Hàng năm, có rất nhiều lễ hội độc đáo được tổ chức tại đây, thu hút hàng ngàn du khách tham gia trải nghiệm và chiêm ngưỡng. Lễ hội “khỏa thân” Saidaiji Hadaka là một trong những lễ hội độc đáo và quy mô nhất Nhật Bản.
Nhật Bản không chỉ được biết đến là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới mà còn là đất nước nổi tiếng với nền văn hóa truyền thống lâu đời và những lễ hội đặc sắc. Hàng năm, có rất nhiều lễ hội độc đáo được tổ chức tại đây, thu hút hàng ngàn du khách tham gia trải nghiệm và chiêm ngưỡng. Lễ hội “khỏa thân” Saidaiji Hadaka là một trong những lễ hội độc đáo và quy mô nhất Nhật Bản.
Hàng ngàn người tham gia trải nghiệm lễ hội ‘khỏa thân’.
Lễ hội Saidaiji Hadaka được tổ chức thường niên vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 2 trong tiết giao mùa, còn khá lạnh, nhiệt độ dao động quanh 10 độ C, đôi khi còn có cả tuyết rơi. Mặc dù vậy, nhiệt tình của những người tham gia không hề giảm.
Cái lạnh của thời tiết không ngăn được những người tham gia lễ hội.
Lễ hội “khỏa thân “ Saidaiji Hadaka được tổ chức tại ngôi đền Saidaiji, nằm ở tỉnh Okayama, Nhật Bản. Đây là một trong những lễ hội kỳ lạ nhất xứ sở hoa anh đào, thu hút hàng nghìn du khách tới tỉnh Okayama vào mỗi mùa hội hàng năm.
Đường vào đền Saidaiji đông nghẹt người tham gia lễ hội.
Được biết, nghi lễ độc đáo này có truyền thống rất lâu đời, từ 500 năm trước và khởi nguồn ở ngôi đền Saidaiji. Ban đầu, những người tham gia tụ tập trước cổng đền, tranh nhau bắt một tấm bùa bằng giấy do vị đạo sĩ uy tín nhất ném ra. Tuy nhiên, do chất liệu giấy dễ rách, hỏng nên ngày nay, tấm bùa này được thay bằng một cây gậy bằng gỗ dài 20cm gọi là shingi.
“Biển người” thi nhau tranh cướp shingi.
Lễ hội chính thường bắt đầu ngay sau lễ hội dành cho các cậu học sinh tiểu học. Cũng tương tự lễ chính, các cậu bé phải giành nhau một vật, nhưng đó không phải shingi mà là một chiếc bánh gạo.
Lễ hội dành cho các cậu bé tiểu học.
Vào 3 giờ 30 chiều, lễ hội chính mới bắt đầu. Những người đàn ông tham gia chỉ mặc fundoshi – một loại khố bằng vải màu trắng, trong khi đó phụ nữ quấn quanh mình một tấm vải trắng, biểu diễn trống taiko và ngâm mình dưới nước. Các thông tin cá nhân, địa chỉ liên lạc được giắt kèm vào khố trước khi tham gia lễ hội, để đề phòng trường hợp xảy ra tai nạn hoặc thương tích khi chen lấn.
Trang phục tham gia lễ hội của cả nam và nữ đều là màu trắng.
Những người tham gia bước xuống làn nước lạnh cóng để thanh tẩy cơ thể trước khi tham gia lễ hội.
Từ 7 giờ tới 7 giờ 30 tối, người dân háo hức đón chờ màn pháo hoa. Và khi pháo hoa kết thúc, những người đàn ông kéo nhau tới con suối thiêng gần đền thờ Saidaiji. Họ vừa diễu hành quanh đền, vừa hô to: “Wasshoi! Wasshoi!”.
Đoàn người tham gia lễ hội diễu hành quanh đền Saidaiji .
Mỗi năm, có khoảng 9.000 người tham gia lễ hội này. Không khí tưng bừng và sôi động khắp nơi quanh khu đền thiêng Saidaiji. Chín ngàn người đàn ông cùng chờ đợi các nhà sư thả cặp bùa gỗ thiêng, hi vọng mình sẽ là người may mắn.
Khoảnh khắc náo nhiệt nhất bắt đầu khi các nhà sư thả shingi.
Nhiều du khách nước ngoài tham gia lễ hội mong có một trải nghiệm thú vị
Đúng 10 giờ đêm, khi màn đêm bao phủ khắp nơi, mọi ngọn đèn trong thành phố đều bị tắt, trừ đèn ở đền thờ Saidaiji. Shingi được ném ra và 9.000 người đàn ông lao vào tranh cướp thanh gỗ được họ coi là thiêng liêng này. Khung cảnh vô cùng náo nhiệt, sôi động và có phần hỗn loạn. Ai giữ được shingi lâu nhất và nhét được nó vào trong một chiếc hộp gỗ (gọi là masu) chứa đầy gạo sẽ được coi là gặp may mắn cả năm.
Người đàn ông may mắn có được shingi sẽ đặt nó vào hộp gỗ masu
Lễ hội kết thúc với màn cuối cùng thường là ném các cành liễu cho đám đông. Sẽ có 100 cành liễu được ném ra và ai bắt được cũng sẽ gặp may mắn trong cả năm không kém như khi giành được shingi. Chia tay lễ hội, mọi người đều mang theo hi vọng một năm mới bình an, may mắn.