Đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã lên tiếng về cảnh nóng tranh cãi giữa Hạnh (Trà My) và chú Vạn - mối tình đầu của mẹ Hạnh, trong bộ phim Thương nhớ ở ai của ông.
Vài ngày qua, khán giả truyền hình có dịp bàn tán xôn xao về cảnh nóng “sập giường” giữa Hạnh (do Trà My đóng) và chú Vạn - mối tình đầu của mẹ Hạnh (do Lâm Vissay đóng) trong tập 32 bộ phim Thương nhớ ở ai.
Thương nhớ ở ai clip tóm tắt tập 32 (Nguồn video: Fanpage chính thức của phim)
Khi ấy, Hạnh đang chán chường và đau khổ tột cùng vì cuộc hôn nhân thất bại với Nghĩa (Sinh Đan), còn Vạn thì hoàn toàn chìm trong men say. Sau cuộc ân ái đầy bản năng, Hạnh gói ghém đồ đạc rời làng ra đi còn Vạn thì ngủ không biết trời trăng gì.
Ngay sau khi phân đoạn trên lên sóng, Thương nhớ ở ai đã nhận nhiều bình luận trái chiều từ khán giả. Dẫu vẫn biết cảnh nóng đó tuân thủ đúng nguyên tác tiểu thuyết Bến không chồng song cư dân mạng vẫn tỏ ra không hài lòng vì cảm thấy có phần khiên cưỡng. “Giá như chỉ là một cái ôm của hai nhân vật Vạn và Hạnh, sau đó Hạnh bỏ lên thành phố, chắc sẽ tròn trịa hơn” – khán giả bình luận trên fanpage chính thức của phim.
Chiếc giường bị sập ở cảnh nóng đầy trớ trêu trong Thương nhớ ở ai
Bản thân người trong cuộc - nữ diễn viên Trà My thì cho rằng: “Bản năng của 2 con người đang bị đè nén gặp nhau, không có gì vô lý cả. Tôi đóng cảnh đó cách đây 4 năm, khi vẫn còn là một 'tay mơ'. Sau khi mọi thứ được sắp xếp, tôi bước vào và làm theo đạo diễn như một cái máy mà không kịp thảo luận hay phản biện bất kỳ điều gì trước đó. Không có kinh nghiệm về cảnh nóng nên đạo diễn sắp xếp thế nào, tôi sẽ diễn như thế ấy."
Cô cũng nhấn mạnh: "Nếu được làm lại, tôi sẽ thảo luận thêm với đạo diễn để cảnh đó được chân thật nhất! Tôi sẽ không nằm đờ ra như vậy mà có thể sẽ có những hành động phản kháng nhất đinh. Nó sẽ hợp lý hơn với cảnh sập giường diễn ra sau đó."
Trước những luồng ý kiến của dư luận, đạo diễn Lưu Trọng Ninh – người chỉ đạo bộ phim truyền hình Thương nhớ ở ai – đã đưa ra những quan điểm về cảnh nóng trong phim.
“Cảnh nóng theo tôi không nên bó hẹp trong định nghĩa chỉ là cảnh ân ái. Cảnh nóng có thể là cảnh một người này căm thù một người kia, một sự giận hờn hay căm phẫn cũng có thể tạo nên cảnh nóng. Chúng ta đang có suy nghĩ phiến diện, nghĩ một cái gì đó “nóng” nghĩa là ân ái. Điều đó vô hình trung đang đánh giá thấp cảnh nóng nhưng lại đánh giá quá cao chi tiết ân ái."
Ông cho hay: "Theo quan điểm của tôi, “nóng” hay “không nóng” là do cảnh ân ái giữa hai nhân vật xuất phát từ điều gì đưa họ đến với cảnh đó có hợp lý hay không. Nếu tự nhiên có cảnh hai nhân vật ngủ cùng nhau thì đó là cảnh không ra gì. Nhưng nếu đó là do cảm xúc đưa đẩy và mạch truyện phải diễn biến như thế thì tôi không cho đó là cảnh nóng. Như trong phim Người tình, cảnh gần gũi của hai nhân vật là cảm xúc của con người".
Lưu Trọng Ninh cũng cho rằng, không nên đánh đồng ý kiến của một số bộ phận nhỏ trong khán giả để coi đó là nhận xét chung của người xem: “Chúng ta có hàng triệu khán giả nhưng những người hay chỉ trích đó nhiều khi họ cực đoan. Với những người khác thấy không vấn đề gì và chỉ có thiểu số đi ngược lại ý kiến chung, song đôi khi thiểu số lại bị đánh đồng thành đa số”.