Quanh phim "Sống chung với mẹ chồng": Nghệ sĩ Minh Phương nhiều lần nhắc đến từ “sợ”

Ngày 26/04/2017 17:46 PM (GMT+7)

Bộ phim truyền hình “Sống chung với mẹ chồng” mới lên sóng những tập đầu đã gây xôn xao dư luận với vai diễn mẹ chồng gây tranh cãi của NSND Lan Hương. Đối lập với nhân vật bà Phương kĩ tính, phức tạp là một bà mẹ chồng nhà quê hiền lành, nhẫn nhịn do nghệ sĩ Minh Phương đảm nhận.

Quanh phim amp;#34;Sống chung với mẹ chồngamp;#34;: Nghệ sĩ Minh Phương nhiều lần nhắc đến từ “sợ” - 1

Nghệ sĩ Minh Phương trong phim “Sống chung với mẹ chồng”. Ảnh: TL

“Vai diễn của tôi, khóc cười đều ăm ắp”

- Thưa nghệ sĩ Minh Phương, cùng là vai diễn mẹ chồng nhưng công chúng dành sự chú ý đặc biệt với vai của NSND Lan Hương, chị có e ngại nhân vật mình đóng sẽ mờ nhạt?

Tôi nghĩ, khán giả chú ý nhiều tới vai của chị Hương Bông (tên thân mật của NSND Lan Hương) có nhiều lý do. Đầu tiên, đó là hình mẫu người mẹ chồng gây nhiều tranh cãi, tác động đến cảm xúc của đa số khán giả. Vai diễn của tôi lên sóng sau chị Hương Bông và lại là một bà mẹ nông dân hiền lành nên ngay ban đầu tính chất vai diễn đã khác.

Khi thực hiện bộ phim, cả đạo diễn và diễn viên chúng tôi đã cùng sáng tạo để vai diễn trở nên thú vị, không mờ nhạt như mọi người lo nghĩ. Bao giờ khán giả xem đến phần cô con dâu mới cưới, ốm nghén không ăn được và anh con trai phải “cầu viện” bà Điều khăn gói từ quê lên chăm con dâu sẽ thấy cảnh bi hài lẫn lộn, có những tình huống dở khóc dở cười.

Tôi tin, vai bà mẹ chồng nông dân của mình sẽ không làm khán giả hụt hẫng về sự mờ nhạt hay buồn tẻ đâu. Vai diễn của tôi cả khóc cười đều ăm ắp. Có những tình huống khán giả có muốn nhịn cười cũng không nhịn được và có tình huống, cố để không khóc thì nước mắt vẫn cứ rơi.

- Xin hỏi thật, thế hệ của chị, chuyện sống chung với mẹ chồng có khổ cực không?

Tôi thuộc thế hệ 6x. Thời chúng tôi đi làm dâu vẫn phảng phất một chút sự khắt khe, kĩ lưỡng. Tôi còn nhớ, ngày ấy, tôi vẫn nghe được những câu chuyện tưởng như mơ, chẳng hạn có người trẻ hơn tôi đi làm dâu vẫn phải ngủ chung với mẹ chồng. Mẹ chồng nằm giữa, hai vợ chồng mỗi người nằm một bên. Thực tế cuộc sống vẫn có những trường hợp điển hình như vậy chứ không phải không có đâu, thậm chí nhiều là đằng khác.

Đến bây giờ, cuộc sống hiện đại, tân tiến hơn nên trường hợp mẹ chồng - nàng dâu mâu thuẫn dần ít đi hoặc khác đi. Như chị Hương Bông cũng chia sẻ với báo giới, chị ấy chiều chuộng, yêu thương con dâu và không khí gia đình rất thoải mái. Tôi thì chưa có con dâu vì con trai mới hơn 20 tuổi, nhưng chắc chắn đến lúc có con dâu tôi cũng không can thiệp vào đời sống của các con. Mình là thế hệ khác nhưng vẫn phải cập nhật, tân tiến chứ!

- Chị thấy những bà mẹ chồng trong phim đáng trách hay đáng thương?Và nàng dâu thế hệ mới thì thế nào?

Ngay lúc đọc kịch bản, chính tôi cũng “sợ” vai diễn của chị Hương Bông. Kịch bản còn xây dựng các nàng dâu không phải dạng vừa và mọi mâu thuẫn đều có nguyên do.

Ví như, thời chúng tôi đi làm dâu, gần như nhịn mẹ chồng hoàn toàn, lúc ấy cuộc sống yên bình hơn. Thế hệ trẻ bây giờ sống cho bản thân mình nhiều hơn, sẵn sàng bày tỏ cảm xúc, không chịu nhún nhường nên nếu gặp sự khác biệt, gò bó, áp đặt thì họ phản ứng ngay.

