Sài Gòn là một thành phố mang nhiều dấu ấn của các nền văn hóa khác nhau. Điều này thể hiện rất rõ nét trong kiến trúc của các ngôi chùa tọa lạc tại thành phố này.
1. Chùa Kỳ Quang 2
Chùa Kỳ Quang 2 được xây dựng từ năm 1926, có tên gọi ban đầu Thanh Châu Tự, vốn là một ngôi chùa làng ở quận Gò Vấp, TP HCM. Đến năm 2000, chùa được xây mới hoàn toàn trên diện tích rộng gần 7.500 m2. Toàn bộ kiến trúc do Thượng toạ Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa thiết kế.
Kiến trúc chùa là sự kết hợp hài hoà giữa giáo lý nhà Phật với lịch sử văn hoá dân tộc Việt Nam. Lối vào cổng chùa không có cửa, thay vào đó là là hai hình tượng Phật đứng và ngồi. Chùa không có mái để nhìn ra "chín phương trời, mười phương Phật", không cửa để đón chào tất cả chúng sinh, không tường, cột để con người không bị ngăn cách và giới hạn. Đã là cửa Phật thì mọi thứ cần giải thoát, nhẹ nhàng.Ở 4 góc chùa có 4 thác nước từ núi đổ xuống đẹp mắt, gần gũi với thiên nhiên.
Địa chỉ: 154/4A Lê Hoàng Phái, Phường 17, Gò Vấp
2. Chùa Bửu Long
Thành lập năm 1942, đến năm 2007, chùa Bửu Long được đầu tư xây dựng và trùng tu, trở thành công trình kiến trúc tiêu biểu cho sự kết hợp giữa tinh hoa kiến trúc nhà Nguyễn và văn hóa Đông Nam Á. Ngôi chùa nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 20 km. Từ xa, du khách có thể nhận diện qua hình ảnh ngọn bảo tháp màu vàng rực rỡ, nổi bật trên nền trời.
Nơi đây khá độc đáo, giống với kiến trúc ở xứ sở chùa vàng nên người dân xung quanh gọi là chùa Thái Lan. Tuy nhiên, màu sắc văn hóa Việt Nam vẫn in đậm trong mọi ngóc ngách từ họa tiết chạm trổ đến các bức tượng rồng uy nghi.
Điểm nhấn của chùa Bửu Long là Bảo tháp Gotama Cetiya xây từ năm 2007, hoàn thành sau 6 năm. Bảo tháp là nơi thờ xá lợi Phật và các Chư Thánh Tăng. Bảo tháp rộng trên 2.000 m2, cao 70 m, được xây dựng theo nét của văn hóa Phù Nam. Xung quanh là các tháp nhỏ, đều làm bằng đồng, có màu vàng óng.
Chùa đón khách từ sáng đến 11h, sau đó 14h mới mở lại. Bạn nên tận dụng khoảng thời gian buổi sáng không khí mát mẻ, trong lành để có những hình ảnh check-in đẹp nhất.
Địa chỉ: Nguyễn Xiển, Quận 9
3. Miếu Phù Châu
Phù Châu miếu hay còn có tên miếu Nổi nằm trên một cồn nhỏ của sông Vàm Thuật (một nhánh nhỏ thuộc sông Sài Gòn). Do địa hình đặc trưng, bạn phải lên đò để ra miếu. Miếu được xây dựng vào thời vua Gia Long cách đây hơn 3 thế kỷ.
Kiến trúc miếu là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Trung Hoa và Việt Nam, với nhiều chi tiết trang trí hình rồng làm bằng sứ kỳ công ngay từ cổng miếu. Đây là một ngôi miếu Sài Gòn được nhiều du khách, Phật tử đến viếng, cầu nguyện.
Địa chỉ: 420/2, Nguyễn Thái Sơn, phường 5, Gò Vấp
4. Tu viện Khánh An
Tu viện Khánh An ban đầu là ngôi chùa Sài Gòn nhỏ do Tổ sư Trí Hiền xây dựng năm 1905. Nơi đây mang đậm phong cách của Phật giáo Bắc Tông, nét kiến trúc Á Đông. Lối lên chánh điện là những bậc thang bằng đá với hoa văn trạm trổ hình hoa sen.
Tu viện Khánh An mang kiến trúc của những ngôi chùa Nhật Bản. Hiện tại tu viện thu hút nhiều du khách và giới trẻ đến tham quan, chiêm ngưỡng cũng như tham gia những khoá tu, thiền. Quanh khuôn viên là những chiếc đèn làm bằng gỗ, dán giấy hình lục giác thường thấy trong các lễ hội hoặc ở lối đi cổng đền chùa của Nhật Bản.
Xung quanh dãy hành lang, khu chánh điện, nhà tăng… cũng đều được treo nhiều loại đèn lồng. Theo các sư, vào ngày rằm, giỗ Tổ hay các khóa tu thiền… đèn lồng sẽ được thắp sáng khắp tu viện.
Địa chỉ: 3D QL1A, An Phú Đông, Quận 12
5. Chùa Bà Ấn Độ
Đền bà Mariamman hay còn thường được biết tới tên chùa Bà Ấn nằm ở ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Mang theo kiến trúc độc đáo của HinDu giáo. Chùa Bà Ấn hàng ngày vẫn được rất nhiều du khách và người dân ghé tới tham quan, cầu nguyện.
Chùa Bà Ấn thực chất là một ngôi đền Hindu giáo của người gốc Ấn, có thờ một vị thần tên Mariamman. Tương truyền nữ thân Mariamman mang lại mùa màng bội thu, đất đai màu mỡ tốt tươi lại cho người dân. Ngoài ra người Ấn còn cho rằng bà cũng đem lại sự ấm no, hạnh phúc nên ngôi đền này luôn tấp nập người ghé thăm. Đây là một trong ba ngôi đền Hindu giáo nằm ở trung tâm Sài Gòn và chùa Bà Ấn được du khách ghé thăm nhiều hơn cả.
Kiến trúc của chùa Bà Ấn được thiết kế theo hình chữ U, mang hơi thở của Hindu giáo. Chùa gồm chính điện thờ thần Mariamman, hai bên có hai bảo vệ Maduraiveeran ( bên trái) và Pechiamman ( bên phải). Chạy dọc bên tường là tượng của 18 vị thần tượng với những phong thái khác nhau tượng trưng cho 18 ước nguyện của người dân.
Địa chỉ: 45 Trương Định, Phường Bến Thành, Quận 1