Vị đạo diễn cũng có những nhận xét rất thú vị về Ngô Kiến Huy và nữ diễn viên Hồng Ánh.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh được biết đến với cái tên quen thuộc Phan Xine, một cây bút phê bình phim "lão luyện", từng là thư ký tòa soạn một tạp chí điện ảnh, đồng sáng lập liên hoan phim ngắn trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam YxineFF. Anh cũng là người Việt Nam đầu tiên nhận học bổng Quỹ Ford về sản xuất phim để tham gia khóa học tại Đại học Nam California (Mỹ) và được đích thân Huân tước Anh David Puttnam trao một giải thưởng doanh nhân điện ảnh.
Phan Xine gây tiếng vang với bộ phim truyền hình đầu tay "Bếp hát" ra mắt năm 2013, làm đạo diễn chung với Danny Đỗ. Năm nay, vị đạo diễn họ Phan hứa hẹn sẽ "gây sốt" làng phim khi tung tác phẩm điện ảnh đầu tiên của mình mang tên "Em là bà nội của anh", đang được giới thiệu rầm rộ và sẽ ra rạp tháng 12 này. Nhà làm phim kỳ vọng, đây sẽ là bộ phim có dàn diễn viên hùng hậu và ăn ý nhất năm. Phóng viên có cuộc trao đổi với đạo diễn Phan Xine để tìm hiểu thêm về chặng đường hoạt động nghệ thuật cũng như dự án "bom tấn" đã đến ngày "ra lò" của anh.
- Chào đạo diễn Phan Xine! Được biết, anh tốt nghiệp Đại học Kiến trúc sau đó lại "nhảy" sang làm phim. Anh đã bao giờ cảm thấy tiếc về quyết định "chọn sai" trường đại học của mình?
Tôi không bao giờ cảm thấy tiếc. Bởi vì, kiến trúc và điện ảnh cũng rất gần với nhau nên những điều mình học ở trường Kiến trúc cũng giúp cho mình trong sự nghiệp điện ảnh. Kiến trúc và điện ảnh đều sử dụng kỹ thuật để tạo nên nghệ thuật.
Đạo diễn Phan Xine được nhiều người trong làng nghệ yêu mến với tính cách vui vẻ, dễ gần.
Nhìn bên ngoài, kiến trúc mang tính kỹ thuật, nhưng thực ra mỗi tác phẩm kiến trúc là một tác phẩm nghệ thuật. Điện ảnh cũng vậy, phải sử dụng các kỹ thuật, công nghệ để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật. Kiến trúc tạo nên không gian cho con người sống ở trong đó, thì điện ảnh cũng tạo nên một không gian để khán giả đến và "sống" trong nó. Kiến trúc hoàn toàn mang dạng cấu trúc, điện ảnh thật ra cũng vậy. Chính vì vậy, cách tư duy về vấn đề trong kiến trúc và điện ảnh rất gần với nhau.
- Anh được học về điện ảnh tại đại học danh tiếng ở Mỹ, vậy anh đã học hỏi được những gì để mang về cho điện ảnh Việt Nam, khác với những người học trong nước?
Học được thì nhiều lắm (cười). Nhưng với tôi, chuyện làm nghề thì không có phân biệt học ở đâu. Ở Việt Nam bây giờ, trong thời đại Internet thì chúng ta đã có thể tìm thấy tất cả mọi thứ. Điều quan trọng trong việc học ở Mỹ với tôi, đó là cách mình tổ chức một đoàn phim và quan điểm về làm nghề như thế nào.
Học ở USC (Đại học Nam California), tôi thấy bao giờ người ta cũng bắt mình đặt ra câu hỏi "Vì sao bạn muốn làm một bộ phim?" Khi mình trả lời được câu hỏi đó thì mình mới có thể làm phim tốt. Đồng thời, giáo viên luôn luôn khuyến khích mọi người làm phim có dấu ấn cá nhân, phải xuất phát từ những điều mà mình muốn nói, từ một cảm xúc mà bạn muốn thể hiện. Điều này rất quan trọng và cũng mất nhiều thời gian để mình hiểu được.
- Anh nhận thấy ê-kíp làm phim Việt còn thiếu điều gì mới có thể vươn lên tầm quốc tế?
Tôi thấy thiếu nhiều thứ, đương nhiên, cũng có những thứ hiệu quả ở Việt Nam nhưng chưa chắc hiệu quả ở nước ngoài. Ngược lại, có những thứ hiệu quả ở Mỹ nhưng không hiệu quả ở Việt Nam.
Hiện giờ, phim Việt Nam ngày càng nhiều, lượng người làm phim ngày càng đông hơn, nhờ vậy, kỹ năng được trau dồi cũng đã tốt hơn. Tuy nhiên, về thiết kế bối cảnh hay phục trang... vẫn ở mức chưa chuyên nghiệp lắm. Một người phải kiêm nhiều vị trí. Điều này cũng liên quan đến vấn đề kinh phí. Mỗi người kiêm một vị trí thì kinh phí sẽ đội lên, đòi hỏi doanh thu phải cao, trong khi thị trường chưa cho phép, không thể làm phim với kinh phí quá lớn.
