Cái tên 11 Niềm hy vọng khiến người xem chờ mong vào một bộ phim đậm chất bóng đá và tinh thần kịch tính của môn thể thao vua, nhưng xem xong, đa phần khán giả đều phải lắc đầu.
Trailer phim 11 Niềm hy vọng
Cơn sốt U23 Việt Nam vừa tạm lắng chỉ 1, 2 tháng trở lại đây nhưng dư âm của nó vẫn âm ỉ cháy trong lòng người xem. Chẳng thế mà ngay khi nghe đến tên phim 11 Niềm hy vọng cũng như hình ảnh bộ phim, nhiều người đã mong chờ một sản phẩm điện ảnh kịch tính và sôi động về bóng đá hoặc ít ra cũng là một tác phẩm chất lượng về môn thể thao vua.
Thế nhưng, sau 90 phút ra rạp, khán giả chỉ có thể ngao ngán tóm lược phim trong 3 từ quá: “quá thừa”, “quá thiếu” và “quá kịch”.
Các fan bóng đá đã chờ mong những quang cảnh của “Thường Châu tuyết trắng”
Quá “thừa” nhưng cũng lại quá “thiếu” trong kịch bản
11 Niềm hy vọng kể về Phong (Nhan Phúc Vinh) - một chàng trai đam mê bóng đá từ nhỏ nhưng luôn bị người cha khắc nghiệt cấm đoán. Anh phải giấu cha tham gia đá cho đội bóng của tỉnh nhưng luôn ngồi ở vị trí dự bị.
Trong một lần bất ngờ được vào sân thay người, anh đã có pha phối hợp xuất thần cùng cậu bạn Hùng (Hoàng Phi) để ghi bàn cứu nguy cho đội nhà. Nhờ đó Phong được lọt vào mắt xanh của Huấn luyện viên đội tuyển trẻ quốc gia. Từ đây, câu chuyện vươn tới một ngôi sao của anh bắt đầu.
Những khó khăn bỗng ập đến với anh, từ việc thua kém đồng đội cho đến việc… thất tình. Qua đó, bộ phim muốn gửi gắm tình yêu với trái bóng tròn cùng ước mơ vô địch mang vinh quang về cho tổ quốc.
Tuy nhiên, những vấn đề mà Phong gặp phải lại đầy yếu tố tâm lý, tình cảm và yêu đương. Thậm chí, điểm yếu đầu tiên anh phải khắc phục là sự tập trung nhìn vào quả bóng thay vì để ý đến cô bạn thân xinh đẹp trên khán đài.
Còn yếu tố mấu chốt giúp anh thành công? Chăm chỉ tập luyện là chưa đủ, còn cần cô con gái xinh đẹp của huấn luyện viên để ý đến và tối tối tập cùng nữa.
Thật khó hiểu khi một bộ phim đề tài thể thao lại đi sâu vào khai thác đời sống tình cảm của nhân vật nhiều hơn cả tài năng trên sân cỏ.
Nửa đầu phim, cầu thủ cứ bận loay hoay trong mối quan hệ với người đẹp, còn khán giả thì cứ mong chờ bóng đá cho ra bóng đá. Ấy vậy mà khán giả chỉ được xem vài pha đi bóng, dắt bóng đơn điệu lướt nhanh qua màn hình, kể cả các màn tập luyện cũng chỉ dắt bóng qua cọc và sút.
Các trận đấu dù vòng loại hay tứ kết, bán kết cúp khu vực... cũng đều chiến thắng trong vòng 1 nốt nhạc. Có lẽ chỉ đến 15 phút cuối, khán giả mới được thấy một trận bóng đá có thể xem là thật sự trong một bộ phim về bóng đá. Đó cũng là trận chung kết khi các tình tiết mâu thuẫn lên cao.
15 phút cuối phim, khán giả mới được xem một trận bóng tạm coi là thật sự.
Vừa muốn nói về tình yêu với bóng đá, lại vừa muốn lật tấm màn đen mang tên “bán độ”, vừa nâng tầm bóng đá với lòng yêu nước lại vừa đặt cầu thủ trong các mối quan hệ yêu đương... phim quả thật đã ôm đồm quá nhiều thông điệp. Nhưng điều hấp dẫn có thể kể đến trong môn thể thao vua như sự bất ngờ, sự cống hiến và những pha biểu diễn với trái bóng tròn trên sân cỏ... thì 11 Niềm hy vọng lại thiếu một cách trầm trọng.
Quá “kịch” trong cách xây dựng hình tượng nhân vật chính
Bóng đá là câu chuyện về tinh thần đồng đội với những người hùng trên sân cỏ, nhưng xuyên suốt 11 Niềm hy vọng lại chỉ thấy hình ảnh của duy nhất nam chính. Anh được xây dựng giống như một "siêu anh hùng" vậy. Đây là mô típ quá dễ đoán trong phim truyền hình Việt: từ một nhân vật chuyên ngồi ghế dự bị, bị “đội sổ” trong cả đội, nhưng nhờ nỗ lực tập luyện và kiên trì với đam mê mà dần thành công.
