Ở mỗi nước có những kiểu kiêng kỵ khác nhau vào mỗi dịp đầu năm với mong muốn mang lại cho gia chủ an nhàn, hạnh phúc, giàu có.
Việt Nam
Người Việt xưa quan niệm những ngày đầu năm mới, nếu gặp điều may mắn thì suốt năm đó làm gì cũng thuận lợi. Ngược lại, nếu đầu năm gặp xui xẻo thì suốt năm sẽ gặp điều không may, bất lợi, làm gì cũng khó thành.
Vì vậy, ông cha ta đã đề ra các điều kiêng kỵ trong những ngày đầu năm mới. Nếu có mượn ai tiền bạc hay đồ vật gì phải trang trải, trả trước Tết. Nếu không, sang năm mới, người ta cần đến đòi thì sẽ xui xẻo cả năm.
Những ngày Tết ăn nói phải giữ gìn, không được nói tục, nói bậy hay điều xui xẻo để tránh sự không may. Ngoài ra, cần giữ gìn không cau có, giận dữ, gắt gỏng, la lối, cãi nhau, không sẽ gây sự bất hòa liên miên.
Khi chưa làm lễ động thổ, kiêng đào đất, giã chày cối, sợ cả năm làm ăn không thuận lợi.
Người xưa còn quan niệm đầu năm không nên quét nhà. Nếu quét phải vun vào một xó.
Bên cạnh đó, đầu năm mới, người xưa kiêng mặc đồ chàm, xám, đen hay trắng vì là điềm tang chế. Kiêng đánh vỡ chén bát hay các vật dụng trong gia đình.
Người có tang phải giữ đạo hiếu không đi lễ, chúc Tết. Kiêng mặc đồ sô gai đến nhà người khác.
Không chỉ vậy, người xưa còn dạy rằng trong 3 ngày Tết, dù có đi đâu thì đến chiều tối cũng phải về, tránh “có đi mà không có về” khiến xui xẻo cả năm.
Trung Quốc
Người Trung Quốc ăn mừng năm mới với những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ, bao lì xì màu đỏ rực rỡ để tượng trưng cho may mắn thái hòa suốt năm. Người Trung Quốc cũng có những kiêng kỵ cần tránh vào ngày tết.
Trong dịp này, một người cho dù bệnh cỡ nào cũng phải ra phòng khách ngồi chào hỏi mọi người, và tuyệt đối không được đến phòng ngủ của bất kỳ ai trong nhà để chào hỏi hay chúc tết.
Cãi vã, khóc than và nguyền rủa nhau hoàn toàn là điều cấm kỵ trong ngày tết, vì người Trung Quốc tin rằng họ sẽ thực hiện những hành vi này trong suốt năm mới.
Nhiều người Trung Quốc giữ gìn phong tục không ngủ trưa ngày tết vì tin rằng nếu ngủ trưa họ sẽ lười biếng, không chịu làm việc trong cả năm mới.
Khi đến thăm nhà người thân và chúc tết, các vị khách không nên tặng những loại quà “dễ mang đến xui xẻo” như: đồng hồ (trù chủ nhà sắp chết), quả lê (phát âm tiếng Trung là “ly” giống như từ "chia lìa, xa cách"); khăn tay (ý nói tang tóc)…
Hàn Quốc
Người dân ở xứ sở kim chi thường đốt những thanh tre trước thềm năm mới. Theo trang New Year Festival, phong tục này có ý nghĩa xua đuổi tà ma, tiếng nổ của thanh tre sẽ làm cho ma quỷ e dè, sợ hãi mà bỏ chạy. Người Hàn cũng treo một vật dụng giống cái xẻng, tên chính xác là Bok Jori trên góc tưởng, góc phòng hay ngoài cửa để mang lại may mắn và phúc lộc cho gia đình.
Đan Mạch
Nghe hơi quái lạ nhưng đây chính xác là cách mà người Đan Mạch thực hiện trong ngày đầu năm mới. Những chiếc đĩa đã cũ được ném vào cửa nhà hàng xóm, bạn bè. Bởi người ta tin rằng, càng nhiều đĩa đổ vỡ ở ngoài cửa là càng nhiều tình thân, vận may tràn ngập trong năm, gia chủ sẽ càng có nhiều bạn bè.
Hy Lạp
Bạn sẽ cũng dễ dàng nhìn thấy những chùm tỏi hành treo ở gian bếp người Việt để xua đuổi xui xẻo và khiến gian bếp ấm cúng hơn. Ở Hy Lạp, người ta có tục lệ tro hành trước cửa vào năm mới để tượng trung cho sự tái sinh, may mắn của đất trời sẽ chạm vào từng chuỗi hành và mang đến gõ cửa từng nhà.
Vào sáng năm mới, những củ hành được treo sẽ được cha mẹ mang xuống và gõ vào đầu bọn trẻ để đánh thức chúng như một phép mầu được ban tặng từ trời đất.
Tây Ban Nha
Tập tục này xuất phát từ năm 1909, khi đất nước của tiếng đàn Guitar bội thu mùa nho và nhà vua quyết định sẽ ban số nho dư cho người dân sau khi nộp đủ để mừng năm mới. 12 quả nho tượng trưng cho 12 tháng ngập tràn hạnh phúc và phải làm sao để trước giao thừa ăn hết 12 quả nho ở mỗi giây countdown thì sẽ có một năm mới vô cùng may mắn, nếu không hãy ăn chúng trước 6 giờ sáng.