Panorama là kỹ thuật chụp ảnh tương đối khó và không phải ai cũng có thể cho ra đời những bức ảnh đẹp.
Đối với những tín đồ mê chụp ảnh phong cảnh, chắc không còn xa lạ với chế độ chụp Panorama. Đây là chế độ chụp ảnh không gian dưới một góc rộng bất kỳ, thường là 110 độ đến 360 độ. Khung cảnh chụp sẽ được mở rộng hơn rất nhiều so với những bức ảnh được chụp ở chế độ thường.
Hiện nay, các dòng điện thoại thông minh đều hỗ trợ tính năng chụp Panorama, cho ra đời những tấm hình tạo cảm giác choáng ngợp. Tuy nhiên, để chụp được một bức ảnh Panorama ngút tầm mắt không phải là điều đơn giản. Chỉ cần áp dụng 5 mẹo dưới đây, bạn sẽ có ngay album ảnh toàn cảnh đẹp lung linh.
Ánh sáng NÊN được điều chỉnh đồng đều
Đầu tiên, bạn cần lựa chọn vị trí có nguồn sáng tốt nhất, bởi 1 tấm hình chụp bằng chế độ Panorama là sự kết hợp của nhiều khung cảnh nên ánh sáng cũng sẽ thay đổi. Bạn cần nhìn bao quát để chắc chắn rằng, khung cảnh mà bạn chọn có ánh sáng đồng đều, không bị chênh lệch quá nhiều giữa các khu vực.
Bạn nên tránh chụp ảnh Panorama trong nhà, nếu bắt buộc thì cần chỉnh hệ thống đèn, cửa sổ, nguồn sáng theo cách mong muốn sao cho đồng đều nhất có thể. Mách nhỏ bạn là khi xuất hiện góc tối, hãy sử dụng các công cụ chỉnh sửa ảnh để “crop” lại hình, tuy nhiên, ảnh được chỉnh sửa sẽ không đẹp bằng ảnh chụp tự nhiên đâu.
NÊN xác định rõ vật thể cần chụp
Hình dạng, chất liệu, màu sắc của chủ thể cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ánh sáng và chất lượng hình ảnh khi chụp bằng chế độ Panorama. Bởi vậy, bạn cần xác định rõ “nhân vật chính” trong câu chuyện mà bạn muốn kể lại qua 1 tấm hình để cân bằng ánh sáng, bố cục, hình dạng cụ thể.
Đối với ảnh Panorama, bạn không nên chụp chủ thể chuyển động nhé. Vì bản chất Panorama đã là chế độ chụp cần di chuyển rồi, nên nếu chủ thể của bạn cũng chạy qua chạy lại sẽ làm tấm hình bị mờ, nhòe. Nếu phải chụp một nhóm người, tốt nhất hãy bảo họ đứng im mới có ảnh đẹp được.
NÊN chụp ảnh theo chiều dọc
Bạn thường nhận được lời khuyên là không bao giờ cầm smartphone theo chiều dọc để quay video, nhưng đối các bức ảnh Panorama thì bạn nên cầm máy theo chiều dọc. Làm như vậy, bạn sẽ nhận về một khung hình lớn và có chiều sâu hơn.
Bên cạnh đó, việc cầm máy theo chiều dọc cũng dễ dàng hơn cho bạn di chuyển góc máy. So với cầm máy ngang, chiều dọc sẽ giúp bạn có thể vừa cầm máy vừa di chuyển đến hết khung cảnh mà không lo mỏi tay.
Kiểm soát đôi tay, KHÔNG để điện thoại rung lắc
Không riêng gì chụp ảnh Panorama, khi chụp hình thông thường chúng ta cũng cần giữ camera ổn định, tránh rung lắc. Bạn hãy chọn vị trí chuẩn để di chuyển góc máy, khi di chuyển cần thực hiện chậm để giữ cân bằng cho camera.
Hãy cẩn thận cả với ngón tay của bạn, đôi khi chỉ vô tình để ngón tay chạm vào ống kính khi chụp sẽ khiến hình ảnh mà chúng ta nhận được chẳng như mong muốn. Đồng thời, bạn cũng nên áp dụng nguyên tắc nín thở khi chụp ảnh, chỉ thở ra khi nào bức hình đã được chụp xong.
Xoay camera, KHÔNG xoay cơ thể bạn
Một nguyên tắc bất di bất dịch khi chụp ảnh Panorama, đó là xoay chiếc smartphone chứ không phải cơ thể bạn. Khi chụp ảnh góc rộng với nhiều khung hình như vậy, bạn sẽ phải di chuyển qua lại nên dễ mắc phải lỗi “xoay cả người”. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng rung lắc hoặc ảnh chụp được không đều.
Bạn cần chú ý chỉ di chuyển điện thoại trên tay mình chứ không di chuyển cơ thể khi chụp ảnh Panorama nhé. Bạn nên xác định rõ khung cảnh định chụp, chọn điểm đầu và điểm cuối, sau đó di chuyển điện thoại nhẹ nhàng theo hướng đã chọn để lấy hết toàn bộ hình ảnh. Như vậy, góc ảnh sẽ vừa vòng tay của bạn mà không phải di chuyển cơ thể.
Trên đây là những mẹo giúp bạn có một tấm hình Panorama cực nét. Cùng áp dụng ngay để cho ra đời cả album ảnh toàn cảnh chất lượng nhé!