Báo chí phương Tây nhận định rằng chưa bao giờ Liên hoan Phim Cannes lại đậm tính thời sự, chính trị và được thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ, nhiều phương thức như Liên hoan Phim Cannes lần thứ 70.
Bộ phim hài đen (black comedy) châm biếm sâu sắc về ranh giới của chính trị, sự tự do về nghệ thuật và tự do ngôn luận mang tên "The Square" chiến thắng giải Cành cọ vàng tại Liên hoan Phim (LHP) Cannes lần thứ 70 (diễn ra từ ngày 18 đến 29-5, giờ Việt Nam, tại Cannes - Pháp) gây bất ngờ với giới chuyên môn và báo chí.
Tiếng nói từ trái tim
"Ôi Chúa ơi!", nhà làm phim Thụy Điển Ostlund đã thốt lên khi ông bước lên sân khấu nhận giải. Đây là Cành cọ vàng hiếm hoi dành cho một bộ phim hài trong lịch sử giải thưởng LHP Cannes. Ngạc nhiên hơn khi trước đó, "The Square" chưa từng được đánh giá sẽ đoạt giải. Chủ tịch Ban Giám khảo LHP Cannes 70, nhà làm phim Tây Ban Nha Pedro Almodovar, ca ngợi bộ phim "khảo sát được những vấn đề chính trị hiện hữu", còn thành viên giám khảo Agnes Jaoui (diễn viên kiêm nhà làm phim người Pháp) nhận định: "Phim hài hước, thâm thúy và đề cập tới nhiều vấn đề quan trọng".
Đạo diễn phim “The Square” nhận giải Cành cọ vàng Ảnh: REUTERS
Hầu hết báo chí phương Tây dự đoán bộ phim của nước chủ nhà "120 Beats per Minute" do đạo diễn Robin Campillo thực hiện mới có nhiều cơ hội chiến thắng giải Cành cọ vàng. Với chủ đề đồng tính và bệnh AIDS, bộ phim chiếm trọn trái tim người xem bởi tính nhân văn về quá trình đấu tranh giành hạnh phúc của những người đồng tính tại Pháp vào những năm 1990.
Phim đề cao tinh thần độc lập của các thân phận bên lề xã hội, miệt mài đấu tranh cho bình đẳng. Báo The Guardian đánh giá bộ phim này "đầy say mê, thách thức và gợi cảm" nhưng cuối cùng nó chỉ nhận được giải thưởng Grand Prix (Giải thưởng lớn) dù trước đó mang về giải thưởng FIPRESCI do các nhà báo tại LHP Cannes bỏ phiếu; giải Cành cọ vàng "đồng tính" (Queer Palm) vì có đề tài liên quan đến LGBT.
Bộ phim chiến thắng giải cao nhất tại LHP Cannes danh giá lần này là câu chuyện về người phụ trách bảo tàng thuộc tầng lớp thượng lưu có tên Christian (diễn viên Claes Bang thủ vai). Một ngày nọ, ông bỗng nghe thấy tiếng nói từ lòng trắc ẩn của chính mình. Không quan tâm đến những biểu tượng sáng tạo vô biên trong nghệ thuật, ông nhìn thẳng vào những cảnh bất công ở quanh thành phố Stockholm.
Giống như những điều ông nhìn thấy ở các bức tranh đỉnh cao, cảnh vật hỗn loạn trên đường phố giống như một bức tranh siêu thực đạt được phong độ cao nhất. Đó là khi một nhóm đeo cà vạt đen bất lực trong việc ngăn cản bất công đang diễn ra bạo tàn trước mắt họ. Với công việc và chuyên môn của mình, Christian đã tham gia vào bức tranh mang khát vọng ổn định xã hội bằng cách tổ chức buổi triển lãm sắp đặt có tên gọi "The Square". Ông mong muốn có thể lôi kéo người xem quan tâm tới lòng vị tha và tinh thần trách nhiệm.
Khát vọng của nhân loại
Không sex, giải trí thương mại, LHP Cannes 70 quy tụ những phim mang thông điệp cuộc sống, là khát vọng của nhân loại, trong đó có cả những người làm phim, về một cuộc sống đầy đủ, bình yên, tươi đẹp. Những ứng viên tranh Cành cọ vàng tại LHP Cannes 70 thực sự là những phim xuất sắc.
Bộ phim "Happy End" của Haneke kể về một gia đình tư sản nhiều thế hệ ở Pháp nhắm mắt làm ngơ trước những người tị nạn khốn khổ. Bộ phim thẳng thắn xoáy vào những điều đã tồn tại hàng trăm năm ở nước Pháp rằng khoảng cách phân cấp giai tầng không chỉ giữa chủ với tớ, người bản địa với dân nhập cư mà còn chính giữa họ với nhau.
