Không hẹn mà gặp, các sự kiện văn hóa ghi dấu ấn, bản sắc Việt Nam với bạn bè Quốc tế dạo gần đây đều khai thác các giá trị truyền thống, tưởng đã "lỗi thời xưa cũ".
Chất liệu xưa hút hồn du khách
Những ngày cuối thu này, người dân đi qua tuyến phố Phùng Hưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) không khỏi trầm trồ với những bức tranh bích họa tái hiện ký ức đẹp về một Hà Nội xưa. Hình ảnh những chiếc xích lô, gánh hàng rong, bình cúc họa mi, chiếc nón lá qua nét vẽ mộc mạc, đơn sơ nhưng đẹp lạ kì.
Đây là những tác phẩm nằm trong dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng”, được xây dựng dựa trên dự án "Đưa nghệ thuật vào không gian sống" do các tổ chức Quốc tế phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm triển khai.
Đi quá lên vài tuyến phố, ghé vào sân Văn Miếu, du khách lại như lạc vào một khung cảnh lễ hội đậm chất Việt Nam.
Trong không gian cổ kính, trầm mặc của địa danh nổi tiếng Thủ đô, hơn 200 bức ảnh độc đáo với nội dung mô tả tích trò xưa, với bảng màu dân gian hiện lên lộng lẫy và sống động.
Các tác phẩm thuộc triển lãm ảnh Thu Vọng Nguyệt do chuỗi nhà hàng Quán Ăn Ngon lên ý tưởng và tổ chức tái hiện gần như nguyên vẹn sự kiện văn hóa cùng tên mà thương hiệu này mang đến dịp Trung thu.
Du khách Quốc tế có dịp được sống trong khung cảnh náo nhiệt, đậm hồn cốt Việt Nam với âm nhạc truyền thống được cách tân.
Họ say mê nhìn ngắm và hỏi han về những bức ảnh chụp lại khoảnh khắc ánh mắt trẻ thơ trong veo cùng tiếng cười rộn rã khi được cho mặt nạ giấy bồi, nghịch ngợm nặn tò he, tham gia các trò chơi dân gian như rước đèn ông sao, đèn kéo quân, ô ăn quan, nu na nu nống...
Gian nan làm văn hóa
Đầu tháng 11/2017, trên sân khấu Asia’s Got Talent, nhóm nhảy 218 đã tạo hình áo dài, nón lá, bộ quần áo bà ba, người lái đò một cách đầy mới mẻ qua điệu nhảy Hiphop rộn rã với ánh đèn Led độc đáo trên giai điệu Trống cơm được hòa âm phối khí trẻ trung, hiện đại.
Tiết mục nhảy bằng đèn Led của nhóm 218
Công sức bao nhiêu tháng trời miệt mài tập luyện của 218 gây ấn tượng bùng nổ đến mức tiết mục mang về hàng chục triệu lượt xem trong cuộc thi tầm cỡ khu vực được chiếu trên kênh quốc tế AXN và được đánh giá là "vô cùng Việt Nam, vô cùng đặc biệt".
Cùng một công thức khai thác khéo léo chất liệu văn hóa truyền thống giân dan như vậy, để mang tới một không gian tuổi thơ tạo ký ức đẹp cho nhiều thế hệ ở sự kiện văn hóa Thu Vọng Nguyệt và triển lãm ảnh Thu Vọng Nguyệt, êkip Quán Ăn Ngon đã phải chắt chiu kinh nghiệm trong suốt 12 năm cần mẫn quảng bá văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế.
Từ một địa chỉ đầu tiên ở thủ đô tại địa chỉ 18 Phan Bội Châu, Hoàn Kiếm, đến năm 2005, Quán Ăn Ngon đã có thêm 3 địa chỉ mới tại 25T2 Trung Hòa Nhân Chính, 34 Phan Đình Phùng và B2-R6 Vincom Royal City phục vụ hàng vạn khách mỗi ngày. Đồng nghĩa với việc thương hiệu này đã âm thầm quảng bá văn hóa Việt tới hàng chục triệu khách du lịch mỗi năm.
Cũng như các chất liệu được sử dụng trong điệu nhảy Trống Cơm của nhóm 218, dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng”, hay sự kiện văn hóa Thu Vọng Nguyệt, những hình ảnh dường như chỉ còn lại trong ký ức người Hà Nội gốc hay trong sách vở, hội họa được Quán Ăn Ngon khai thác tạo ra sức hấp dẫn riêng, không lẫn lộn cho du khách.
Đó là những minh chứng đẹp đẽ và sống động cho câu chuyện “đóng gói” văn hóa Việt để tạo sức mạnh mềm, tạo thành điểm sáng trong việc khai thác chất liệu truyền thống của văn hóa dân tộc để tạo ra những trải nghiệm tươi mới, mang hơi thở thời đại thu hút bạn bè Quốc tế.
Mô hình hay cần nhân rộng
Giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống trong thời buổi “văn hóa ngoại lai” tràn ngập luôn đặt ra rất nhiều thách thức cho không chỉ những người làm văn hoá hay du lịch. Nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… từ lâu đã làm rất tốt điều này, từ đó tạo bệ đỡ, sức bật cho đời sống tinh thần và phát triển kinh tế.
Xem clip Thu Vọng Nguyệt tại đây
Trong khi đó ở Việt Nam, nhiều lễ hội truyền thống, sự kiện văn hóa thường xuyên diễn ra trên khắp cả nước, nhất là vào dịp lễ, tết, tiêu tốn không ít kinh phí, nhưng lượng khách tham dự, mức độ ảnh hưởng và sự lan tỏa ngay chỉ trong nước cũng còn hạn chế. Hệ quả là nhiều chương trình gắn với ý nghĩa tôn vinh văn hóa dân tộc đành chịu cảnh ngậm ngùi vì chưa “chạm” đến nhu cầu, cảm xúc của số đông.
Thành công đến từ những sản phẩm văn hóa như Trống Cơm của nhóm 218, dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” hay sự kiện văn hóa - triển lãm ảnh Thu Vọng Nguyệt của Quán Ăn Ngon đang mở ra trào lưu dùng các chất liệu kiểu “ta về ta tắm ao ta”. Như vậy công thức mài rũa, chế tác những viên ngọc quý mà cha ông trao truyền để biến thành sản phẩm - tác phẩm mới mang dấu ấn thời đại chắc chắn là một mô hình đáng được học hỏi và nhân rộng.