Về mặt tinh thần, phim xây dựng hình tượng đạo đức trong bóng đá của Phong như một tượng đài, dù có bị mua chuộc, hay đe dọa cũng không khuất phục.
Đối lập với hình tượng của Phong là hình ảnh của Nam và Bắc, hai cầu thủ tài năng nhưng sớm dính vào con đường "bán độ". Phim xây dựng rõ ràng hai phe “anh hùng” là Phong và Hùng, đối lập với phe “tà ác” là Nam và Bắc.
Cuộc đối đầu đơn giản là phe "tà ác" giăng bẫy, phe "anh hùng" liêm khiết bị chèn ép, rồi kiên cường chiến đấu và cuối cùng sẽ chiến thắng. Lẽ dĩ nhiên là vậy, vì trong các vở kịch, anh hùng đâu thể nào thất bại?
Hài hước hơn nữa khi kết cục của các kẻ chiến bại cũng rơi vào lối mòn cũ rích. Đó là sự hối cải và con đường hoàn lương luôn mở rộng.
Nam và Bắc bị phát hiện "bán độ" ngay trước trận chung kết, nên phải ngồi ngoài hết hiệp 1. Từ trên ghế dự bị, họ chứng kiến đồng đội vật lộn với đối thủ hơn hẳn về thể lực. Chứng kiến bao cảnh xả thân của đồng đội vì màu cờ sắc áo khiến họ muốn hoàn lương, muốn được kề vai sát cánh ở hiệp 2.
Không bàn đến vấn đề tâm lý nhân vật thay đổi 180 độ, tạm thời chỉ cần đặt ra một câu hỏi: “Nếu không bị phát hiện "bán độ", hai nhân vật này có nhìn ra được sự nỗ lực của đồng đội mình hay không?” Có vẻ như sự hối hận muộn màng của 2 cầu thủ này cũng hơi gượng ép.
Bên cạnh đó, một điểm điển hình sự “kịch” trong phim điện ảnh 11 niềm hi vọng là thoại quá nhiều, quá phô và đấy tính thuyết giáo. Không chỉ “tượng đài” anh hùng của Phong luôn hô vang khẩu hiệu sẽ không bán đứng màu cờ sắc áo mà các nhân vật khác cũng luôn răm rắp những lời như truyền giáo: "Chúng ta là 11 niềm hi vọng vinh quang của đất nước, các em phải xứng đáng với niềm tin của người hâm mộ..."
Ngay cả vai phản diện là Nam khi muốn xin vào sân đá cùng đồng đội cũng toàn lời lẽ dài dòng sướt mướt: “Em xin được đá cùng anh em, huấn luyện viên”, “xin thầy hãy cho em được sát cánh cùng anh em”, “các anh em đã kiệt sức rồi”... Các diễn viên dùng thoại để thể hiện quá nhiều trong khi đây là một phim điện ảnh. Từ một ánh mặt, một cử chỉ hay thái độ, người xem cũng có thể nhận ra nhiều điều hơn vạn lời nói ấy.
Ngoài ra, sự "kịch" trong diễn xuất của các diễn viên cũng là một điểm trừ khá lớn. Đầu tiên là màn rớt nước mắt của Phong khi bị người cha đuổi ra khỏi nhà vì đá bóng. Không thuyết phục, cũng không tranh luận gì nhiều, anh chỉ… khóc và nhặt balo lên đi. Là một người đàn ông trưởng thành mạnh mẽ theo đuổi ước mơ, bị cha giận và đuổi ra khỏi nhà, tại sao phải khóc?
Tiếp nữa là màn vênh váo của Quyền - nhân vật “trùm sò” cá độ trong phim. Đây có lẽ là nhân vật luôn xuất hiện với đúng một biểu cảm tinh vi, ngạo mạn và “tỏ ra nguy hiểm” nhất phim. Mỗi lần anh xuất hiện, đạo diễn đều làm quá lên như sợ người xem không biết anh chính là kẻ phản diện. Và cuối cùng phải nhắc lại: màn hoàn lương nhanh như "lật mặt giấy" của nhân vật Nam và Bắc cũng hết sức "kịch".
Tóm lại, 11 Niềm hy vọng giương cao tinh thần bóng đá, tinh thần đồng đội và nhất là tinh thần dân tộc của các cầu thủ trong màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Nhưng toàn bộ phim lại sa đà vào quá nhiều vấn đề, lại vừa cá nhân hóa cầu thủ và cho đến cuối cùng vẫn không thực sự toát lên được tinh thần thống nhất của cả một đội bóng.
Bên cạnh đó, nội dung quá “kịch” khiến người xem đã không thể nhận ra đây là phim điện ảnh về bóng đá hay phim truyền hình tâm lý tình cảm. Quả thật với những ai yêu trái bóng tròn, 11 Niềm hi vọng thực sự đã mang lại thất vọng.