Thông qua Đứa trẻ hư, tác giả Tử Kim Trần đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với toàn xã hội về vấn nạn tội phạm vị thành niên.
Chu Triều Dương là cậu học sinh gương mẫu, có thành tích học tập xuất sắc nhất trường cấp hai. Hằng ngày, cậu chỉ biết đọc sách, làm bài tập về nhà, thi cử… Nhưng rồi Đinh Hạo – người bạn cũ từ thời tiểu học đã từ lâu không gặp của cậu đột ngột xuất hiện, làm đảo lộn cuộc sống của Triều Dương.
Đinh Hạo dẫn theo cô em kết nghĩa Phổ Phổ. Chúng bỏ trốn khỏi cô nhi viện. Qua lời kể của hai người bạn, Triều Dương biết được bố mẹ của Đinh Hạo từng bị tử hình vì tội giết người. Bố Phổ Phổ bị kết án vì đâm chết mẹ và em trai cô bé.
Lúc này đây, Chu Triều Dương cảm thấy sợ hãi hơn là thương cảm. Cậu không muốn dính dáng gì đến Phổ Phổ và Đinh Hạo. Cậu là học sinh giỏi, thậm chí còn có thành tích tốt nhất trường cấp hai. Bởi thế, nếu việc cậu giao du với những kẻ bỏ trốn khỏi cô nhi viện bị bại lộ, cuộc sống ở trường của cậu sẽ cực kì thê thảm. Chu Triều Dương vừa cố gắng cầm cự trong những ngày Đinh Hạo và Phổ Phổ lưu lại nhà cậu, vừa nghĩ cách để “đuổi” chúng đi, tránh vướng vào rắc rối.
Nhưng mọi sự việc chẳng thể trôi qua dễ dàng như cách Chu Triều Dương dự liệu. Sau khi bắt gặp cảnh bố đẻ của mình vui vẻ bên gia đình mới, bố thậm chí không dám nhận cậu là con trước mặt đứa em gái cùng cha khác mẹ, Chu Triều Dương bị chấn động tâm lý nặng nề. Đinh Hạo và Phổ Phổ không chỉ an ủi Triều Dương, chúng còn nghĩ cách báo thù cho cậu. Giữa những đứa trẻ bất hạnh dần hình thành một sự kết nối vô hình. Chu Triều Dương ngày càng thân thiết với Đinh Hạo và Phổ Phổ hơn.
Chu Triều Dương, Đinh Hạo và Phổ Phổ cùng đi dã ngoại ở khu du lịch Tam Danh Sơn. Chúng tình cờ quay được đoạn video Trương Đông Thăng giết bố mẹ vợ bằng cách đẩy hai ông bà từ trên núi xuống. Chu Triều Dương muốn mang đoạn video đến sở cảnh sát để tố cáo hung thủ giết người nhưng Đinh Hạo và Phổ Phổ nhất quyết phản đối. Hai đứa trẻ với lai lịch không rõ ràng đều xuất hiện trong đoạn video, chúng sợ khi cảnh sát thẩm vấn sẽ phát hiện ra thân thế của mình và phải quay lại cô nhi viện.
Với hai đứa trẻ mồ côi này, cô nhi viện thực sự là một cơn ác mộng. Đó là nơi Đinh Hạo từng bị đánh đập, bỏ đói, là nơi Phổ Phổ bị gã viện trưởng “mặt người dạ thú” xâm hại thân thể. Chu Triều Dương hiểu được tình thế khó xử của bạn mình nên đành thỏa hiệp. Đinh Hạo và Phổ Phổ bắt đầu nhen nhóm ý tưởng về một vụ giết người tống tiền với kẻ sát nhân trong đoạn video.
Ba đứa trẻ tình cờ gặp Chu Tinh Tinh – em gái cùng cha khác mẹ của Chu Triều Dương tại Cung thiếu nhi. Phổ Phổ và Đinh Hạo tình nguyện thay mặt Triều Dương trả thù Tinh Tinh để tránh cậu bị liên lụy. Nhưng sự việc chưa kịp giải quyết xong thì Triều Dương bị Tinh Tinh phát hiện, trong lúc xô xát, cậu vô tình ngộ sát em gái.
Cả ba đứa trẻ chạy trốn mà không biết rằng chúng đã để lại một vài manh mối tại hiện trường. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cảnh sát hoàn toàn không nghi ngờ gì Chu Triều Dương, chỉ có bà mẹ kế nghi ngờ cậu chính là hung thủ nên đã tìm mọi cách buộc tội cậu.
Cùng lúc đó, ba đứa trẻ bắt đầu thực hiện những giao dịch cùng Trương Đông Thăng, khiến mối quan hệ của cả bốn người trở nên phức tạp. Tất cả giờ đây đều trở thành kẻ đồng lõa, cùng che giấu tội ác của mình, càng che giấu, tay lại càng nhúng chàm nhiều hơn.
Đứa trẻ hư đã đề cập đến một vấn nạn nhức nhối cần được quan tâm – tội phạm vị thành niên. Bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật tài tình, Tử Kim Trần đã phác họa lên bức tranh những thiếu niên nổi loạn chân thực và sống động, khiến chúng ta không khỏi ngậm ngùi. Chúng là những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, tâm hồn chứa đựng những tổn thương tâm lý nặng nề.
Đó là một Triều Dương ngoan ngoãn, thành tích học tập xuất sắc nhưng thiếu thốn tình thương của cha; là Đinh Hạo – từ bé đã mang tiếng là con trai kẻ sát nhân; là Phổ Phổ xinh xắn nhưng mồ côi cha mẹ, là nạn nhân của việc xâm hại tình dục. Những đứa trẻ ấy không “hư” từ khi mới sinh ra. Mọi hành động của chúng đều nhằm mục đích bảo vệ chính bản thân mình. Tất cả chúng vừa đáng thương lại vừa đáng trách.
Thông qua Đứa trẻ hư, tác giả Tử Kim Trần đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với toàn xã hội, nhắc nhở mỗi người lớn về trách nhiệm của mình. Hành động của mỗi đứa trẻ phần nào phản ánh nhân cách của bố mẹ chúng.