Tập 12 “Sống chung với mẹ chồng” chuẩn bị lên sóng, bà Phương – mẹ chồng (NSND Lan Hương) lại làm dậy sóng cộng đồng mạng vì ý kiến phụ nữ lấy chồng là phải sinh con.
Trong tập 12 Sống chung với mẹ chồng sắp phát sóng tối nay, có tình huống cả bố lẫn mẹ chồng đều ủng hộ việc Vân (Bảo Thanh) và Thanh (Anh Dũng) sớm có con. Bà Phương (NSND Lan Hương "Bông") còn đưa ra ý kiến rằng phụ nữ lấy chồng thì nhất định phải sinh con, ý kiến này hiện đang gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng.
Tình huống tranh cãi trong "Sống chung với mẹ chồng" tập 12: Nếu vợ con không chịu đẻ, mẹ sẽ cưới vợ khác cho con
Mẹ chồng nào cũng muốn có cháu bế là lẽ đương nhiên:
Nhiều người cho rằng bà Phương nói như vậy là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với tâm lý của tất cả mọi người. Dù là bố mẹ chồng hay bố mẹ vợ thì người già ai cũng mong ngóng có cháu sớm. Sở dĩ, bà Phương giấu thuốc tránh thai của con dâu cũng vì niềm mong mỏi này mà ra.
Việc bà Phương cho rằng, có cháu bây giờ mình còn chăm sóc được, sau này mắt mờ chân chậm thì bà làm sao có thể chăm sóc được cho cháu là hợp tình hợp lý. Ngày này, các cặp vợ chồng trẻ đều bận rộn công việc, sinh con xong đều nhờ hết vào ông bà nội, ngoại để chăm sóc cháu. Nếu không yêu con thương cháu thì bà Phương đã không đòi hỏi vợ chồng Thanh có con sớm để mình chăm sóc cho tốt.
Thuốc tránh thai cũng là một loại thuốc không tốt cho sức khỏe, bà Phương sợ rằng con dâu uống nhiều sẽ “tịt ngóm”. Dù việc lo lắng phản ứng phụ của thuốc xuất phát từ sợ không có cháu bế chứ không phải lo lắng thật sự cho sức khỏe của Vân, nhưng lo lắng này có cơ sở khoa học và đúng đắn.
Biện pháp tránh thai phải xuất phát từ cả vợ và chồng. Ở đây, Thanh đáng lẽ phải là người lo lắng cho sức khỏe của vợ mình, anh phải lựa chọn phương pháp khác tốt cho Vân hơn.
Những lo lắng của bà Phương đối với việc sinh con của Vân là nỗi lòng của tất cả các bà mẹ nên nhận được sự đồng cảm rất lớn từ mọi người. Tuy nhiên, cách nói và cư xử của bà chưa được khéo léo. Bà còn dọa nếu không sinh con thì sẽ cưới vợ khác cho con trai.
Cô con dâu nào nghe được câu nói này cũng sẽ cảm thấy tổn thương, thấy mình chỉ là “cái máy đẻ”. Nếu là người không may mắn có được khả năng sinh đẻ có phải phụ nữ cũng sẽ bị mẹ chồng vứt ra đường hay không?
Việc bà vào phòng dọn phòng cho con trai và con dâu cũng xuất phát từ ý tốt, muốn được chăm sóc cho con tốt hơn. Cách bà tự tiện vào phòng làm con dâu cảm thấy khó chịu, quyền riêng tư không được tôn trọng.
Nhưng nhìn quanh, thử hỏi có mấy gia đình được mẹ chồng chăm sóc như thế? Bình thường, con dâu về nhà chồng sẽ phải thức khuya dậy sớm, lo lắng tất bật tất cả công việc nhà chồng. Vân có thể được xem là một cô con dâu may mắn khi không phải động chân động tay vào bất cứ thứ gì.
Tâm lý của con dâu: Muốn sinh con cũng phải sẵn sàng về tâm lý và kinh tế
Mong muốn chưa sinh con trong thời điểm này của Vân cũng được nhiều người ủng hộ. Mọi người cho rằng, bây giờ chưa có con mà quan hệ của Vân và mẹ chồng còn rất căng thẳng, nếu có thêm một đứa cháu thì quan hệ này sẽ rối đến mức nào.
Việc chăm con, chăm cháu không phải là điều dễ dàng. Nếu xảy ra bất đồng trong quan điểm chăm sóc con cháu thì mẹ chồng và con dâu càng dễ trở thành hai bên đối địch. Các mâu thuẫn trong việc nuôi con sẽ có thời gian kéo dài và có chiều hướng kịch liệt hơn các mâu thuẫn hiện tại rất nhiều.
Hơn nữa, Vân còn đang bị trầm cảm. Phụ nữ khi mang thai và sinh con sẽ xảy ra rất nhiều thay đổi trong tâm lý, dễ bị u uất và trầm cảm sau sinh. Trước khi mang thai Vân đã bị trầm cảm thì khi có thai, bệnh này có thể nghiêm trọng hơn, thậm chí sẽ ảnh hưởng đến đứa bé.
Việc có thêm một thành viên nhỏ trong gia đình không chỉ cần tâm lý sẵn sàng mà còn cần kinh tế sẵn sàng. Vợ chồng Vân và Thanh chỉ mới cưới, kinh tế còn chưa ổn định. Mọi vấn đề hiện tại hầu như đều dựa vào bố mẹ chồng. Nếu sinh con, hai người sẽ phải dựa vào tiền của bố mẹ chồng để chăm sóc tốt nhất cho con. Kinh tế không thể độc lập thì sẽ không thể có quyền được quyết định cách chăm sóc con cái.
Bên cạnh đó, quan hệ mẹ chồng – nàng dâu cũng không mấy tốt đẹp, Vân luôn mong ngóng ổn định kinh tế để ra ở riêng. Vừa kiếm tiền mua nhà, vừa sinh con là một gánh nặng mà bất cứ cặp vợ chồng trẻ nào cũng khó có thể làm được. Khi nền tảng kinh tế lung lay thì hôn nhân cũng sẽ dễ xảy ra mâu thuẫn, hạnh phúc sẽ bị đe dọa.
Sinh con: Hãy là niềm hạnh phúc, đừng biến nó thành công cụ nối dõi tông đường
Đứng trên góc nhìn của mẹ chồng hay nàng dâu thì ai cũng có cái lý của mình, vậy rốt cuộc Vân có nên sinh con hay không? Nếu không sinh con thì mâu thuẫn của mẹ chồng và nàng dâu hiện tại sẽ giải quyết như thế nào? Nếu cô con dâu nào cũng chỉ mong phát triển sự nghiệp vậy nỗi lòng của người làm cha làm mẹ thì sẽ thế nào?
Quan điểm của bà Phương và Vân đều có điểm đúng đắn, tuy nhiên, cả hai đều không lắng nghe ý kiến của đối phương và tìm một phương án hợp lý. Vân thì cương quyết giữ quan điểm của mình và phó mặc cho chồng nói lại với mẹ chồng. Nếu Vân lựa chọn thuyết phục và giải thích cho mẹ chồng hiểu thì liệu mọi việc có khác?
Nếu bà Phương tôn trọng hơn ý kiến, quyền riêng tư của vợ chồng con trai thì có phải mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu cũng sẽ tốt đẹp hơn? Việc sinh con sớm hay muộn cần sự nhất trí của mọi người trong gia đình. Để đảm bảo sự hạnh phúc của hôn nhân, tất cả các thành viên nên tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhau trong vấn đề này.