Dưới đây là những gợi ý giúp bạn và gia đình tìm được địa điểm lý tưởng để vui chơi trong dịp Tết Bính Thân 2016 này.
"Đi đâu chơi Tết?" luôn là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn mỗi dịp giáp Tết Nguyên Đán. Hy vọng bài viết gợi ý về địa điểm vui chơi trong dịp năm mới Bính Thân 2016 dưới đây sẽ giúp quý độc giả có những ngày nghỉ vui vẻ bên bạn bè và người thân.
Đường hoa Nguyễn Huệ
Là địa điểm chơi Tết quen thuộc nhất của giới trẻ Sài Gòn mỗi độ xuân về, nhiều năm nay, đường hoa Nguyễn Huệ luôn thu hút một lượng lớn khách ghé thăm. Sau một năm tạm dời qua đường Hàm Nghi, đường hoa đã về với "ngôi nhà" của mình. Khác với mọi năm, đường hoa năm nay khai mạc sớm hơn, nhằm tạo điều kiện để mọi người thỏa thích tham quan. Theo kế hoạch của UBND thành phố Hồ Chí Minh, đường hoa Tết Bính Thân sẽ chính thức mở cửa từ tối ngày 5/2 (27 tháng Chạp) và kéo dài liên tục trong 8 ngày.
(Nguồn ảnh: Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh)
Với chủ đề TP.HCM - Hòa bình, Hội nhập và Phát triển, đến đường hoa Nguyễn Huệ, bạn sẽ được dịp mãn nhãn trước các tác phẩm nghệ thuật làm từ nhiều loài hoa đến từ khắp mọi miền đất nước và những tiểu cảnh thiết kế công phu bởi các nghệ nhân tên tuổi. Sở hữu khung cảnh rực rỡ, đường hoa được chọn là một trong những điểm chụp hình lý tưởng nhất trong dịp Tết Nguyên Đán.
Song song với đường hoa, đường sách trải dài trên các trục đường Mạc Thị Bưởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế cũng sẽ được tổ chức để phục vụ người dân, kiều bào và khách du lịch quốc tế.
Hội hoa xuân Tao Đàn
Bên cạnh đường hoa Nguyễn Huệ, hội hoa xuân Tao Đàn cũng là địa điểm chơi Tết 2016 thú vị không kém. Khai mạc vào ngày 3/2 (tức 25 tháng Chạp) và bế mạc vào ngày 14/2 (mùng 7 Tết), hội hoa là nơi trưng bày các loại hoa, cá kiểng, tiểu cảnh... Theo thông tin, chương trình năm nay có sự góp mặt của đông đảo nghệ nhân trong và ngoài nước. Họ sẽ mang đến hội hoa những tác phẩm tiêu biểu, được đầu tư công phu.
Ngoài khu triển lãm, hội hoa xuân Tao Đàn còn có khu vực phục vụ nhu cầu giải trí của khách tham quan như: sân khấu nghệ thuật, đờn ca tài tử, trò chơi thiếu nhi... Tương tự đường hoa Nguyễn Huệ, hội hoa cũng thu hút lượng lớn bạn trẻ cùng các tay săn ảnh đến để thực hiện những bộ hình đậm màu sắc mùa xuân.
Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng
Mặc dù có tuổi đời ít hơn hai "đàn anh" kể trên, song hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng vẫn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân và du khách mỗi dịp Tết đến. Được thực hiện ở khu vực hồ Bán Nguyệt, hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng năm nay có chủ đề Về làng. Đến đây, mọi người sẽ được dịp chiêm ngưỡng khung cảnh mùa xuân ở làng quê Việt Nam.
(Nguồn ảnh: Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh)
Những tiểu cảnh được thiết kế tỉ mỉ sẽ mang đến cho mọi người cái nhìn chân thực nhất về Tết ở các miền quê của Tổ quốc. Hơn thế nữa, khách tham quan sẽ có cơ hội ngắm nghía những cây cảnh quý hiếm như cặp khế 300 năm tuổi, cây mai vàng 99 tuổi, rễ xoắn vắt áo… Được biết, hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng sẽ diễn ra từ ngày 1/2 (23 tháng Chạp) đến 7/2 (29 tháng Chạp).
Phố ông đồ - Nhà văn hóa Thanh Niên
Phố ông đồ là một trong những sự kiện thường niên được tổ chức sớm nhất. Tuy không gian thực hiện không quá quy mô và hoành tráng nhưng khu vực này vẫn thu hút đông đảo người dân ghé thăm và chụp ảnh lưu niệm. Những ngày giáp Tết này, nếu có dịp đi ngang khu vực đường Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Thị Minh Khai (Q1), ắt hẳn, mọi người sẽ bị choáng ngợp bởi không khí nhộn nhịp của nơi đây.
Từ người lớn đến trẻ con, ai nấy đều xúng xính quần áo mới để dạo phố xuân cũng như lưu giữ những khoảnh khắc đẹp. Thậm chí, nhiều bạn nữ còn diện áo dài thướt tha và tự tin tạo dáng trước hàng mai vàng rực của phố ông đồ.
