Theo thống kê, hiện nhiều trẻ mắc cúm được bố mẹ đưa đến viện thăm khám, nhưng không phải trường hợp nào cũng có chỉ định nhập viện, nhiều trẻ mắc cúm đến khám nhưng được tư vấn theo dõi và điều trị tại nhà.
Việc cúm mùa đang ngày một gia tăng khiến rất nhiều trẻ được bố mẹ đưa tới bệnh viện thăm khám. Để kịp thời hỗ trợ, điều trị cho bệnh nhi, các bệnh biện đã tổ chức phân loại, tư vấn điều trị và theo dõi tại nhà, chỉ trường hợp nặng mới nhập viện.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày có hàng trăm trẻ đến khám được chẩn đoán mắc cúm A, con số này đặc biệt gia tăng sau dịp Tết Nguyên đán. Hay ở BV Nhi Hà Nội, từ tháng 10/2024 đến nay, thống kê cho thấy đã khám và điều trị cho tổng số hơn 1.500 trường hợp trẻ mắc cúm. Trong đó, điều trị tại viện là 200 ca, có nhiều ca nặng.
Không chỉ các bệnh viện tuyến cuối, một số bệnh viện địa phương cũng ghi nhận số trẻ mắc cúm gia tăng. Tại Bệnh viện Nhi Hải Dương, khoảng một tháng nay đã khám và điều trị tổng số gần ca 600 trường hợp mắc cúm. Tại Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ, số lượng trẻ nhập viện do cúm A có xu hướng tăng lên.
Trẻ mắc cúm nếu chỉ có triệu chứng nhẹ thì sẽ có chỉ định theo dõi tại nhà. Ảnh minh họa.
Trẻ mắc cúm A khi nào nên theo dõi, điều trị tại nhà?
Theo khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng, hầu hết trường hợp mắc cúm A không xuất hiện biến chứng, có thể theo dõi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi, chưa được tiêm vắc xin không nên chủ quan. Tốt nhất, khi trẻ có dấu hiệu mắc cúm A, phụ huynh nên cho trẻ đi khám để được bác sĩ tư vấn cụ thể cho từng trường hợp.
Với những trẻ đã tiêm vắc xin, đáp ứng tốt với thuốc hạ sốt, nhanh nhẹn, hoạt bát, ăn tốt, không có bệnh nền, không có biểu hiện co giật, không đau đầu dữ dội… thì nên điều trị và theo dõi tại nhà. Quá trình theo dõi và điều trị tại nhà cần phải thực hiện theo khuyến cáo của bác sĩ và Bộ Y tế. Đặc biệt, việc sử dụng thuốc phải theo hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus khi không có chỉ định.
Đồng thời với đó, cần cho trẻ nghỉ học, cách ly tại nhà và đảm bảo việc phòng bệnh như đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, vệ sinh tay để tránh lây cho trẻ khác và người chăm sóc. Nếu sau 7 ngày chăm sóc tại nhà, tình trạng bệnh dù không xuất hiện tình trạng nặng, nhưng cũng không có dấu hiệu thuyên giảm cần đến bệnh viện để được hỗ trợ.
Về chế độ dinh dưỡng, người bệnh cúm A cần được bổ sung đầy đủ đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất trong những bữa ăn hàng ngày. Người bệnh nên ăn nhiều rau xanh để bổ sung nguồn vitamin tự nhiên, đặc biệt là vitamin nhóm B, C.
Uống nhiều nước để bù lại lượng nước và điện giải mất đi do sốt hay đổ mồ hôi khi mắc cúm. Đối với trẻ nhỏ trong giai đoạn bú mẹ có thể bú nhiều hơn và chia các cữ bú mẹ thành nhiều cử nhỏ để đảm bảo trẻ được cung cấp đủ chất dinh dưỡng và kháng thể chống chọi lại virus cúm.
Với trẻ nhũ nhi, trẻ có bệnh nền và một số triệu chứng nặng cần đưa đến viện để theo dõi, điều trị. Ảnh minh họa.
Mắc cúm A khi nào cần đến viện gấp?
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, GĐ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, cúm A tuy có thể chăm sóc tại nhà, nhưng hoàn toàn có thể xuất hiện triệu chứng bất thường, nhanh chóng. Một số triệu chứng thường gặp của bệnh cúm, đó là đau họng và ho, hắt hơi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, sốt và ớn lạnh, nhức đầu và nhức mỏi cơ thể, cảm thấy mệt mỏi, có thể kèm theo đau bụng, nôn, tiêu chảy…
Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ, có thể hồi phục sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, hoặc trẻ có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hoá, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… khi mắc cúm mùa có thể diễn biến nặng. Các biến chứng chủ yếu là suy hô hấp, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm tai giữa, viêm não, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn thứ phát…
Do vậy, quá trình chăm sóc trẻ tại nhà, nếu có các dấu hiệu sau cần đưa đến viện ngay lập tức. Cụ thể: Trẻ sốt cao liên tục từ trên 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc bị co giật; khó thở, thở nhanh hoặc nhịp thở bất thường; đau ngực hoặc đau cơ dữ dội; tím môi và đầu chi, tay chân lạnh; trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều.