Mới nghe tên đã nhăn mặt lắc đầu, món bún cua thối của thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai là một thử thách lớn đối với bất cứ du khách nào ghé qua.
Bún cua thối.
Bún cua thối, hay còn gọi là bún mắm cua. Cách gọi bún cua thối của người dân địa phương giúp phân biệt với bún riêu cua hay các món cua khác, diễn tả thứ mùi khó ngửi đặc trưng của nước dùng chan bún được làm theo cách đặc biệt.
Món lạ xứ Tây Nguyên sử dụng nguyên liệu chính là cua đồng bỏ đi phần mai, giã nhuyễn, lọc lấy nước sau đó ủ trong một ngày một đêm. Nước cua đã ủ sẽ lên men, chuyển màu đen và có mùi rất khó ngửi.
Nguyên liệu chính của món bún "lạ" này là cua đồng.
Cua phải là cua sống, nếu lẫn cua chết sẽ làm hỏng cả nồi nước dùng. Bà Chi – một chủ quán bún cua thối nức tiếng ở Pleiku – còn cho hay: Phải là cua Gia Lai mới làm được món này ngon, cua ở tỉnh khác không ngon bằng.
Người dân bảo nhau rằng món bún này đã xuất hiện từ rất lâu rồi. Ở vùng này cua đồng nhiều không đếm xuể, dân không có gì ăn thường bắt cua về giã, vắt lấy nước kho với muối cho thật mặn để bảo quản được lâu. Lâu dần người ta nghĩ ra cách ăn với bún, thay đổi công thức để trở thành món bún cua thối ngày nay.
Tuỳ địa phương mà thành phần của món ăn có sự biến đổi. Một số nơi ăn chung với trứng vịt. Một số nơi khác cho thêm thịt ba chỉ. Nhưng nổi tiếng nhất và ngon nhất chỉ là ở Pleiku, bún ăn chung với chả ram.
Ăn kèm bún cua thối có trứng vịt, chả ram (nem rán) và cả nem chua.
Một tô bún cua thối ở Pleiku gồm có bún, ít măng le cùng da heo chiên giòn, rắc thêm chút hành phi, đậu phộng giã nhỏ rồi chan nước dùng. Đồ ăn kèm có rau sống tươi ngon và một đĩa chả ram, có thể thay bằng giò hoặc nem chua cho hợp khẩu vị. Thực khách khi ăn có thể nêm nếm chanh, ớt, mắm tôm trộn đều. Mỗi tô như vậy có giá chỉ 10.000 đồng.
Du khách bốn phương ghé qua, hễ nhìn nồi nước dùng đen ngòm, toả ra mùi thum thủm đã thấy rùng mình. Ít ai đủ can đảm để nếm thử món ăn có bề ngoài không mấy hấp dẫn này. Dù thế, những món ăn nặng mùi vẫn luôn có sức hấp dẫn riêng, ai không ăn được sẽ thấy khó chịu, ai ăn được thường sẽ nghiện nặng. Sầu riêng, thắng cố hay đậu hũ thối là những ví dụ tiêu biểu và món bún này cũng vậy.
Nồi nước dùng đen ngòm khiến nhiều thực khách "rùng minh".
Mùi của món bún cua thối không chỉ nặng mà ăn xong vẫn còn lưu lại trong khoang miệng rất lâu. Đi dọc đường phố Pleiku, rất dễ phát hiện ra một quán bún cua thối bởi cách đến chục mét vẫn nhận ra mùi hương. Vị bún mặn đậm đà, vị nước dùng hăng nồng quyện với chút chua cay của măng, giòn sần sật của da heo và bùi thơm của chả ram ăn rất lạ miệng, tưởng như khó nuốt mà hoá ra lại vô cùng gây nghiện.
Nhiều người địa phương chia sẻ rằng mỗi lần ghé quán bún cua thối, họ phải ăn liền tù tì 2-3 tô mới thấy đã. Với những quán nổi tiếng, một ngày có thể phải dùng đến 20 kg cua tươi để phục vụ khách hàng.
Nếu đủ can đảm để bỏ qua nỗi sợ nhãn tiền về hình thức lẫn mùi vị, du khách sẽ có được một trải nghiệm vô cùng đáng nhớ với món ăn này. Hơn nữa thực tế đã chứng minh: càng những món ăn gây nhiều tranh cãi thì lại càng dễ nổi tiếng và được nhớ đến. Bún cua thối đã góp phần tạo nên sự đặc sắc hiếm có cho nền ẩm thực của Pleiku nói riêng và Tây Nguyên nói chung.