Nhiều người nói, nhân vật của chị Hương Bông là “làm quá”, xem phim thế nhiều bạn trẻ đâm lo sợ đời sống hôn nhân. Chúng ta cũng nên nhìn nhận rằng, phim ảnh hay sân khấu thường đưa những cái điển hình, ai chưa trải nghiệm nghĩ là không có, nhưng đó lại là những chi tiết cần nhấn nhá để tăng tính giáo dục, cảnh tỉnh, tác động về cảm xúc của người xem.

Khóc đi khóc lại đến 4 – 5 lần

- “Sống chung với mẹ chồng” là một trong những bộ phim đầu tiên ở miền Bắc thu tiếng đồng bộ, điều đó có gây khó khăn về diễn xuất, thời gian… cho những diễn viên như chị?

- Việc thu tiếng đồng bộ sẽ nhàn cho phần âm thanh về sau, đỡ công dựng, lồng tiếng, đồng thời việc thu được hoàn toàn biểu cảm qua giọng nói của diễn viên khiến khán giả dễ cảm nhận hơn. Cái khó ở thu tiếng đồng bộ ở chỗ, lúc quay, xung quanh phải thật yên tĩnh.

Như bây giờ, tôi đang làm phim “Ân oán tình đời” của VFC, quay trên Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội), mục đích lên đó để yên tĩnh nhưng oái oăm thay, bên cạnh giờ lại có công trường đang thi công. Mỗi lần bấm máy lại là một lần anh chuyên viên tổ chức sản xuất phải chạy sang công trường cầm bộ đàm xin: “Các anh ơi! Cho đoàn phim nhờ một lúc”. Quay xong lại cầm bộ đàm thông báo: “Các anh làm đi”, cứ thế một ngày lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần.

Vài ngày đầu người ta còn chịu, đến hôm qua vừa thấy người của đoàn phim cầm bộ đàm lên, họ đã trả lời ngay: “Chúng tôi không thể nhường các anh được nữa, chúng tôi phải làm để vài ngày tới giao nhà cho chủ”. Rồi họ cứ thế thi công và đoàn phim “điêu đứng” trong chờ đợi.

Còn nhiều khó khăn khác của thu tiếng đồng bộ, ví dụ mỗi khi quay cảnh khóc, diễn viên không phải khóc một lần mà khóc 4 - 5 lần, “phục vụ” máy quay đặt hết góc nọ đến góc kia, quay cận người này xong quay cận người kia, cả ê-kíp sẽ diễn lặp lại như cũ.

- Chúng tôi được biết, để xong một bộ phim, đoàn phim thường mất ăn mất ngủ đến vài tháng trời?

Đúng là như vậy. Diễn viên như tôi nhiều lần ăn không kịp ăn, ngủ không kịp ngủ. Cũng may những phim như “Sống chung với mẹ chồng” chỉ quay quanh nội thành. Bối cảnh nhà “con trai” trong phim của tôi ngay dưới khu Chung cư Hòa bình xanh, mượn nhà mẫu trên tầng 28 nên tôi có đi sớm về khuya cũng không sao.

Còn bộ phim mới quay trên Thạch Thất, nhiều đêm về đến nhà đã hơn 12h khuya, quá mệt nên lăn ra ngủ để sáng mai 7h kém 15 lại lên quay. Chuyện ăn không đúng bữa, thiếu ngủ triền miên như một mặc định cho nghề diễn rồi.

- Hiện có nhiều bàn tán, dự đoán về cái kết của “Sống chung với mẹ chồng” từ tác phẩm nguyên bản của Trung Quốc. Chị thấy giữa phim và tác phẩm gốc có khác biệt nhiều không?

Tôi thấy một số tờ báo giật tít cái kết phim thông qua việc đọc tác phẩm nguyên bản của Trung Quốc. Chỉ thế thôi đã khiến tôi thấy… sợ quá! Tác phẩm gốc khi về Việt Nam đã qua khâu xử lý như: Kịch bản, đạo diễn, diễn xuất… để Việt hóa cho phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt chứ không bê nguyên xi.

Nếu nói về tác phẩm gốc, tiểu thuyết của Trung Quốc có những tình huống khá “ác”, không có hậu nhưng trên màn ảnh Việt thì đã được tiết chế, xử lý phù hợp. Khán giả cũng không nên vì những dự đoán từ tác phẩm gốc mà ái ngại cho cái kết của bộ phim.

Cảm ơn nghệ sĩ Minh Phương về cuộc trò chuyện!

Theo Thành Nam
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phim truyền hình