- Anh được biết tới như một cây bút phê bình phim xuất sắc trước khi nổi tiếng với các bộ phim do mình làm đạo diễn. Từ lý thuyết đến thực tế, anh gặp phải những khó khăn gì?
Ngày xưa, tôi viết báo, phê bình, sau đó cũng đi học. Cho nên, giai đoạn lý thuyết tôi đã được thực hành ở trong trường và làm phim rồi. Sau khi ở Mỹ về, tôi đã làm nghề ở Việt Nam được 5 năm. Tôi làm đủ thứ như quảng cáo, sản xuất... trước khi làm bộ phim đầu tay. Chính vì thế, tôi không "nhảy" thẳng từ lý thuyết vào việc làm phim.
- Được biết, bộ phim điện ảnh đầu tay của anh - "Em là bà nội của anh" sắp ra mắt. Anh kỳ vọng gì ở dự án này?
Tôi kỳ vọng, khán giả đi xem phim sẽ cười rất nhiều nhưng họ cũng sẽ phải khóc nhiều hơn. Bởi vì đây là một bộ phim rất cảm động, mong rằng khán giả xem phim sẽ rung động với những cảm xúc của phim như tôi đã rung động.
Miu Lê, Ngô Kiến Huy và Hứa Vĩ Văn tham gia phim mới của Phan Xine.
- Còn kỳ vọng về doanh thu?
Về doanh thu, ai cũng có ước mơ phim này đạt 100 tỷ đồng (cười lớn).
- Bộ phim này có dàn diễn viên gồm nhiều thần tượng âm nhạc như Miu Lê, Ngô Kiến Huy... Họ không được bài bản về diễn xuất. Tại sao anh lại lựa chọn họ, thậm chí vào những vai diễn chính?
Nói ra thì có vẻ như "nói xấu" trường điện ảnh, nhưng tôi không thích cách mà các bạn học trong trường điện ảnh diễn. Bởi các bạn ấy diễn quá thiên về mặt kỹ thuật. Khi đến casting, bạn nào cũng diễn như bạn nào. Họ không có một cá tính riêng của mình. Tôi lại thiên về mặt cảm xúc hơn.
Các bạn diễn viên như Miu Lê, Ngô Kiến Huy diễn rất thật. Họ diễn bằng bản năng, cảm xúc và phù hợp với những nhân vật này. Trước đây, họ cũng đã đóng nhiều phim và tích lũy được về kỹ năng diễn xuất nên tôi thấy làm việc với họ rất dễ. Họ tin tưởng và lắng nghe mình.
Có nhiều bạn diễn viên đã quen với cách mình được dạy và không thay đổi được. Ngoài Miu Lê hay Ngô Kiến Huy, các diễn viên khác như chị Hồng Ánh cũng không được đào tạo bài bản về diễn xuất. Chị Hồng Ánh xuất thân là diễn viên múa, nhưng đâu có ai dám nghi ngờ về tài diễn xuất của chị? Nên với tôi, chuyện được đào tạo bài bản không quan trọng bằng việc diễn viên có phù hợp với nhân vật hay không.
- Việc họ nổi tiếng từ trước là một lợi thế lớn cho bộ phim của anh?
Nếu nhìn vào dàn cast này, nói thật ra, chẳng ai là cái tên bán vé được cả (cười). Đây là một quyết định liều lĩnh của nhà sản xuất và cũng cho thấy rằng nhà sản xuất rất chiều tôi. Bởi tôi chọn diễn viên vì họ phù hợp với bộ phim mà không nghĩ nhiều đến việc liệu họ có thể bán được vé hay không. Vì tôi nghĩ rằng, phim hay thì cuối cùng cũng sẽ có người xem.
Tôi thấy, các phim Miu Lê từng đóng chính cũng không ăn khách như Thiên sứ 99, Tối nay 8h... Ngô Kiến Huy cũng vậy. Ngoại trừ hai vai phụ trong Thần tượng và Chàng trai năm ấy, Huy cũng có nhiều phim thất bại. Hứa Vĩ Văn, Hồng Ánh cũng không phải là cái tên bán được vé. Đương nhiên, có cái lợi là nhờ sự kết hợp này, tôi sẽ làm nên được một bộ phim hay. Bất lợi là mình không biết liệu khán giả sẽ ra rạp để xem một bộ phim hay thực sự không, hay sẽ chỉ muốn xem phim với những cái tên nổi, hot.
- Anh đánh giá thế nào về khả năng nhập vai của Ngô Kiến Huy và Miu Lê trong phim này?
