Lý Sơn được ví như viên ngọc quý của tỉnh Quảng Ngãi. Huyện đảo này hấp dẫn khách du lịch bởi vẻ đẹp tinh khiết, hoang sơ hiếm có.
Hành trình đến Lý Sơn cho mình đủ trải nghiệm. Đầu tiền là các phương tiện tàu xe. Bay từ Sài Gòn đến sân bay Chu Lai 1 giờ 30 phút, bắt xe tiếp để đến cảng Sa Kỳ gần một tiếng nếu đi thẳng (45 km) hoặc 1 tiếng rưỡi nếu qua TP (6 km), tiếp tục đi tàu 1 tiếng để đến đảo lớn.
Tàu chạy đến đảo chuyến cuối là 3 giờ chiều và VNA thì không có các chuyến bay Chu Lai, lựa chọn nhiều nhất là Vietjet. Mình chọn Vietjet bay chuyến sớm nhất để phòng thời gian và cũng là để lên đảo được trước giờ hoàng hôn.
Hòn đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao
Sân bay Chu Lai có khá nhiều taxi. Nhưng nhóm mình đi bốn người thì gọi một xe riêng bảy chỗ để thoải mái và chỉ tốn 450.000 đồng. Từ sân bay vào trung tâm là một dãy dài các resort dang dở, có những ngôi nhà villa được thiết kế rất hay với gỗ và mảng tường gạch men, lối kiến trúc lai khác biệt.
Tuy nhiên, hiện tại đó vẫn là bãi hoang vu vì các dự án đều bị dang dở. Sát biển và kề cận hàng loạt khu công nghiệp đá, nhà máy đóng tàu và lọc dầu Dung Quất lại là những ruộng lúa xanh mướt, những đàn bò nằm ngắm cỏ nhởn nhơ như một thời tranh vẽ tuổi thơ tràn về. Ta có thể thấy được những hình ảnh của nền kinh tế công nghiệp hóa và nền nông nghiệp lúa nước cùng trên một chặng đường.
Đến cảng Sa Kỳ lúc 9 giờ 10 phút, mình còn đến những hai tiếng rưỡi cho chuyến tàu tiếp theo vì không thể đổi được vé sớm hơn do chuyến tàu 9 giờ 30 phút đã hết chỗ. Khi ta không làm gì thì ta sẽ ăn.
Đồ ăn ở Lý Sơn khá rẻ và ngon miệng.
Mình gọi một tô bún chả cá và ly cà phê sữa pha phin, tổng thiệt hại là 50.000 đồng. Xung quanh cảng thì không có gì để sống ảo nên chỉ có thể bó gối ngồi chờ. Kinh nghiệm là nếu bạn nào liều có thể book tàu 9 giờ 30 phút khi bay chuyến 6 giờ 30 phút, trường hợp bị delay là cầm chắc trễ tàu. Đi loanh quanh khu cảng thì phát hiện có một tấm banner quảng cáo về cắm trại ở đảo bé Anthena Beach Camping homestay 100.000 đồng/đêm. Mình cũng sẽ đi đảo bé đợt này nhưng đã đặt chỗ khác nên chờ đợi xem thử trải nghiệm ra sao.
Tàu ra Lý Sơn khá hiện đại, chỗ ngồi có số, máy lạnh và TV đầy đủ. Với giá 126.000 đồng cho một tiếng ngồi tàu máy lạnh thì khá ổn. Áo phao cũng có dưới ghế nên có phần yên tâm hơn. Điểm trừ là tàu chạy khá ồn.
Những con tàu đắm mình trên sóng nước Lý Sơn, mang đến cảm giác bình yên cho tôi - một người thành phố thiếu hơi biển.
Cập bến cảng, việc đầu tiên mình làm là ăn. Được người địa phương cho thuê xe chỉ đến Long Hiền, khá gần cảng. Ở đây mọi thứ gần như đồng giá 80.000 đồng/kg: Sò mai, ốc mặt trăng, nhum, sò tượng, sò cát. Ở đây cũng đặc sản mực, cua, đủ loại cua mặt trăng, cua đỏ và tôm hùm cũng lung linh đa dạng, các loại này thì giá tầm 400.000 đến 900.000 đồng/kg.
