đầu hàng. Kéo theo đó là sự hoang mang không biết mình làm đúng hay sai. Tiếp theo nữa là sự phản đối từ chính người thân trong gia đình.
Bạn "đối phó" thế nào với tiếng khóc của con?
Nghe tiếng con khóc là trải nghiệm không vui vẻ chút nào. Mới đầu, mình không có kinh nghiệm gì cả, áp dụng muộn và cũng áp dụng sai vài điều. Mình không khuyên các mẹ nên mặc kệ cho con khóc, mình chỉ khuyên rằng nếu các mẹ cảm thấy có điều gì còn lăn tăn thì hãy dừng lại và quan sát thêm. Có thể đọc thêm sách, hỏi han thêm từ những bà mẹ có kinh nghiệm đi trước. Để khi áp dụng sẽ không bị hoang mang.
Mình nghe rất nhiều mẹ chia sẻ rằng: em để con khóc cả tiếng mà con không ngủ! Hỏi lại mới biết mẹ chưa hề thiết lập nề nếp thì việc con khóc là hoàn toàn vô ích. Nhưng không phải vì thế mà con hơi ré lên 1 chút là vội chạy vào ôm bế con lên.
Mình từng nói với bạn bè rằng: mình không bị stress bởi tiếng khóc của con, mà mình chỉ stress khi không dỗ nổi con nín. Quả đúng là như vậy, các bạn nhỏ rất giỏi dùng tiếng khóc để sai khiến bố mẹ chúng.
Ban đêm ngủ bọn trẻ có thể khóc chỉ vì giật mình, vì tỉnh giấc giữa đêm và tiếng khóc khi ấy đơn giản là cách con nối các chu kỳ ngủ lại. Hãy để con tự xoay xở thay vì hỗ trợ nhiều hơn con đang cần.
Muốn con ngủ xuyên đêm, cũng đồng nghĩa với bỏ cữ bú đêm. Bạn đã làm thế nào?
Bỏ bú đêm thực ra rất đơn giản. Mình không áp dụng cho con ăn sữa buổi đêm theo giờ mà sẽ để con ngủ đêm đến khi nào tự dậy đòi ăn thì mình sẽ mời ăn. Cách này giúp con cắt cữ bú đêm rất nhanh. Chỉ 1,5 tháng Mía đã ngủ xuyên đêm mà không cần ăn rồi.
Cảm ơn bạn về những chia sẻ này!