Sơ hở là "chữa lành"

An Chi - Ngày 16/04/2024 00:14 AM (GMT+7)

Từ "chữa lành" được sử dụng tràn lan đang dần trở nên biến tướng với những mặt tối. Theo chuyên gia, từ này đang bị lạm dụng, nhiều đến mức mất dần đi ý nghĩa ban đầu và dẫn đến không ít hệ lụy tiêu cực.

- Đi chữa lành không?

- Thôi xin nghỉ một thời gian đi chữa lành đi.

- Cuối tuần đi biển chữa lành không, cả tuần nay áp lực đủ thứ, mệt quá.

- Tôi cần được chữa lành, chịu hết nổi với đống deadline.

"Chữa lành" đang là cụm từ "hot hit" được giới trẻ ưa chuộng trong thời gian gần đây. Nó xuất hiện với tần suất dày đặc trên mạng xã hội, thậm chí trong đời sống thường ngày.

"Nô lệ" của châm ngôn "chữa lành"

Song song với sự phát triển của xã hội, con người cũng ngày ngày phải đối mặt với những áp lực vô hình, từ sự nghiệp, tình cảm, gia đình đến nỗi lo cơm áo gạo tiền. Dần dà, nó đè nặng lên vai và khiến người ta dễ rơi vào vũng lầy. Nếu không biết cách điều tiết, cân bằng, sức khỏe tinh thần của họ dễ bị giảm sút, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Khi sự tiêu cực dần "xâm chiếm" tâm trí, con người dễ cảm thấy bất lực, bế tắc hoặc muốn buông xuôi. Lúc này, nhiều người cố tìm cách thoát khỏi vòng quay tất bật, mong muốn tìm một "điểm tựa" về tinh thần. Từ đó, họ tìm đến những cách khác nhau để "chữa lành".

Hiểu đơn giản, "chữa lành" là từ chỉ các biện pháp phục hồi về mặt tinh thần, giúp cải thiện về tâm hồn lẫn thể chất theo hướng tích cực bằng nhiều cách khác nhau. Người ta có thể "chữa lành" bằng một buổi gặp mặt cà phê với bạn bè, đi ăn với gia đình, đi shopping... Hoặc cũng có người chọn đi du lịch, hay sẵn sàng bỏ lại cuộc sống thành thị để về quê "nuôi cá và trồng thêm rau".

Bên cạnh đó, cũng có những cá nhân chọn tìm đến các khóa học chữa lành. Họ sẵn sàng chi số tiền lớn để đổi lại sự hồi phục về cảm xúc, tinh thần. Mức độ chi tiền, thời gian và công sức bỏ ra cho mỗi phương pháp chữa lành cho thấy sự nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần của họ. Mặt khác, nó cũng thể hiện mức độ phụ thuộc, liên quan mật thiết đến "nhu cầu chữa lành" của giới trẻ hiện nay.

Mỗi người đều có cách riêng để sống vui, sống khoẻ và vượt qua vấn đề tâm lý. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chỉ ra rằng không ít người đang hiểu sai về bản chất của sự "chữa lành". Họ trở nên lệ thuộc, sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ khiến khái niệm này dần biến tướng.

Muôn kiểu chữa lành được sinh ra do nhu cầu của xã hội hiện tại.

Muôn kiểu "chữa lành" được sinh ra do nhu cầu của xã hội hiện tại.

Lạm dụng và "chữa lành" tràn lan

Thực tế, nhiều người vẫn chưa biết cách chọn đúng phương pháp chữa lành. Họ sẵn sàng chi tiền cho những hoạt động vô bổ và tin rằng nó sẽ giúp ích cho việc hồi phục cảm xúc. Từ đó, những hệ luỵ khôn lường xảy đến, khiến họ rơi vào tình trạng "chữa lợn lành thành lợn què".

Chia sẻ với Eva.vn về vấn đề này, Tiến sĩ Tâm lý Giang Thiên Vũ - Giảng viên Khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho biết: "Hiện nay, chúng ta đang sử dụng từ chữa lành nhiều đến mức lạm dụng. Vậy nên nó đã mất đi ý nghĩa ban đầu - là một hình thức cân bằng đời sống tâm hồn. Có người thậm chí còn lợi dụng các khóa chữa lành để khuấy động tâm hồn và kinh doanh dựa trên nỗi đau của người khác".

Tiến sĩ Giang Tiến Vũ chia sẻ thêm rằng việc lạm dụng từ "chữa lành" trong bối cảnh hiện nay khá nguy hiểm. Vì nó dễ dẫn đến hiện tượng lệ thuộc vào các dịch vụ này.

Tiến sĩ bày tỏ, có những người đi chữa lành nhưng lại quên mất điều quan trọng nhất, điều mà các khóa học chữa lành không bao giờ dạy. Đó là chân lý: "Bản thân bạn chính là người chữa lành tốt nhất cho vấn đề của mình".

Dẫu vậy, vẫn có người sẵn sàng đặt niềm tin vào những "lời ong bướm", mạnh tay chi tiền mua các khóa học hay chuyến đi "chữa lành" tốn kém dù chưa xác định được vấn đề cốt lõi mình mắc phải là gì. Ngoài việc chi tiêu vô bổ, tâm lý lạm dụng "chữa lành" còn khiến con người trở nên thiếu kiên nhẫn, thiếu trách nhiệm với công việc mà mình đang làm.