Hải sản ở Lý Sơn là một trong những điều gây ấn tượng với du khách.
Series các món mình và nhóm đại chiến gồm có:
· Gỏi rong biển rau húng và đậu phòng giòn giòn sựt sựt, thơm mùi rau và béo đậu phộng chứ không hề tanh
· Sò cát thơm và béo
· Sò tượng dai nhưng không ấn tượng
· Cồi mai chấm muối tiêu mù tạt
· Cua mặt trăng tính ra không xuất sắc, gạch không thơm và vỏ khá dày. Thịt có ngọt nhưng không chắc. Nên xét vào diện cần bảo tồn vì “không ngon để ăn”
Bữa trưa xong thì cũng đã hơn 2 giờ chiều, mình cần phải về nơi trú ẩn và vì đi trốn nên mình trốn luôn trong một cái hang. Nó gọi là Hang Câu, một cái hang to dưới đỉnh Thới Lới được tạo ra từ một ngọn núi lửa. Lý Sơn thật sự là một hòn đảo để tận hưởng cái mộc mạc miên man.
Hang Câu trải qua hàng ngàn năm bị bào mòn bởi sóng và gió đã tạo nên dãy đá màu nham thạch đẹp kỳ vĩ.
Hang Câu nằm ở thôn Đông, dưới chân núi Thới Lới. Được hình thành từ nham thạch của ngọn núi lửa xưa, hàng ngàn năm bị sóng biển và gió bào mòn, khoét sâu mà làm ra hang nham thạch với những vân đá đẹp mắt, quyến rũ, rất phù hợp với những ai yêu thiên nhiên và thích sống ảo. Một lều ở đây giá 150.000 đồng/đêm, bạn sẽ được ngủ với một bên sóng biển rì rào và một bầu trời đêm đầy sao. Điểm đặc biệt là ở trong hang không bị gió hỗn nên vừa đủ mát mà không lạnh.
Gọi là hang nhưng ở đây là khu cắm trại có quản lý và dịch vụ, có điện, có nước ngọt để tắm chứ không phải hoang dã toàn tập. Bạn có thể thuê chèo thuyền Kayak và ngắm đá san hô chỉ với giá 60.000 đồng/người.
Trên suốt con đường đến Hang Câu, không chỉ là bờ biển nhưng còn là những thửa ruộng tỏi đã được thu hoạch. Tỏi Lý Sơn thường được gieo vào mùa Đông, tầm tháng 10 âm lịch và sẽ bắt đầu thu hoạch sau khi đón Tết ta. Tầm tháng 2 dương lịch là mùa thu hoạch tỏi dần đến tháng 3. Mình đến là khi vụ thu hoạch vừa xong sẽ không còn thấy những thửa ruộng xanh mướt ngồng tỏi nhưng là những mảng đất cát có đủ các tông màu vàng. May mắn vẫn còn lác đác đâu đó vài thửa ruộng thu hoạch trễ, mình cũng tấp vào để hỏi han đôi chút với bác nông dân, cũng hiểu hòm hòm về tỏi, về giá.
Thường một sào ruộng 400 m2 ở đây sẽ thu hoạch trung bình 500 kg tỏi, bán giá 50.000 đồng/kg tỏi tươi và 100.000 đồng/kg tỏi khô. Nhưng tỏi Lý Sơn thì một năm chỉ có một vụ nên người dân ở đây sẽ trồng xen kẽ thêm bốn vụ hành ta hoặc các loại đậu xanh, đậu đen, đậu phộng.
Tỏi Lý Sơn đặc sản của hòn đảo đầy mộng mơ này.
Vẫy vùng dưới biển no nê thì cũng là lúc trời đã về chiều, điểm đến tiếp theo là ngắm hoàng hôn trên cổng Tò Vò. Cổng Tò Vò cũng được tạo thành từ dung nham núi lửa, khi chảy ra biển gặp nước cùng các tác động thiên nhiên mà tạo nên một vòng tròn nhỏ như cái lỗ của tổ tò vò.
Khi mình đến là hoàng hôn buông, lại có khá đông khách du lịch ở đấy nên mình không chụp choẹt gì nhiều, mà chỉ đứng và tận hưởng gió biển, đi cùng với những tia nắng chiều cuối cùng. Một bên là mặt trời đang dần xuống, một bên là mặt trăng to tròn đang lên, đứng trên những ngọn đá nham thạch ngàn năm và hướng về vách đá vân vẽ đặc sắc.
Gửi xe vô cổng Tò Vò thì không tốn phí nhưng cô quầy nước ở đó mời cưng lắm, ra uống trái dừa với ăn ram chả cá nha con. Nhóm mình bốn người ra gọi một phần ram và chả cá Đỏ Củ. Bốn trái dừa và một ly sương sa nước đường gừng thơm mát. Tổng thiệt hại là 230.000 đồng do dừa khá đắt, đến 30.000 đồng/quả.
Đêm tại Hang Câu, bên cạnh các món khu du lịch thường sẵn có như mực, bạch tuộc, cá mú, ở đây có cách gọi món rất dễ thương. “Anh ơi, hôm nay có gì nhỉ?”, “Ờ tàu về hôm nay có thêm con cá nào mình nướng con cá đó”. Cưng lắm.
Tối hôm ấy thì mình được mở mang tầm mắt với món cá “giấu đầu lòi đuôi”, một dạng cá thân sụn không xương, dài dài như lươn nhưng thịt thì ăn giống sườn heo. Đêm về, trăng lên, gió biển vẫn thổi một cách mạnh mẽ và bữa tiệc đêm bắt đầu. Mình ăn trong một cái lều lá được tách riêng cho khách du lịch chứ không ăn và đốt lửa ngay hang vì để hỗ trợ khu du lịch bảo vệ môi trường hang tốt hơn. Thật tình, một chút đi hoang, một chút bờ bụi lại mang về cảm giác dễ chịu nhẹ nhàng. Sẽ chẳng gì tuyệt vời hơn tuổi trẻ, tiếng cười, những người bạn, âm nhạc và một chút men say, ôm nhau mà hát, cùng cười, cùng trầm tư. Thật sự có những trải nghiệm viết ra là chưa đủ.
Kế hoạch ngắm bình minh trên đỉnh Thới Lới không thành khi đêm trước chè chén quá mức nhưng mục tiêu check in cột cờ Lý Sơn và ngắm miệng núi lửa triệu năm trên đỉnh.
Biển Lý Sơn một sáng trong xanh
Lý Sơn có 10 miệng núi lửa. Trong đó, sáu miệng núi lửa ở đảo Lớn, một miệng ở đảo Bé, ba miệng núi lửa ngầm dưới mặt biển. Mình sẽ không nói về cột cờ, hay về hồ nước miệng núi lửa nhưng một điều mình rất muốn chia sẻ là giây phút đứng trên đỉnh Thới Lới, ngay ngã ba để lên miệng núi, hãy tận hưởng khung cảnh vĩ đại.
Hãy nhìn những đường vân đậm nhạt của mặt biển có thể được tạo ra bởi địa chất bãi biển bị ảnh hưởng của những dòng nham thạch chảy khi xưa, tạo nên các độ nông sâu khác nhau. Hãy nín thở nơi mép đá nhìn đến dòng suối ngọt của ngọn núi vách Thới Lới, nơi được cho là có những chú tôm càng xanh ngon lành tự nhiên. Hay bạn có thể cảm nhận những sắc màu thiên nhiên đa dạng từ những thửa ruộng tỏi đã thu hoạch, cơ man nào là các khung vuông vuông với đủ tông màu vàng nâu của cát. Một vùng đảo chỉ rộng tầm 10 km2 nhưng mang trong mình vẻ đẹp thiên nhiên và những tâm hồn chân chất đậm đà.
Trọn một ngày đêm ở đảo lớn đủ để tâm hồn phiêu lãng, mình lại tiếp tục hành trình sang đảo bé. Nơi mà nét đẹp thiên nhiên còn kết hợp cả những niềm thân thương vùng quê dân dã mà đến một lần là yêu một lần.