Hình ảnh con đường gạch vàng từ tàu thám hiểm biển sâu Nautilus thực sự gây sốc, được các nhà khoa học mô tả là đường vào lục địa Atlantis - thế giới huyền thoại được cho là mất tích đâu đó giữa biển khơi.
Theo Ancient Origins, con đường lát gạch vàng được phát hiện một cách tình cờ khi tàu thám hiểm Nautilus thực hiện nhiệm vụ khám phá địa chất, sinh vật dưới vùng biển sâu gần Hawaii.
Nằm ở độ sâu khoảng 1.000 m, con đường gạch vàng vắt vẻo trên đỉnh một ngọn núi biển sâu ở khu vực Di sản Quốc gia Hàng hải Papahānaumokuākea, thuộc vùng biển Liliʻuokalani. Liliʻuokalani là tên của vị vua cuối cùng cai trị Vương quốc Hawaii độc lập.
Con đường gạch vàng bí ẩn dưới đáy biển - Ảnh: OCEAN EXPLORATION TRUST
Con đường có vẻ như rất cũ và bị hư hại nhưng vẫn hiện rõ cấu trúc như các viên gạch màu vàng được xếp ngay ngắn, không khác gì các vỉa hè hay lối đi của thời hiện đại. Nhưng vị trí mà nó ngự trị hoàn toàn gây sốc. Nhóm khoa học gia từ Ocean Exploration Trust, những người đang thực hiện nhiệm vụ với tàu thám hiểm Nautilus, thậm chí gọi nó là "đường dẫn đến Atlantis".
Video từ tàu thám hiểm còn tiết lộ một thế giới mê hoặc xung quanh con đường gạch vàng, với các sinh vật biển sâu kỳ dị.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định cấu trúc này không phải là nhân tạo. "Tại đỉnh Nootka Seamount, chúng tôi phát hiện sự hình thành "lòng hồ khô", hiện được xác định là một dòng đứt gãy của đá hyaloclastit, một loại đá núi lửa hình thành từ các vụ phun trào năng lượng cao, khiến nhiều mảnh đá lắng xuống đáy biển" - tờ Live Science dẫn lời nhóm nghiên cứu.
Sự phân chia giống như viên gạch giữa các tảng đá có thể là kết quả ngẫu nhiên của hiện tượng làm nóng và làm mát từ nhiều vụ phun trào khác nhau trong hàng triệu năm.
Mẫu vật địa chất thu thập từ "con đường gạch vàng" và khu vực xung quanh sẽ giúp các nhà khoa học hiểu thêm về cách núi lửa dưới nước hoạt động và kiến tạo nên vùng đáy biển thú vị này. Tàu thám hiểm cũng sẽ thu thập các mẫu vi sinh vật và tìm hiểu về các dạng sinh vật kỳ quặc khác sống ở khu vực này với độ sâu lên đến 3.000 m.