Với vẻ đẹp lung linh, huyền ảo cùng hệ thống thạch nhũ nhiều hình thù kỳ lạ, động Địch Lộng ở Ninh Bình được mệnh danh là “động đẹp thứ 3 trời Nam”.
Động Địch Lộng nằm ở lưng chừng núi Địch Lộng thuộc xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Bên trong động có thờ Phật nên nhân dân địa phương thường gọi là chùa Địch Lộng.
Nơi đây được vua Minh Mạng ban tặng cho 5 chữ “Nam thiên đệ tam động” (động đẹp thứ 3 trời Nam) nhân một chuyến tuần du vào năm 1821.
Động nằm giữa lưng chừng núi, đứng ở cửa động có thể nghe thấy tiếng gió tựa như tiếng sáo thổi. Ảnh: Trần Nghị
Theo sử sách, vào năm 1739, một tiều phu lên núi đốn củi đã phát hiện hang động này, bên trong có nhiều nhũ đá giống hình tượng Phật nên đã lập bàn thờ ở đây. Đến năm 1740, người dân mở đường lập chùa thờ Phật với tên chữ “Nham Sơn động Cổ Am tự” (có nghĩa là chùa Cổ Am và động Nham Sơn).
Động và chùa Địch Lộng được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Quần thể di tích danh thắng này gồm có đình đá (16 cột đá nguyên khối), đền thờ Lý Quốc Sư (dân gian còn gọi là Thánh Nguyễn), chùa Hạ, khu vườn Phật.
Sân trước của động có phủ thờ Bà chúa Thượng Ngàn, phủ thờ Đức Thánh Mẫu. Ảnh: Trần Nghị
Để đến được động Địch Lộng, từ chân núi du khách phải leo 105 bậc đá mới lên đến cửa động. Sân trước động có phủ thờ Bà chúa Thượng Ngàn, phủ thờ Đức Thánh Mẫu.
Hang Địch Lộng có 2 khu vực, được phân chia theo lối vào là Hang Sáng và Hang Tối với vô số nhũ đá đủ hình dáng như hình tượng Phật, hình con voi quỳ gối, hình sư tử, ngựa phục, voi uống nước chum, hùm uống nước vại.
Trong động có nhiều miếu thờ. Ảnh: Trần Nghị
Động Địch Lộng có 3 hang thông nhau nên khi đứng trên cửa động, du khách nghe được tiếng gió vi vu như tiếng sáo thổi.
Dân gian gọi đây là cây sáo gió khổng lồ bằng đá và lấy tên là Địch Lộng (“Địch” nghĩa là sáo, “Lộng” nghĩa là gió).
Bên trong động còn có tấm bia đá khắc chữ Hán. Ảnh: Trần Nghị
Chùa và động cũng là căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nơi lưu giữ quân khí, xưởng sản xuất vũ khí của quân và dân ta.
Bà Nguyễn Hương Lan, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Viễn cho biết, chùa Địch Lộng hiện nay do UBND xã Gia Thanh quản lý.
Hiện tại địa phương chưa xây dựng điểm tour này và hàng năm lượng khách du lịch đến đây cũng không nhiều, chủ yếu là người địa phương.
Những khối nhũ đá tạo nên vẻ đẹp huyền ảo của Địch Lộng. Ảnh: Trần Nghị
Hàng năm, cứ đến ngày 6 và 7 tháng 3 âm lịch, nhân dân xã Gia Thanh lại tổ chức lễ hội chùa Địch Lộng, cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.