Khi mùa đông qua đi, sắc vàng dã quỳ tàn cũng là lúc Đà Lạt bước vào những mùa hoa mới. Không rực rỡ, cũng không phân bố nhiều khắp phố núi như dã quỳ hay mai anh đào, ban trắng và phượng tím mang nét đẹp tinh khôi, lặng lẽ trên những tuyến đường trung tâm.
Hoa ban trắng là loài hoa đặc trưng từ núi rừng Tây Bắc được trồng ở Đà Lạt từ nhiều năm trước rồi phát triển, đơm hoa trong lòng phố núi, trở thành hình ảnh khó phai trong lòng người dân và du khách khi về với vùng đất cao nguyên.
Truyền thuyết về loài hoa ban kể rằng, có nàng Ban và chàng Khum là đôi trai tài gái sắc đem lòng yêu nhau tha thiết nhưng không có cái kết hạnh phúc. Chuyện tình của họ bị gia đình nàng Ban cấm cản. Bị ép gả cho người mình không yêu, nàng Ban bỏ nhà đi gặp chàng Khum. Không gặp được chàng ở nhà, nàng gửi lại chiếc khăn piêu nơi cầu thang rồi chạy đi tìm. Rồi nàng kiệt sức và qua đời khi chưa gặp được người thương. Nơi nàng Ban nằm xuống mọc lên một cây hoa có búp trắng tinh khôi như búp tay người con gái.
Chàng Khum về đến nhà, thấy chiếc khăn piêu của người thương để lại cũng vội vã đi tìm, tìm khắp bản này đến sóc nọ, rồi chàng cũng kiệt sức, ngã xuống và hoá thành con chim sống cô quạnh giữa núi rừng. Từ dạo ấy, cứ vào mùa hoa ban nở, loài chim ấy lại cất tiếng hót khắp rừng như tiếng gọi người yêu thưở nào, gợi nhắc về một mối tình đẹp, son sắt, thuỷ chung nhưng buồn.
Ở Đà Lạt, hoa ban trắng được trồng nhiều dọc 3 tuyến đường chính: Trần Phú – Nhà thờ Chính toà Đà Lạt (Nhà thờ Con gà) – Dinh 2; Quang Trung – Ga Đà Lạt – Ngã Tư Phan Châu Trinh; Phù Đổng Thiên Vương.
Thời điểm Đà Lạt vào mùa ban trắng là từ đầu xuân đến đầu hè, trong đó đẹp nhất là những ngày đầu xuân – khi những đoá ban trắng đồng loạt khoe sắc trắng tinh khôi trên phố.
Hoa ban trắng có 5 cánh. Hoa thường mọc từ các nách lá non gần ngọn, đường kính hoa khoảng 10 -15cm.
Vào những ngày trời trong xanh và nắng đẹp, sắc trắng của hoa ban nổi bật trên nền trời
Không rực rỡ, cũng không phân bố nhiều khắp phố núi như dã quỳ hay mai anh đào, ban trắng mang nét đẹp tinh khôi và nhẹ nhàng.
Vẻ đẹp nhẹ nhàng của hoa ban trắng để lại những xúc cảm đặc biệt với những người từng đến và “trót” yêu không khí bình yên của phố núi Đà Lạt.
Nở cùng đợt với hoa ban trắng là hoa phượng tím. Loài hoa này có nguồn gốc từ Nam Mỹ, bắt đầu được trồng tại Đà Lạt từ thập niên 60 của thế kỷ trước.
Những cây phượng tím nở hoa trên phố phường Đà Lạt hôm nay có công lớn của cố kỹ sư Lương Văn Sáu. Là một trong những kỹ sư nông học đầu tiên ở Việt Nam được đào tạo chính quy tại Pháp, kỹ sư Lương Văn Sáu là người có công mang hạt giống phượng tím từ Pháp về gieo trồng thực nghiệm tại Đà Lạt vào năm 1962.
Trải qua nhiều thập kỷ khó khăn, phải đến năm 1994, phượng tím mới được kỹ sư Lương Văn Sáu nhân giống thành công bằng phương pháp chiết cành.
Vài năm sau, ở giai đoạn cuối thập niên 90, các nhà khoa học đã thử nghiệm và nhân giống vô tính thành công hoa phượng tím từ mầm cây của 3 cây đầu tiên được kỹ sư Sáu trồng thành công tại Đà Lạt. Đó là cây phượng tím trên đường Nguyễn Thị Minh Khai trước cổng chợ đêm Đà Lạt, ở vườn hoa Bích Câu và trước nhà hàng Thủy Tạ (hiện cây này đã ngã đổ do bão vào năm 2019).
Từ những nỗ lực trên mà mà phượng tím được trồng phổ biến ở Đà Lạt cho đến bây giờ.
Mùa phượng tím nở rộ thường kéo dài vào dịp đầu năm cho đến tháng 7-8. Những cây phượng tím có thể cao 10-15m, tán cây phủ rộng 5-7 m. Lá cây có hình dạng giống cây phượng vĩ. Nhưng khác với phượng vĩ, phượng tím nở thành chùm theo hình ốn.
Phượng tím thường nở nhiều ở khu vực chợ Đà Lạt, đường Hai Bà Trưng, đường Trần Phú, đường Nguyễn Văn Cừ, đường Yagout, xung quanh hồ Xuân Hương, Thiền Viện Trúc Lâm…
Trong những ngày đẹp, không khó để bắt gặp những cánh phượng tím khoe sắc trên bầu trời phố núi.
Sắc tím của loài hoa này mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, man mác buồn.
Trong những ngày đầu năm mới, phượng tím góp thêm một sắc màu cho bức tranh bình yên của “thành phố ngàn hoa” Đà Lạt.