Hôm nay 17/6/2018, giá vàng trong nước đang áp sát mốc 36 triệu đồng.
Trước tác động của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng lao dốc không phanh, giá vàng các thương hiệu đều rời xa mốc 37 triệu đồng và đang áp sát mốc 36 triệu đồng khi kết thúc tuần giao dịch.
Cụ thể, đầu phiên giao dịch ngày 16/6, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC 36,67 - 36,87 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 100 nghìn đồng/lượng so với chốt phiên hôm trước.
Trong khi đó, giá vàng Doji lại giữ vững được 36,83 - 36,93 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua - bán.
Giá vàng hôm nay 17/6/2018: Lao dốc không phanh, giá vàng trong nước đang áp sát mốc 36 triệu đồng. Ảnh minh hoạ
Đến thời điểm chốt phiên, các thương hiệu vàng trong nước tiếp tục điều chỉnh so với buổi sáng. Trong đó, giá vàng SJC tăng nhẹ 20 nghìn đồng lên 36,69-36,89 triệu đồng/lượng; giá vàng Doji 36,72-36,82 triệu đồng, giảm mạnh thêm 110 nghìn đồng so với buổi sáng.
Trên hệ thống Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC cũng giảm mạnh còn 36,72-36,80 triệu đồng/lượng, giá vàng thương hiệu riêng của doanh nghiệp này là Rồng Thăng Long cũng giảm mạnh 180 nghìn đồng so với phiên trước về sát mốc 36 triệu đồng khi chỉ còn 36,01-36,46 triệu đồng/lượng.
Nhìn lại các giao dịch trong tuần, giá vàng trong nước tạo sức bật khá tốt do được hỗ trợ từ giá vàng thế giới. Đà tăng từ đầu tuần đã mở rộng dần khiến giao dịch trên thị trường được cải thiện rõ rệt.
Mức giá cao nhất ghi nhận trong tuần tại 36,92 - 37,02 triệu đồng/lượng; trong khi mức thấp nhất là 36,72 - 36,82 triệu đồng/lượng.
Tính chung cả tuần, giá vàng SJC tăng 80 nghìn đồng chiều mua vào và tăng 120 nghìn đồng chiều bán ra; giá vàng Doji cũng tăng 80 nghìn đồng chiều mua vào và tăng 100 nghìn đồng chiều bán ra; riêng giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu giảm mạnh 150 nghìn đồng chiều mua vào và giảm 30 nghìn đồng chiều bán ra…
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, đóng cửa phiên giao cuối tuần giá vàng thế giới lao dốc không phanh về mốc 1.278,9 USD/ounce sau khi giảm mạnh tới 23 USD/ounce trong phiên. Thậm chí, có lúc trong phiên, giá vàng đã giảm xuống mức 1.275,2 USD/ounce. Tính chung cả tuần qua, giá vàng giao ngay giảm mạnh khoảng 20 USD/ounce.
Chốt phiên này, giá vàng giao tháng 8 cũng giảm 0,5% xuống đóng cửa ở mức 1.301,50 USD/ounce.
Giá vàng thế giới lao dốc không phanh trong phiên cuối tuần
Diễn biến sụt giảm mạnh trong phiên cuối tuần là do hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư và đà tăng của đồng USD. Riêng chỉ số USD phiên này đã tăng 0,3% lên 95,079 điểm sau khi chạm mức cao nhất trong 7 tháng vào đầu phiên giao dịch.
Nhìn lại một tuần giao dịch, thị trường vàng thế giới đã bị chi phối bởi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều và cuộc họp chính sách quan trọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cùng diễn biến căng thẳng về thương mại Mỹ - Trung.
Tuy mức độ phản ánh của cuộc gặp Mỹ - Triều không tạo ra dấu ấn mạnh mẽ lên giá vàng nhưng đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 14/6 giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất trong một tháng sau khi ECB cam kết giữ lãi suất ổn định cho đến mùa Hè năm 2019.
Hiện nay, các nhà đầu tư đang theo sát những diễn biến mới xung quanh quan hệ thương mại căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế 25% đối với các mặt hàng của Trung Quốc tổng trị giá 50 tỷ USD với cáo buộc Bắc Kinh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, Trung Quốc ngay lập tức công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ bị áp các mức thuế bổ sung.
Cụ thể, cơ quan thuế quan Trung Quốc đã quyết định áp thuế bổ sung 25% đối với 659 mặt hàng của Mỹ tổng trị giá 50 tỷ USD. Tuyên bố của cơ quan thuế quan khẳng định quyết định này phù hợp với các quy định liên quan của Luật Ngoại thương Trung Quốc và Quy định của Trung Quốc về thuế xuất nhập khẩu cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Dự kiến tuần tới, giá vàng sẽ tiếp tục chịu tác động từ diễn biến căng thẳng thương mại này.