Huyện miền núi Bình Liêu cách TP Hạ Long (Quảng Ninh) hơn 100km được ví như “Sapa của Quảng Ninh”.
Quảng Ninh không chỉ có vịnh Hạ Long, đảo Cô Tô mà vùng đất này còn có một Bình Liêu đẹp hoang sơ với những cung đường uốn lượn qua núi đồi xanh ngát hùng vĩ và được ví là “Sapa của Quảng Ninh”.
“Sapa của Quảng Ninh”
Đến Bình Liêu, bạn sẽ hiểu vì sao người ta ví nơi này là “Sapa của Quảng Ninh”, bởi ruộng bậc thang - “đặc sản” không chỉ có ở Lào Cai như bức tranh trải dài, những ngôi nhà cổ bằng đá của đồng bào dân tộc, những dãy núi trùng điệp, những thác nước mát lạnh... Bình Liêu còn hút mắt với những mảng xanh bạt ngàn ngào ngạt hương thơm của rừng hồi, keo, quế, những nếp nhà cũ kỹ với nhịp sống đơn sơ yên bình, những dòng nước trong róc rách chảy. Cùng đó, là không khí trong lành, cảnh vật hoang sơ, nhiều loại hoa rừng khoe sắc và khí hậu bốn mùa trong ngày. Nhiệt độ mùa hè ở đây thường thấp hơn các nơi khác 4-6 độ C, mùa đông cũng có tuyết rơi…
Từ thị trấn Bình Liêu, bạn hỏi đường vào xã Húc Động (khoảng 5-6km), đến thác Khe Vằn - con thác cao hơn 100m chia ba tầng với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Được mệnh danh là “đệ nhất thác”, Khe Vằn là nơi trai gái dân tộc Sán Chỉ hẹn hò, hát đối Soóng Cọ và cũng là điểm dừng chân nghỉ ngơi hấp dẫn của nhiều dân phượt sau một hành trình dài.
Nhóm du khách khám phá một đỉnh núi ở Bình Liêu
Đến Bình Liêu, bạn có thể thử cảm giác săn mây trên núi Cao Ly - một ngọn núi thuộc xã Húc Động có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Ngoài ra, bạn có thể ghé thăm đình Lục Nà thờ Thành Hoàng làng cùng những anh hùng cách mạng để nghe sự tích cây tre mọc ngược và chiêm ngưỡng ngôi đình đậm nét cổ kính với 5 gian, tường gạch, mái lợp ngói âm dương.
Check-in những “cột mốc thiên đường”
Phượt thủ đến Bình Liêu nếu đi xe máy sẽ đi theo lộ trình Hà Nội - QL1 - QL18 - Quế Võ (Bắc Ninh) - Phả Lại - Sao Đỏ - Đông Triều (Quảng Ninh) - Uông Bí - Hạ Long - cầu Bãi Cháy - Cẩm Phả - Cửa Ông - Mông Dương - Tiên Yên - Ngã ba Tiên Yên rẽ trái sang QL18C, đi về hướng Hoành Mô thêm chừng 28km là đến nơi. Nếu bạn đi bằng ôtô, đường đi nhanh và đơn giản hơn nhiều, từ Hà Nội theo cao tốc Hải Phòng mới, rẽ vào QL10 đường đi Thái Bình, tầm 40km nữa là tới Uông Bí. Là vùng biên giới có gần 50km đường biên giáp với Trung Quốc nên ở Bình Liêu, bạn không nên bỏ qua các cột mốc 1300, 1302, 1305 và 1327. Sau khoảng một tiếng chạy từ thị trấn Bình Liêu về hướng Hoành Mô trên QL18C, rẽ phải vào bản Ngàn Chuồng rồi rẽ trái theo hướng mốc 61 chừng 8km là đến mốc 1300, 1302.
Tiếp đó là hành trình chinh phục mốc 1305, cột mốc nằm ở đỉnh núi cao nhất ở huyện Bình Liêu. Từ cột mốc 1302 đi tiếp 9km nữa sẽ đến con đường mòn nằm giữa núi mang biệt danh “sống lưng khủng long”. Vượt qua “sống lưng khủng long” ngập tràn cỏ tranh, nếu thời tiết tốt, bạn sẽ chạm cột mốc 1305 khoảng sau 2 tiếng đồng hồ. Một bên là khung cảnh núi non trùng điệp, một bên là màu xanh thăm thẳm của núi, của cỏ, của những thửa ruộng bậc thang. Có lẽ đây chính là lý do khiến cho 1305 là cung đường “khó nhằn” nhất nhưng cũng hấp dẫn các phượt thủ nhất ở Bình Liêu.
Không chỉ có “bộ sưu tập các cột mốc huyền thoại”, Bình Liêu còn là nơi sinh sống của các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Hoa nên có nét văn hóa đặc sắc và đa dạng. Bạn cũng nhớ đừng bỏ qua các món ngon đặc trưng của vùng này như xôi 7 màu, bánh cooc mò, bánh gật gù, bánh ngải, miến dong, cá suối nướng, măng rừng xào…
Hành trình chinh phục các cột mốc không phải dễ dàng với những người chưa biết rõ địa hình. Do đó, nên chuẩn bị kỹ lưỡng bản đồ hoặc hỏi chi tiết cách đi, đường đi từ người dân địa phương hoặc bộ đội biên phòng. Về lưu trú, bạn có thể trải nghiệm homestay ở bản Sông Moóc và Khe Tiền (trung bình khoảng 100 nghìn đồng/người/đêm). |