(Nguồn ảnh: Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh)
Các trung tâm thương mại lớn (Vincom, Diamond, Cresent Mall, Vivo City...)
Tết đến cũng là dịp các trung tâm thương mại lớn ở TP.HCM "thay áo mới". Hầu hết khu vực này đều được trang hoàng lộng lẫy với sắc vàng, đỏ rực rỡ. Những cây mai to hay những tiểu cảnh đẹp được đặt ở những vị trí bắt mắt nhất, nhằm thu hút sự chú ý của khách tham quan trong và ngoài nước. Không cần đi đâu xa, chỉ cần dạo một vòng quanh các trung tâm thương mại, chúng ta đã có ngay một bộ ảnh Tết tuyệt đẹp.
Đường sách Xuân Bính Thân
Với người dân Thủ đô nói chung và và người yêu sách nói riêng, Tết Nguyên đán Bính Thân sắp tới là một cái Tết rất đặc biệt. Bởi, lần đầu tiên Hà Nội chính thức có một đường sách xuân ngay sát Hồ Gươm, tổ chức tại phố Lê Thạch cạnh tượng đài Lý Thái Tổ - Tràng Tiền - Hoàn Kiếm.
Tham gia vào phố sách này, có khoảng 20 Nhà xuất bản, các công ty sách đang hoạt động tại Thủ đô như Kim Đồng, Nhã Nam, Thái Hà, Tân Việt, Huy Hoàng, Đinh Tị… Việc tổ chức trưng bày giới thiệu sách tập trung vào hai chủ đề chính là Thăng Long - Hà Nội và Mừng Đảng - Mừng xuân với nhiều hoạt động đa dạng. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động bên lề Hội sách Xuân gồm cà phê sách (quy hoạch xung quanh Nhà Kèn), thơ xuân, nhạc sinh viên, góc thiếu nhi, thư pháp - trà Việt, giao lưu với các nhà văn...
Với những tín hiệu khả quan về văn hóa đọc của người Việt thời gian gần đây, ban tổ chức dự kiến phố sách sẽ thu hút hàng triệu lượt khách ghé thăm, trở thành một trong những địa điểm chơi Tết 2016 không thể bỏ qua. Theo lịch từ Sở thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội, Đường sách Xuân Bính Thân sẽ bắt đầu từ ngày 10/2 và kết thúc vào 15/2/2016 (mùng 3 Tết đến mùng 8 tháng Giêng năm Bính Thân).
Aeon Mall Long Biên
Tương tự TP.HCM, hiện nay Hà Nội cũng có rất nhiều trung tâm thương mại lớn. Nhưng trong số đó, Aeon Mall Long Biên xứng đáng trở thành điểm đến số 1 cho câu hỏi "Đi đâu chơi Tết?" này. Đây cũng là khu tổ hợp ăn - chơi - mua sắm hiện đại lớn nhất và duy nhất ở Thủ đô mở cửa ngay từ ngày đầu tiên của năm mới.
Lịch hoạt động xuyên Tết của Aeon Mall.
Đặc biệt, Aeon Mall hiện đang sở hữu rạp chiếu phim CGV được quảng cáo là “xịn” nhất Việt Nam gồm 10 phòng chiếu và gần 2000 chỗ ngồi cùng những bộ phim mới nhất, liên tục được cập nhật. Cộng thêm các dịch vụ vui chơi, giải trí, ẩm thực, mua sắm và rất nhiều sự kiện hấp dẫn khác như múa lân, trò chơi dân gian, tặng quà lưu niệm..., Aeon Mall sẽ là điểm du xuân "trọn gói" cho cả gia đình hay những nhóm bạn bè trong dịp Tết Bính Thân 2016.
Bảo tàng Dân tộc học
Theo thông lệ hằng năm, chương trình vui chơi Tết Bính Thân 2016 ở Bảo tàng Dân tộc học sẽ xoay quanh chủ đề văn hóa Kon Tum, với nhiều hoạt động trình diễn nghệ thuật truyền thống của đồng bào Tây Nguyên.
Sự kiện chính diễn ra vào các ngày 13 và 14-1 (mùng 6 và 7 Tết Âm lịch), gồm những nét đặc sắc trong văn hóa đón năm mới của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như trình diễn nghệ thuật Chiêng tha (Brâu), Cồng chiêng & Xoang (Bana), Klông Pút (Xơđăng/ Bana); Hát giao duyên... Các hương vị ẩm thực đặc sắc truyền thống của Tây Nguyên do chính đồng bào dân tộc chế biến như: gỏi lá Kon Tum, cơm lam, rượu cần…. cũng được giới thiệu tới khách tham quan.
Hình ảnh tập huấn một số trò chơi dân gian tại Bảo tàng Dân tộc học
(Nguồn ảnh: Facebook Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam)
Bên cạnh các hoạt động giới thiệu về Tây Nguyên còn có trình diễn: múa tứ linh, chơi pháo đất, múa sạp, chơi trò chơi dân gian của một số dân tộc và ẩm thực Thái (Yên Bái). Riêng hoạt động múa rối nước, viết thư pháp, đánh đu, ẩm thực Thái có từ mồng 4 đến 7 Tết (11/2 đến 14/2).