"Sơ hở là cần được chữa lành", một bộ phận người trẻ ngày nay dần trở nên mong manh, yếu đuối. Họ không chịu được áp lực quá lớn, gặp phải vấn đề hơi "khó nhằn" liền muốn được giải thoát, hoặc trốn tránh trách nhiệm sau lớp vỏ bọc của từ "healing".

Với hiện trạng này, Tiến sĩ Giang Thiên Vũ khẳng định sự lệ thuộc và lạm dụng "chữa lành" hoàn toàn có thể khiến người ta đánh mất bản lĩnh.

"Bản chất của sự dựa dẫm là phụ thuộc, mà phụ thuộc ở đây là phụ thuộc về cảm xúc - sự phụ thuộc rất nguy hiểm cho nhiều bạn trẻ. Bởi nó dễ dàng khiến ta bị chi phối và ảnh hưởng. Thậm chí, nó khiến người ta bị thao túng bởi người khác, dẫn đến sự khủng hoảng tâm lý trong các bối cảnh khác nhau", Tiến sĩ chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ ngày nay lạm dụng và hiểu sai vấn đề cốt lõi của việc chữa lành, từ đó dẫn đến tâm lý phụ thuộc, khiến bản thân trở nên yếu đuối, mong manh.

Nhiều bạn trẻ ngày nay lạm dụng và hiểu sai vấn đề cốt lõi của việc chữa lành, từ đó dẫn đến tâm lý phụ thuộc, khiến bản thân trở nên yếu đuối, mong manh. 

Khi nào thực sự cần "chữa lành"?

Bản chất của "chữa lành" không hề xấu, nó là nhu cầu chính đáng của con người, vốn mang ý nghĩa tích cực. Tuy nhiên, trong khi một bộ phận chưa thực sự hiểu đúng ý nghĩa; số khác đã cố tình đánh tráo khái niệm nhằm trốn tránh trách nhiệm, ngụy biện cho sự lười biếng, ham chơi, khiến từ "chữa lành" bị sử dụng sai bản chất.

Dưới góc nhìn của chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Giang Thiên Vũ đưa ra những định hướng về phương pháp chữa lành đúng. Trước hết, ta nên bắt đầu việc chữa trị bằng câu hỏi về tình trạng tâm lý của bản thân: "Khi nào ta cần đi tham vấn, trị liệu tâm lý?".

Tiến sĩ chia sẻ thêm: "Thời điểm cần đến việc trị liệu tâm lý là khi ta cảm thấy khó đương đầu với những áp lực, biến cố cuộc sống với những nguồn lực hiện có. Khi đó, ta cần đến sự lắng nghe và nâng đỡ cảm xúc từ nhà chuyên môn để có những góc nhìn mới hơn về vấn đề gặp phải. Hoặc khi ta tự đánh giá rằng bản thân bị mất kết nối cảm xúc với các mối quan hệ xã hội, lúc đó ta sẽ cần sự hỗ trợ từ nhà chuyên môn".

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Giang Thiên Vũ cũng đưa ra lời khuyên cho những người đang sử dụng từ "chữa lành" một cách tràn lan, thiếu kiểm soát. Theo Tiến sĩ, cách "chữa lành" tốt nhất chính là tự khám phá, hoàn thiện bản thân qua các trải nghiệm khác nhau của cuộc sống.

Chuyên gia nêu rõ quan điểm: "Khi dùng từ chữa lành, ta cần hiểu rõ và ý thức tốt hơn về bản chất của nó chứ không phải lạm dụng để vì mục đích cá nhân. Suy cho cùng, cuộc sống tốt hay không tốt nằm ở sự lựa chọn cả chúng ta".

Mỗi người trong chúng ta nên biết chọn phương pháp chữa lành phù hợp nhất với bản thân.

Mỗi người trong chúng ta nên biết chọn phương pháp chữa lành phù hợp nhất với bản thân.

Trong cuộc sống hiện tại, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần là điều cần thiết và đáng được lưu tâm. Mỗi người đều có nhu cầu được vỗ về cảm xúc, nhất là khi đối mặt với quá nhiều áp lực. Tuy nhiên, nếu cứ "sơ hở là chữa lành" sẽ khiến con người ta sinh ra tâm lý ỷ lại cùng sức chịu đựng kém. Mặt khác, nó cũng khiến nhiều người sống thiếu trách nhiệm với chính cuộc đời của mình và các mối quan hệ xung quanh.

Thiết nghĩ, giới trẻ ngày nay nên tỉnh táo và bớt sử dụng "chữa lành" như câu cửa miệng, khiến nó bị phản tác dụng khi trở thành lời nguỵ biện, thậm chí thói quen xấu. Thay vào đó, hãy rèn giũa bản lĩnh bằng việc dám đương đầu và tìm cách vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Làm người khác tổn thương liệu có khiến bản thân cảm thấy vui hơn?
"Bạo lực mạng" không phải vấn nạn mới trong xã hội, nhưng nó luôn tồn tại và "được làm mới" qua mỗi sự kiện khác nhau. Dưới góc nhìn của chuyên gia xã...

Chạm

Theo An Chi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

"Anh có biết điều em tự hào nhất ở bản thân mình là gì không? Chính là tất thảy những vết sẹo mà em đang mang. Chúng là lỗi lầm, là ngây...

Những ngày tháng sống trong hôn nhân, nhiều cô gái tỏ ra mình hạnh phúc và may mắn. Nhưng cũng không ít người tự nhủ: "Biết thế đã không vội...

Tin bài cùng chủ đề Chạm