Bộ phim "Loveless" của đạo diễn Andrey Zvyaginstev lại khoét sâu vào thói tham lam của con người. Một cặp vợ chồng người Nga đeo đuổi hư vinh đến mức không có thời gian quan tâm tới con trai mình, dẫn tới hậu quả tai hại. Bộ phim kinh dị "The Killing of a Sacred Deer" của đạo diễn Yorgos Lanthimos (đoạt giải Kịch bản xuất sắc nhất) kể câu chuyện một cặp đôi người Mỹ hoàn hảo (Colin Farrell và Nicole Kidman) đang chịu cảnh ngộ khủng khiếp vì sự cẩu thả - hành động đại diện cho tính tự mãn trong tầng lớp trên của họ.
Khán giả quá quen thuộc với những bộ phim đậm tính nhân văn mà ở đó, tầng lớp dưới luôn được tô vẽ một cách hoàn hảo bằng những bất hạnh. Chính điều này khiến cho LHP Cannes lần thứ 70 trở nên thật đặc biệt.
Các nhà làm phim nhận ra rằng giải quyết những nút thắt bất hạnh ở đời bằng cách xoa dịu nỗi đau của giai tầng thấp kém trong xã hội là không phải cách. Phải nhìn nhận tận sâu cốt lõi của vấn đề, chính những người làm chủ xã hội là tác nhân không hề nhỏ. Đạo diễn Ostlund nói rằng: "Tôi thích cảnh những người xem phim ngồi im lặng trong bộ tuxedo đang nhìn những người trong phim ngồi im lặng trong bộ tuxedo".
Giải Nam diễn viên xuất sắc nhất thuộc về Joaquin Phoenix
Giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc nhất thuộc về Diane Kruger
Ruben Ostlund (sinh năm 1974) mới chỉ làm 4 phim truyện dài dù vào nghề từ năm 1993. Năm 2014, nhà làm phim Thụy Điển này từng chinh phục công chúng với bộ phim "Force Majeure" bởi góc nhìn châm biếm đầy tinh tế của mình.
Đạo diễn Michael Haneke đặt câu hỏi: "Còn gì khác để nói về thế giới hiện nay?". Điều này không hề quá lời khi ngày bế mạc LHP Cannes lần thứ 70, diễn ra sáng 29-5 (giờ Việt Nam), đã chấn động bởi thông tin khủng bố. Những tin tức từ vụ đánh bom ở Manchester (Anh) ngày 22-5 khiến Giám đốc LHP Cannes Thierry Fremaux phải lên tiếng trên sân khấu Palais, kêu gọi mọi người cùng đứng vững bên thành phố của nước Anh và yêu cầu một phút im lặng.
Trước đó, một rạp chiếu của LHP Cannes đã phải di tản khán giả vì nghi ngờ đánh bom. Cảnh nhân viên an ninh ngày đêm dắt chó nghiệp vụ đi tuần tra càng nhắc nhở thêm về tình trạng bất ổn ở Pháp trước nguy cơ khủng bố, đặc biệt ở bờ biển Nice.
Báo chí phương Tây nhận định rằng chưa bao giờ LHP Cannes lại đậm tính thời sự, chính trị và được thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ, nhiều phương thức như LHP Cannes lần thứ 70. Chủng tộc, những truyện ngụ ngôn về đạo đức, quan hệ giữa các thế hệ, trẻ nhỏ tìm về thiên nhiên... Tất cả đều trên nền tảng khoảng cách giữa tầng lớp lao động và thượng lưu, được phơi bày rõ ràng ở LHP Cannes lần này.
Nhà làm phim nữ thứ hai đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất Sofia Coppola, con gái nhà làm phim huyền thoại Frank Coppola, đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất với bộ phim "The Beguiled". Sofia Coppola trở thành nhà làm phim thứ hai trong lịch sử LHP Cannes đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Nhà làm phim nữ đầu tiên đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất trong lịch sử LHP Cannes là nhà làm phim Xô viết Yuliya Ippolitovna Solntseva, vào năm 1961. Sofia Coppola là một trong 3 nhà làm phim nữ có phim tranh giải Cành cọ vàng năm nay. Một số giải thưởng quan trọng khác: Giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc nhất thuộc về Diane Kruger với vai diễn trong phim "In The Fade" của đạo diễn Fatih Akin; giải Nam diễn viên xuất sắc nhất thuộc về Joaquin Phoenix với vai diễn trong phim "You Were Never Really Here" của đạo diễn Lynne Ramsay; Nicole Kidman được trao giải Cành cọ vàng đặc biệt (nhân 70 năm LHP Cannes); giải của ban giám khảo thuộc về bộ phim "Loveless" (của đạo diễn Andrei Zvyagintsev); giải Kịch bản hay nhất là bộ phim "The Killing of a Sacred Deer" (đạo diễn Yorgos Lanthimos) và "You Were Never Really Here" (đạo diễn Lynne Ramsay); Phim ngắn hay nhất: "A Gentle Night" (đạo diễn Qiu Yang); Camera vàng (Phim đầu tay hay nhất) dành cho Jeune Femme (phim "Montparnasse-Bienvenue", đạo diễn: Leonor Serraille). |