Không chỉ đơn giản là kể lại một câu chuyện tình, "La La Land" giống như món quà gửi đến những kẻ dại khờ đang mơ hay đã tỉnh giấc, là một tác phẩm có khả năng chạm được tới rất nhiều người bởi thứ ánh sáng nhiệm màu mà nó mang trong mình.
Giữa trưa nắng oi ả của tiết trời Los Angeles, một đoàn ô tô nối đuôi nhau kẹt cứng trên xa lộ. Khi mà những tưởng cãi vã sẽ nổ ra, những tiếng kêu than la ó sẽ ầm ĩ tứ phía thì không, một cô gái bỗng vui vẻ cất lên tiếng hát và mở cửa xe bước ra ngoài, kéo theo đó là toàn bộ những người khác. Họ vui vẻ nhảy múa, hát ca, làm đủ những chuyện điên rồ với nụ cười tươi tắn và lời ca ngập tràn hy vọng trên môi.
Đó là cách mà La La Land chọn để bắt đầu cuộc hành trình rực rỡ sắc màu của mình, là đoạn mở màn đầy quyến rũ cho vở Broadway ngoài trời dài gần hai tiếng đồng hồ về Những kẻ khờ mộng mơ.
Những kẻ mộng mơ, những con người như luôn sống trong thế giới của riêng họ, tách xa với thế giới của những người bình thường. Họ nhìn thế giới dưới một ống kính lung linh rực rỡ, họ cảm nhận được những giai điệu cất lên từ mọi lát cắt thường nhật của cuộc sống, họ không ngần ngại dùng toàn bộ bầu nhiệt huyết và cảm xúc của mình làm gia vị cho vở kịch cuộc đời. Và trên tất cả, họ là những người dám mơ. Câu chuyện của La La Land cũng bắt đầu với hai kẻ mộng mơ như thế.
Thoạt nhìn ai cũng thấy chuyện phim vốn chẳng có gì phức tạp. Một cô gái nuôi mộng là diễn viên, một chàng trai ấp ủ ước mơ nghệ sĩ nhạc Jazz. Họ đều chọn Los Angeles làm vùng đất hứa và tại đây, số phận đã đưa đẩy cho họ tìm thấy nhau.
Có thể coi La La Land là một câu chuyện tình, nhưng tình yêu lại không phải là thứ cuối cùng bộ phim hướng đến. Hai tâm hồn tưởng như không có nhiều điểm chung nhưng khi quyện vào nhau lại tạo thành một bản nhạc vô cùng hài hoà và đồng điệu - một bản nhạc đưa đẩy họ dũng cảm chạm tới giấc mơ riêng của mỗi người. Phải, cái đích cuối cùng mà La La Land hướng đến chính là hành trình chinh phục giấc mơ của những con người dám sống hết mình, dám cuồng si và hy sinh để chạm được tới nó.
Mia (Emma Stone) vốn chưa bao giờ nhìn thấy vẻ đẹp của nhạc Jazz nhưng nhờ Sebastian (Ryan Gosling) cô đã đem lòng yêu thứ âm nhạc tuyệt đẹp, tươi mới nhưng đang chết mòn ấy tự lúc nào. Cũng như Mia, Sebas vốn cũng chẳng phải một kẻ si mê điện ảnh. Nhưng anh lại là người nhìn thấy được trong cô không chỉ tồn tại một diễn viên mà còn có một nhà biên kịch tiềm năng cần được ươm mầm và cổ vũ.
Và như thế, ngoài việc theo đuổi giấc mơ của riêng mình, họ còn nâng đỡ nhau trên con đường tìm kiếm thành công chung. Một tình yêu chân thành và thuần khiết, khi cả hai vẫn sống cuộc đời đơn thuần tuyệt đẹp của hai kẻ mộng mơ, khi không một hiện thực nào có thể chen vào khúc waltz hoàn mĩ của họ giữa bầu trời lấp lánh sao.
Nhưng dù có bay cao đến mấy, mộng mơ đến nhường nào thì rồi cũng tới ngày họ buộc phải chạm đất, phải nghiêm túc suy nghĩ về chặng tiếp theo của cuộc đời. Đó là lúc Sebas đau đầu giữa ước muốn được chơi thứ nhạc Jazz nguyên thuỷ mà anh từng nguyện sẽ dành trọn cuộc đời bảo vệ, và thứ nhạc Jazz cách tân đi ngược lại quan điểm nghệ thuật của mình vì gánh nặng cơm áo gạo tiền. Đó cũng là lúc Mia vỡ mộng diễn viên/biên kịch khi vở kịch đầu tay của cô thất bại ê chề và nhận về vô số lời chê bai từ chính những người mà cô tin tưởng.
