Thoạt nhìn, loại quả này khá giống bưởi nhưng vỏ thâm hơn, thịt quả có màu nâu.
Vừa qua, một cuộc đấu giá tổ chức tại thành phố Hóa Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của dư luận nhờ một giống quả lạ. Mỗi quả có kích thước cỡ quả bóng tennis, trên vỏ lấm tấm đốm đen khá xấu xí. Do có vị đắng nên loại quả này ko thể ăn được, nhưng cuối cùng, chúng lại được bán với giá cao ngất ngưởng 38.000 NDT/quả (~133 triệu VND).
Được biết, đây là quả “Hóa Trần Bì”, hay còn được gọi là “bưởi Hóa Châu”. Tuy thuộc họ bưởi nhưng loại quả này lại có nhiều điểm khác biệt. Khi bổ ra, phần thịt quả bên trong rất ít và có màu nâu. Vỏ ngoài dày từ 2-3 cm, hương thơm dịu nhẹ, tinh khiết giống hương bưởi.
Quả “Hóa Trần Bì”, hay còn gọi là bưởi Hóa Châu.
Bưởi Hóa Châu chưa từng được cải tiến về giống nên luôn giữ được hương vị nguyên thủy. Khi chín, quả có vị rất đắng nên ko thể ăn được, nhưng điều này ko hề ảnh hưởng tới mức giá. Do có giá trị y dược cao nên nhiều người coi bưởi Hóa Châu như báu vật, đem về thu nhập hàng tỷ NDT mỗi năm cho quê hương Hóa Châu.
Loại quả này rất giàu chất flavonoids và tinh dầu dễ bay hơi, là một nguyên liệu thuốc đắt tiền, có công dụng tán hàn, lợi khí tiêu bệnh, trị ho, tăng cường tiêu hóa.
Càng để lâu, loại quả này càng có giá trị cao.
Về mặt sản xuất, bưởi Hóa Châu thường được trồng trên sườn núi, sau 3 năm bắt đầu ra quả, sau 5-6 năm bắt đầu bước vào giai đoạn cho năng suất cao. Mỗi mẫu đất thường cho thu hoạch 2.500 – 3.000 kg.
Do vỏ quả dày và khá cứng, khí hậu ở nơi sản xuất lại nhiều mưa nên rất khó để phơi khô quả. Hầu hết các quả đều được sấy khô bằng máy. Sau khi sấy, quả sẽ được phân loại theo chất lượng. Người ta thường tích trữ quả từ 3-5 năm rồi mới bán.
Do đặc tính “càng để lâu hiệu quả càng cao” nên giá một quả bưởi Hóa Châu sẽ được đẩy lên rất nhiều. Đợt quả được bán với giá 38.000 NDT kể trên đã được cất giữ trong suốt 50 năm.