Tôi đánh giá rất cao hai bạn này, đặc biệt là Miu Lê. Cô ấy là một diễn viên hiếm có. Tôi nghĩ, không có một diễn viên nữ nào ở Việt Nam, đặc biệt là ở lứa tuổi của Miu Lê có thể đóng vai này tốt hơn cô ấy. Bởi đây là một vai rất khó: Vừa hài, vừa cảm động, vừa đóng một cô gái trẻ nhưng lại có cốt cách của một bà già. Hơn nữa, cô ấy còn phải hát, không chỉ một mà 2-3 thể loại nhạc khác nhau. Không phải ca sĩ hay diễn viên nào cũng làm được. Có những ca sĩ hát hay hơn Miu Lê nhưng họ sẽ không đóng hay bằng Miu Lê và ngược lại. Với tôi, điều quan trọng nhất là cảm xúc của Miu Lê trong phim này. Cô ấy thể hiện rất thật, chứ không phải kiểu cố gắng để diễn. Miu dường như sống với nhân vật của mình.
Ngô Kiến Huy thì khiến tôi rất vui. Lúc nào cũng có một năng lượng toát ra từ bên trong cậu ấy, đem đến cho cả những bạn diễn của Huy năng lượng đó. Mình rất yêu nhân vật của Huy. Mình thấy đúng là cậu này rất dễ thương. Tôi làm phim này thì yêu phim là đương nhiên rồi, nhưng khi xem lại, mình vẫn thấy yêu các nhân vật trong phim, yêu cậu bé mà Huy đóng. Ngô Kiến Huy đã làm rất tốt.
- Trong suốt những ngày đóng phim, anh thấy có kỷ niệm nào đáng nhớ?
Kỷ niệm đáng nhớ thì nhiều. Khi làm phim này, tôi thấy có một điều may mắn, cảm giác như ông trời rất thương mình, ban cho mình nhiều thứ. Thứ nhất, bộ phim này đến với tôi như một cơ duyên. Tôi đã rất thích bộ phim này, sau đó hãng phim đến hỏi "Cậu có muốn làm phim này không?" Đột nhiên phim mình thích lại đến tay mình!
Đạo diễn họ Phan bên nhà sản xuất Nguyễn Quang Dũng và diễn viên Miu Lê.
Thứ hai, về diễn viên, trước khi chọn Miu Lê, có 2 diễn viên khác đã được tôi chọn và mời đóng phim nhưng họ đều từ chối. Tôi cảm giác như trời đã ngăn 2 người kia để dắt Miu Lê đến với dự án này.
Khi làm phim, có những buổi đang chuẩn bị quay thì trời mưa rất to. Thông thường, trời mưa đoàn phim phải nghỉ. Nhưng tôi nghĩ, trời mưa thì mình quay trời mưa luôn. Và những cảnh trời mưa đó đem tới một điều đặc biệt cho bộ phim.
Tôi thấy cũng rất lạ, trong một ngày ở Củ Chi. Hôm đó, nắng đẹp nhưng có một cảnh nhân vật bà Đại hồi trẻ ôm hũ tro cốt của chồng đi giữa sông trên một con đò. Bối cảnh là hồ nước rất lớn và mình không thể làm mưa ở đó, vì quay ở nơi xa nên không thể chở một xe bồn đến đó được. Ban đầu, tôi rất muốn có cảnh mưa nhưng nhà sản xuất nói không thể làm được. Khi chuẩn bị quay đến cảnh đó, tôi nói "Giá như bây giờ trời đổ mưa cho mình thì tốt biết mấy!" Thế mà trời mưa thật! Sau khi mình quay xong cảnh đó, trời lại tạnh và nắng lên. Đối với tôi, đó là một kỷ niệm rất đẹp, giống như trời đã thương và đem đến sự may mắn cho mình.
- Đây là một bộ phim gia đình mà anh đã dành nhiều tâm huyết. Còn với riêng bản thân anh, gia đình có tác động như thế nào đối với sự nghiệp làm phim của anh?
Mẹ tôi làm kế toán cho một công ty xuất nhập khẩu phim, nhờ đó từ nhỏ tôi đã có cơ hội tiếp xúc với phim ảnh. Lớn lên ở trong khuôn viên cơ quan đó nên được xem phim rất nhiều: xem phim ngoài trời, lén vào phòng chiếu để xem.
Vị đạo diễn vẫn là trai "độc thân vui tính".
Ba tôi cũng rất nghệ sĩ và tham gia đóng phim. Những điều đó đã cho mình một tình yêu về điện ảnh. Với bộ phim này, câu chuyện rất gần gũi với cảm xúc của tôi dành cho mẹ của mình.
- Anh có thể tiết lộ một chút về cuộc sống riêng của mình?
Tôi vẫn độc thân như anh Dũng "Khùng" thôi! (Nguyễn Quang Dũng là nhà sản xuất của "Em là bà nội của anh" - PV)
Cảm ơn đạo diễn Phan Xine và chúc anh thật thành công!