Chàng trai 9X Trịnh Hoài Nam bỏ việc thành phố, về quê lập nghiệp với nghề săn ong rừng

Ngày 28/07/2021 18:00 PM (GMT+7)

Trịnh Hoài Nam cùng kênh youtube và tiktok “Bước chân vùng cao” là cái tên không mấy xa lạ với những ai yêu thích tìm hiểu và mong muốn trải nghiệm thiên nhiên, cuộc sống của con người miền núi.

Đang làm việc văn phòng tại một tập đoàn viễn thông lớn cùng mức lương hậu hĩnh, thế nhưng anh Nam đã quyết định từ bỏ để về quê để theo đuổi niềm đam mê khám phá những cánh rừng cùng công việc săn mật ong.

“Mình đi làm ở thành phố cũng có thu nhập ổn định, nhưng công việc khá máy móc, rập khuôn khiến mình chán ngán. Trong khi mình lại là người yêu thích tự do, sáng tạo và từ nhỏ đã có niềm đam mê mãnh liệt với việc khám phá nơi rừng sâu núi thẳm. Vì vậy sau một thời gian đắn đo, mình quyết định về nhà để đi rừng. May mắn là gia đình rất tin tưởng vào quyết định mình, luôn bên cạnh động viên và giúp đỡ”, nam thanh niên 29 tuổi chia sẻ về lý do trở về quê nhà Phú Thọ.

Theo anh Nam, nghề săn ong khổ nhất là quá trình tìm được tổ của chúng, người săn phải leo rừng, lội suối, chui vào bụi rậm, len lỏi vào từng ngách rừng, dõi mắt lên từng tàng cây mới có thể tìm được “lộc rừng”. Hành trang mỗi chuyến đi rừng của anh không nhiều, tất cả được gói gọn trong một chiếc balo bao gồm dao, bật lửa, quần áo, túi nilon đựng mật, đồ bảo hộ và gạo, đồ ăn khô. Với những chuyến đi xa vài ngày ở những huyện vùng cao hay các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Lai Châu… anh còn phải mang theo bạt để căng lều ngủ trong rừng.

Những người săn ong phải dõi mắt lên từng tàng cây để tìm “lộc rừng”

Những người săn ong phải dõi mắt lên từng tàng cây để tìm “lộc rừng”

Để biết khu vực nào có ong làm tổ, người săn mật phải có kinh nghiệm tìm con ong thợ. Cách làm của anh Nam thường là làm một cái bẫy ở trên bông hoa, ong xuống lấy phấn sẽ bị nhốt trong đó, sau khi bắt được thợ ong thì buộc một tấm nilon mỏng đủ để ong bay được và lần theo hướng để đoán định tổ ong nằm đâu.

Đến khi lấy tổ thì không nên tận diệt. Người thợ sẽ mặc đồ bảo hộ, trùm kín mít tránh bị đốt rồi trèo lên cây tiếp cận tổ ong, sau đó sẽ thổi khói để đuổi ong đi hoặc dùng tay để gạt ong trưởng thành, rồi cắt lấy một phần tổ để bầy ong tiếp tục xây lại tổ mới trên phần còn lại, cách khai thác như thế vừa lợi cho thợ săn ong, vừa bảo vệ được giống loài hữu ích này.

Săn mật ong rừng là một kỳ công

Săn mật ong rừng là một kỳ công

Những ngày may mắn, anh Nam kiếm được tổ ong to, mỗi chuyến đi có thể thu được từ 10 - 30 lít mật, nhưng cũng có lúc phải về tay không vì đi không đúng luồng, đi phải những nơi đoàn khác vừa đi qua nên cả tuần cũng chỉ được 1-2 lít.

Chia sẻ về những những khó khăn, nguy hiểm trong quá trình đi rừng, anh Nam cho biết: “Mình nhớ có lần sau khi lấy mật xong, do địa hình hiểm trở nên trên đường trở về mình đã gặp tai nạn, may mắn không nguy hiểm đến tính mạng. Rồi có lúc bị ong rượt mà không dám chạy vì một bên là cách núi, một bên là vực sâu, chỉ cần sơ suất nhỏ là mình không còn đứng đây rồi. Còn có lần khi đã vào rừng già lại gặp mưa lũ và bị cô lập, hết thức ăn, phải đánh cá suối, cua đá và tìm sắn, cây chuối hay rễ cây để ăn cầm cự qua ngày”

Nghề lấy mật và bắt ong rừng đòi hỏi người thợ phải liều lĩnh, mạo hiểm

Nghề lấy mật và bắt ong rừng đòi hỏi người thợ phải liều lĩnh, mạo hiểm

Thế nhưng, các vất vả kia cũng không sao ngăn được bước chân của người thợ săn ong Trịnh Hoài Nam, bởi công việc này không chỉ mang lại cho anh nguồn thu nhập, mà còn là những trải nghiệm thú vị, vừa rèn luyện thể lực vừa được hòa mình với thiên nhiên mà ít có công việc nào có được.

Mỗi tháng bằng nghề săn ong rừng, anh Nam có thể kiếm được tiền thỏa đam mê và trang trải cuộc sống do mình lựa chọn. Không những thế, trong mỗi chuyến đi vào rừng lấy mật, anh còn thường xuyên quay lại những video về hành trình khám phá thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống của người miền núi rồi đăng tải lên kênh youtube và tiktok “Bước chân vùng cao” của mình, thu hút nhiều lượt người xem.

Nguồn: [Tên nguồn].