Một nghiên cứu ở Tổ chức phi lợi nhuận về Nghiên cứu và Luận chứng Xã hội (SRDC) đã chỉ ra rằng phần lớn giới trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên khi không có sự tự tin tài chính, dù với trình độ học vấn cao vẫn thường gặp khó khăn trong việc thanh toán hóa đơn, lập kế hoạch tiết kiệm, ngân sách chi tiêu hay quản lý nợ. Vậy làm sao để trẻ hình thành được sự tự tin tài chính cho một tương lai vững vàng về sau?
Thực hư “lợi - hại” của việc cho trẻ tiếp xúc với tiền từ sớm
Trẻ em sở hữu một khả năng học hỏi nhanh chóng, và điều này giúp hình thành nên thói quen, nếp sống của các con vào những năm đầu tiểu học - khoảng thời gian mà con bắt đầu tiếp thu kiến thức từ môi trường sống xung quanh. Qua quan sát, tích lũy và bắt chước tư duy, hành động của người lớn, trẻ sẽ có xu hướng tự thiết lập thói quen và nhận thức của chính mình, mà khi lớn lên sẽ rất khó để thay đổi và điều chỉnh. Trong đó, tư duy tài chính, nhận thức cũng như các thói quen sử dụng tiền bạc cũng không là ngoại lệ.
Trẻ bắt đầu định hình tư duy và thói quen tài chính từ khi bước vào tiểu học
Điều này chứng minh cho việc trẻ tiếp xúc với tiền từ nhỏ không làm các con hư sớm và trở thành những người ham vật chất khi lớn lên. Ngược lại, cha mẹ và môi trường sống là hai yếu tố đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng nhận thức tài chính của trẻ từ khi còn nhỏ. Trẻ chỉ có thể hình thành suy nghĩ sai lệch về tiền bạc và vật chất khi thiếu sự định hướng từ cha mẹ và tiếp nhận tư duy tài chính tiêu cực từ môi trường xung quanh.
Vì thế, vấn đề quay về phía các bậc phụ huynh với nghĩa vụ và trách nhiệm xây dựng nền tảng kiến thức tài chính đúng đắn cho con từ sớm để con không hình thành các thói quen xấu và tư duy không đúng về tiền bạc. Thông qua đó, chúng ta tạo điều kiện để con trẻ hiểu rõ giá trị của tiền bạc, biết cách quản lý và sử dụng tài chính một cách tự tin và có trách nhiệm.
Hiểu được giá trị của tiền là hiểu được giá trị của tri thức và sức lao động
Beth Kobliner - nhà báo, nhà bình luận tài chính cá nhân người Mỹ, đồng thời là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất New York Times "Make Your Kid a Money Genius" (Tạm dịch: Giúp Con Bạn Trở Thành Thiên Tài Về Tiền Bạc) đã đề xuất trong cuốn sách của mình một phương pháp dạy con tài chính cụ thể và toàn diện, giúp trẻ hiểu rõ giá trị của đồng tiền và sức lao động để tạo ra một tương lai vững vàng, đó là phương pháp "Ba lọ tài chính".
Hình minh họa cho phương pháp “Ba lọ tài chính” của Beth Kobliner
Beth Kobliner luôn khuyến khích phụ huynh cho con một số tiền tiêu dùng hàng tuần hoặc hàng tháng, và yêu cầu trẻ phải phân chia số tiền đó trong ba lọ khác nhau: một lọ cho việc chi tiêu hàng ngày, một lọ cho việc tiết kiệm và một lọ cho việc từ thiện.
- Lọ chi tiêu cho phép trẻ tự quyết định sử dụng tiền để hiểu giá trị của tiền và học cách lựa chọn và quản lý chi tiêu có trách nhiệm.
- Lọ tiết kiệm khuyến khích trẻ dành một phần tiền để hình thành thói quen tiết kiệm và hiểu rằng việc này giúp đạt được mục tiêu tài chính trong tương lai.
- Lọ từ thiện khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động từ thiện để góp phần giúp đỡ và xây dựng xã hội, giúp trẻ nhận thức tầm quan trọng của việc chia sẻ và sống có trách nhiệm với cộng đồng.
Phương pháp "Ba lọ tài chính" của Beth Kobliner không chỉ giúp trẻ em hiểu về quản lý tài chính mà còn giáo dục cho trẻ những giá trị về tiết kiệm, chi tiêu có trách nhiệm và tình yêu thương con người và xã hội. Từ đó, phương pháp cung cấp cho trẻ những kỹ năng và nhận quan trọng để tạo dựng một nền tảng tài chính vững chắc từ sớm.
Việc giáo dục tài chính nên được triển khai từ những năm đầu phát triển của trẻ, lý tưởng nhất là khi con bước vào tiểu học, đan xen với quá trình học kiến thức trên trường. Bắt đầu từ việc xây dựng từng viên gạch nhỏ, chúng ta đang tạo ra một tương lai vững vàng cho trẻ, cho phép các con trở thành những người có kiến thức tài chính vững vàng và tự tin trong việc đối mặt với những thách thức tài chính trong cuộc sống.
Dạy con tài chính sao cho đúng?
Điều quan trọng nhất trong giáo dục tài chính luôn bắt đầu từ việc dạy con có được định nghĩa đúng đắn về tiền, bao gồm cách tư duy, niềm tin và thái độ tích cực về giá trị của đồng tiền. Tuy nhiên, để có được chất lượng giáo dục đảm bảo và nhất quán, cha mẹ cần tìm hiểu và áp dụng các giáo trình giáo dục tài chính uy tín, có thể cung cấp đầy đủ kiến thức và được trình bày một cách dễ hiểu, thú vị, và hấp dẫn cho con.
Một trong những giáo trình tài chính thành công nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại là "Cha-Ching" - chương trình giáo dục đầu tiên về tài chính dành cho trẻ em được hợp tác phát triển giữa Quỹ Prudence, Cartoon Network Asia và Tiến sĩ Alice Wilder - chuyên gia giáo dục trẻ em từng đoạt giải Emmy. Giáo trình Cha-Ching dành cho trẻ từ 7-12 tuổi và cả người lớn về tầm quan trọng của việc quản lý tài chính, xoay quanh 4 kỹ năng: Kiếm tiền, Tiết kiệm, Tiêu tiền và Quyên góp.
Các em học sinh tham gia phần hoạt động nhóm trong trò chơi “Cuộc phiêu lưu tài chính cùng Cha-Ching”
Giáo trình Cha-Ching đã được giảng dạy tại 15 quốc gia tại châu Á và châu Phi. Trong vòng 10 năm qua, có hơn 37.000 giáo viên được đào tạo để dạy Cha-Ching và hơn 1.200.000 học sinh được học giáo trình Cha-Ching. Tại Việt Nam, giáo trình Cha-Ching đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định để đưa vào giảng dạy tại các trường tiểu học tại Việt Nam từ năm học 2019-2020 đến nay.