Không giống như dưới xuôi, người ta nấu cơm bằng nồi, niêu thì món cơm trên này được nấu trong những ống nứa và được người dân nơi đây gọi là món cơm lam.
Nguồn video: Cơm mẹ nấu
Cơm lam đơn giản chỉ là cách gọi quen thuộc của người dân khi được nấu trong ống tre, ống nứa. Nó không chỉ là món ăn quen thuộc của người dân vùng núi Tây Bắc, mà nó còn là đặc sản trong ẩm thực Việt Nam mà không ai không biết đến. Tuy nhiên, là món ăn quen thuộc nhưng nguồn gốc ra đời của nó không phải ai cũng biết
Theo lời kể của các già làng, thời xa xưa người dân thường sống trong rừng, ở khu vực có nhiều tre, nhiều nứa, lại sống du canh du cư theo mùa. Hơn nữa, với cuộc sống tạm bợ, thiếu thốn đủ thứ, nên người dân đã nhanh trí tận dụng ống tre, ống nứa để phục vụ nhu cầu của cuộc sống như uống nước, nấu cơm.
Bên cạnh gạo tẻ thông thường, có thể sử dụng gạo nếp làm nguyên liệu. Khi nấu có thể thêm chút nước dừa với cùi dừa bào nhỏ trộn lẫn với gạo nếp để tăng thêm hương vị và sự lựa chọn cho du khách. Ngoài ra, người dân còn khéo léo trộn gạo nếp với các nước màu được chế biến từ các loại hoa màu của núi rừng, để món cơm lam hấp dẫn và ngon mắt hơn.
Để làm được cơm lam truyền thống đầu tiên phải chọn ống tre, nứa tươi, không quá non hoặc quá già, thích hợp nhất là từ tháng 10 đến tháng 1. Ống tre, nứa còn tươi, đem về chặt chia ra mỗi đốt thành một ống lam.
Khâu tiếp theo là chọn gạo nếp. Đây là khâu rất quan trọng vì nó quyết định độ dẻo độ ngon của cơm lam. Muốn lam ngon phải chọn gạo nương mới gặt và phải đúng loại gạo nương có hạt to, mẩy, trắng và có mùi thơm (thường gọi là Khẩu Ón).
Sau đó, vo gạo cho thật sạch rồi ngâm nước khoảng 5 đến 6 tiếng, vớt ra để ráo nước, rồi đổ gạo vào ống nứa, đổ nước vào ống cho ngập gạo. Không nên đổ gạo đầy ống mà phải để cách miệng một ít khí gạo chín sẽ nở ra kín miệng ống.