Cả hai bỗng chợt giật mình nhận ra, liệu đây có phải là lúc họ nên tỉnh giấc? Nên tìm cho mình một "hiện thực" phù hợp hơn để trưởng thành, rời xa chín tầng mây tuy đẹp đẽ nhưng bồng bột phù du.
La La Land đã rất thành công trong việc chèo lái được con thuyền cảm xúc của khán giả xuôi dòng với hai nhân vật trong phim, khi thì vút bay đầy hy vọng, lúc lại trầm buồn bế tắc. Nhưng sau tất cả, thứ dư âm mà bộ phim muốn khán giả còn đọng lại mãi trong đầu là khúc nhạc của hy vọng, của những giấc mơ được tái sinh.
Giống như ca từ của bản solo xuất thần “The Fool who dream” (kẻ khờ mộng mơ) mà Mia hát, về kẻ mộng mơ ngốc nghếch dù biết lạnh giá và đớn đau nhưng vẫn cứ muốn mãi đằm mình trong con sông Seine thơ mộng. Những kẻ dại khờ nếu vẫn còn giữ trong lòng hy vọng thì biết đâu sẽ đặt chân được tới thành công, dù không phải thành công nào cũng hoàn hảo như những gì hắn ta mơ.
Chuyện tình của Mia và Seb là bàn đạp giúp giấc mơ tung bay, nhưng cũng là thứ phải dừng bước trước sự giao thoa không thể tránh khỏi của hiện thực và ước mơ. Thành công đôi khi không có nghĩa phải đi chung một con đường, nhưng viễn cảnh về cả một cuộc đời dài và hạnh phúc đôi khi lại có thể gói gọn chỉ trong một bản nhạc Jazz. La La Land kết thúc giữa giao lộ của hiện thực và ước mơ, nhưng là một kết thúc bi nhưng không luỵ, tuy buồn nhưng vẫn tràn ngập ánh sáng của hy vọng.
Bản thân La La Land cũng là một giấc mơ dài của đạo diễn trẻ Damien Chazelle, được ấp ủ từ những ngày chính bản thân anh cũng chưa chạm được tới ước mơ. Có lẽ do đó mà bộ phim giống như một món quà dành tặng tất cả những kẻ mộng mơ đang lạc lối ngoài kia, cổ vũ cho ngọn lửa mơ ước trong họ tiếp tục cháy, dù chưa chắc trên đời ai cũng có thể tiếp tục mơ.
Bởi vì những giấc mơ nguyên bản là thứ thuần khiết và đẹp đẽ nhất trên đời.
La La Land đánh dấu lần hợp tác thứ ba của cặp đôi ăn ý Emma Stone và Ryan Gosling, và cũng tiếp tục là một tác phẩm đáng để họ tự hào. Tuy không phải dân trong nghề ở lĩnh vực hát múa nhưng cả hai đều đã cống hiến cho khán giả những khung hình, những điệu nhảy, những câu hát tuyệt vời. Đặc biệt hơn, vai Mia của Emma Stone còn được đánh giá rất cao ở những phân đoạn cao trào đắt giá, mà rất có thể vai diễn này sẽ giúp cho cô lần đầu tiên ‘làm nên chuyện’ trong những lễ trao giải lớn cuối năm nay.
La La Land cũng là lời tri ân của Damien gửi tới dòng phim nhạc kịch, tới những tác phẩm kinh điển đã từng truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ con người như ‘Singin’ in the Rain’, ‘The Umbrellas of Cherbourg’, đến thời đại hoàng kim của Hollywood. Bằng cách ‘vintage hoá’ bộ phim mang bối cảnh hiện đại của mình, lồng vào đó những bài hát vừa mới lạ vừa mang hương vị cổ điển, Damien muốn một lần nữa tái hiện lại ‘phép màu Hollywood’ lên màn ảnh rộng – thứ ma pháp màu nhiệm từng mê hoặc hàng triệu con người, với lời khẳng định “phép màu chưa bao giờ tắt, hãy dùng trái tim để tìm ra chúng, và dùng tâm hồn để bảo vệ chúng.”
Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng là những kẻ mộng mơ, dù đâu đó trên những chặng đường gập ghềnh của cuộc đời ta buộc phải ‘tỉnh giấc’ nhưng trong sâu thẳm ta biết trái tim mình vẫn còn muốn mơ. Chính vì lẽ đó nên La La Land giống như món quà gửi đến những kẻ dại khờ đang mơ hay đã tỉnh giấc, là một tác phẩm có khả năng chạm được tới rất nhiều người bởi thứ ánh sáng nhiệm màu mà nó mang trong mình.