Lạc quan dù Tết này "bánh chưng ít thịt"

Dung Phạm - Ngày 02/02/2024 16:00 PM (GMT+7)

Mặc dù Tết này phải "thắt lưng buộc bụng" nhưng nhiều người lao động trẻ vẫn có đủ cách xoay xở để đón năm mới đầy năng lượng tích cực.

Đối mặt với một cái Tết không có thưởng

Mỗi khi năm hết Tết đến, câu hỏi "bánh chưng năm nay có thịt không?" lại rộ lên trên mạng xã hội, nơi mọi người bàn luận về chuyện lương thưởng cuối năm. Tuy nhiên, 2023 lại là một năm "kinh tế buồn". Không ít người đối mặt với tình trạng thất nghiệp trong thời gian dài hoặc bị giảm lương trong cả năm qua, kéo theo đó là cuối năm thưởng Tết 0 đồng do công ty thua lỗ.

Với đa số người làm công ăn lương, khoản thưởng dịp Tết như một sự bù đắp cho cả năm làm việc vất vả đồng thời góp phần đỡ gánh nặng tài chính vào thời gian này - vốn rất nhiều thứ phải chi và vật giá ngày một leo thang. Việc không có thưởng Tết khiến họ rơi vào tình trạng thiếu trước hụt sau khi năm mới đã cận kề.

Ngọc Hân (29 tuổi, TP.HCM) cho biết, năm nay cả hai vợ chồng cô cày cuốc nhưng khoản dư rất ít so với những năm trước. "Hầu như lương tháng nào lãnh xong là dùng hết cho tháng đó. Năm nay công ty mình làm ăn thua lỗ nên cũng không có tất niên hay thưởng Tết gì cả. Vì vậy, hai vợ chồng cũng xác định xuân này đón Tết kiểu ít tiền" - Ngọc Hân chia sẻ.

Cuối năm là khoảng thời gian phải chi tiêu nhiều thứ. (Ảnh minh họa: Dung Phạm)

Cuối năm là khoảng thời gian phải chi tiêu nhiều thứ. (Ảnh minh họa: Dung Phạm)

Cùng chung không bầu không khí "Tết ít tiền", với bộ phận kinh doanh cá nhân, tình hình kinh tế khó khăn khiến sức tiêu dùng và hạn mức chi tiêu của khách hàng giảm xuống. Năm nay, nhiều người chuẩn bị đón một cái Tết thắt chặt chi tiêu, ít khách, sụt giảm doanh thu dù cho các năm trước, Tết là khoảng thời gian "ăn nên làm ra" của nhiều dịch vụ.

Cô thợ làm nail 30 tuổi ở Bình Dương - H. Ngân chia sẻ rằng 6 tháng đầu năm 2023, thu nhập của tiệm cô chỉ nằm ở mức trung bình vì nhu cầu làm đẹp của các chị em đã giảm xuống.

"Bình thường mọi người có thói quen 2-3 tuần sẽ thay nail mới nhưng bây giờ thời gian đó đã tăng lên, khoảng 4-6 tuần. Những tháng cuối năm, thu nhập của mình có phần ổn áp hơn một chút nhưng không tăng vọt như một năm, nhìn chung khá trầm lặng so với những năm trước" - H. Ngân cho biết.

Thu nhập giảm cũng làm ảnh hưởng đến chi tiêu dịp Tết của nhiều chị em cho khoản làm đẹp, mua sắm. (Ảnh minh họa: NVCC)

Thu nhập giảm cũng làm ảnh hưởng đến chi tiêu dịp Tết của nhiều chị em cho khoản làm đẹp, mua sắm. (Ảnh minh họa: NVCC)

Giữ tinh thần lạc quan đón Tết

Trước tình hình kinh tế khó khăn, nhiều người cố gắng giữ tinh thần lạc quan và suy nghĩ tích cực dù Tết này không có thưởng hay lợi nhuận kinh doanh không đạt mức mong muốn. Đa số ý kiến đều cho rằng, việc vẫn duy trì được việc làm và nhận lương hàng tháng đã là một may mắn trong giai đoạn này.

Ngọc Hân vừa đi làm lại sau thời gian nghỉ thai sản nên Tết này với cô, lương thưởng không đáng kể, không dư nhiều: "Hai vợ chồng mình gom góp cũng được một khoản khá đủ để biếu cha mẹ 2 bên và lì xì cho con cháu. Hai đứa cũng bảo nhau là Tết này xài chiêu "đóng cửa và đi", nghĩa là về nhà ngoại "ăn ké". Năm ngoái, vợ chồng mình có lì xì cho cha mẹ nhưng cả hai nhận lộc đầu năm thôi rồi sau đó cũng trả lại cho 2 đứa".

Nhiều gia đình tranh thủ đi mua sắm Tết lúc chưa cận kề những ngày cuối năm để có thể mua được giá tốt. (Ảnh: Dung Phạm)

Nhiều gia đình tranh thủ đi mua sắm Tết lúc chưa cận kề những ngày cuối năm để có thể mua được giá tốt. (Ảnh: Dung Phạm)

Còn anh nhân viên N. Tùng (30 tuổi, Bình Dương) làm việc ở công ty hiện tại được hơn nửa năm cho biết, tiền lương mỗi tháng không quá cao nhưng đủ để anh trang trải cuộc sống.

"Lúc đầu, mình nghe nói là công ty không có thưởng Tết vì năm qua kinh doanh thua lỗ nhưng cuối cùng nhận được thông báo là vẫn có thưởng. Số tiền đó không nhiều nhưng mình cảm thấy vui và may mắn vì công ty vẫn cố gắng lo cho nhân viên có một khoản nho nhỏ, đủ để trang trải một phần chi tiêu dịp Tết để mọi người đón năm mới" - N. Tùng nói.

Nhiều người vẫn giữ tinh thần lạc quan để đón Tết vì đây là thời khắc hướng tới một năm mới với nhiều kỳ vọng mới. (Ảnh minh họa: NVCC)

Nhiều người vẫn giữ tinh thần lạc quan để đón Tết vì đây là thời khắc hướng tới một năm mới với nhiều kỳ vọng mới. (Ảnh minh họa: NVCC)

H. Ngân bày tỏ, cô cảm thấy may mắn vì vẫn có thể duy trì được cửa tiệm của mình trong tình hình kinh tế khó khăn nhờ việc kết hợp giữa làm đẹp (nail) và chăm sóc sức khỏe (gội đầu dưỡng sinh, cổ vai gáy).

Tuy nhiên, với doanh thu cả năm như hiện tại, cô chọn đón Tết một cách tiết kiệm: "Mình không sắm sửa gì nhiều cho bản thân, nói thật là vậy. Nhưng để chuẩn bị cho Tết thì vẫn mua sắm có chọn lọc để đón năm mới, mua quà tết cho ông bà và người thân. Giai đoạn trước Tết này, mình thấy may mắn vì vẫn được bận rộn từ sáng đến khuya do nhu cầu của khách hàng cần làm đẹp, chỉ hi vọng là được bận thêm để mình và các nhân viên cải thiện "nhân bánh chưng" năm nay".

Theo báo cáo nhanh của 62/63 tỉnh thành - khảo sát 47.374 doanh nghiệp ứng với 4,79 triệu lao động - gửi về Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), doanh nghiệp có vốn Nhà nước là nhóm có mức thưởng Tết bình quân cao nhất. Có khoảng 61,37% doanh nghiệp trong số trên báo cáo về kế hoạch thưởng tết Nguyên đán Giáo Thìn cho người lao động với mức 6,85 triệu đồng/người. Mức thưởng này nhìn chung tương đương năm ngoái.

Nỗi lòng của Gen Z khi nhận thưởng Tết năm nay: Hụt hẫng khi công ty báo thưởng giảm 50% so với năm ngoái
Vài ngày trước, cô nhân viên Gen Z nhận được tin công ty cắt giảm thưởng Tết lên đến 50%, lương tháng 1 sẽ chi trả sau Tết khiến bản thân hụt hẫng mất...

Chuyện nghề Gen Z

Theo Dung Phạm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Z Lifestyle