Bị nhà tuyển dụng từ chối vì lý do quá giỏi nghe qua cứ ngỡ một trò đùa nhưng lại là điều có thật trong quá trình tìm việc. Điều bạn tin là thế mạnh bỗng chốc trở thành rào cản. Điều mang đến cho bạn sự tự tin lại khiến bạn nhận về lời từ chối.
Trong khoảnh khắc này, bạn có thể cảm thấy hụt hẫng và mất tinh thần. Thế nhưng, khi bạn hiểu được lý do sâu xa đằng sau lời từ chối đó, có lẽ bạn sẽ không còn thất vọng và có thể tìm ra cách xử trí phù hợp cho cả hiện tại lẫn tương lai.
Hiểu được lý do phía sau lời từ chối
Trong một buổi phỏng vấn tuyển dụng việc làm, câu nói “Bạn quá giỏi” có thể không phải chỉ là lời khen ngợi hay tán thưởng mà đó còn là nỗi lo của nhà tuyển dụng về việc bạn có thể không phù hợp với công ty của họ. Có thể họ nhìn nhận bạn là một viên ngọc quý nhưng lại lo lắng viên ngọc ấy sẽ chẳng chịu nằm yên trong chiếc hộp nhỏ mà họ chuẩn bị.
Bạn “quá giỏi” để gắn bó lâu dài: Nhà tuyển dụng lo rằng với những kỹ năng và kinh nghiệm mà mình có, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy nhàm chán và tìm kiếm cơ hội tốt hơn.
Bạn đòi hỏi mức lương vượt quá khả năng chi trả của công ty: Ngay cả khi bạn chưa đề cập đến mức lương mong muốn, nhà tuyển dụng vẫn có quyền suy đoán với năng lực hiện tại, con số bạn yêu cầu sẽ cao hơn nhiều so với ngân sách của họ.
Không có cơ hội cho bạn phát triển: Với những ứng viên đã đạt đến một tầm cao nhất định, nhà tuyển dụng có thể lo ngại rằng họ không đủ không gian hay điều kiện để bạn phát triển hơn nữa, khiến bạn quyết định rời bỏ để tìm kiếm một môi trường nhiều thử thách và nhiều cơ hội hơn.
Sợ bạn “lấn lướt” quản lý trực tiếp: Đây là một nỗi lo ít ai nhắc đến nhưng có thể người quản lý hiện tại cảm thấy không thoải mái khi phải làm việc với một người có năng lực vượt trội hơn họ.
Luôn tin tưởng vào giá trị bản thân và hiểu rõ mục tiêu của chính mình
Lời từ chối được đưa ra khi bản thân đã có sự thể hiện xuất sắc có thể khiến bạn mất tinh thần. Nhưng đừng quên rằng, kết quả của một buổi phỏng vấn không chứng minh năng lực của bạn. Bên cạnh năng lực, sự phù hợp là một trong những yếu tố quyết định đôi bên có thể đồng hành cùng nhau dài lâu hay không. Thay vì tự trách mình hay trách móc nhà tuyển dụng, hãy nhìn nhận tình huống này bằng một tinh thần tích cực.
Bạn không sai khi bị nhà tuyển dụng từ chối vì quá giỏi. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã đạt đến một tầm cao nhất định và vị trí bạn đang ứng tuyển không mấy tương xứng với bản thân bạn. Hãy xem xét công việc hiện tại có thật sự phù hợp với mục tiêu dài hạn và trình độ của bạn hay không, cân nhắc xem bạn có đang đặt bản thân đúng vị trí mà bạn nên thuộc về hay không. Nếu không, cho dù nhà tuyển dụng không từ chối bạn, tin rằng bạn cũng sẽ chủ động từ chối họ.
Điều chỉnh cách thể hiện bản thân trong quá trình phỏng vấn
Nếu bạn thực sự muốn tìm kiếm cơ hội tại công ty đó, hãy điều chỉnh cách bạn thể hiện bản thân và truyền tải các thông điệp của mình. Bạn đang sở hữu một bức tranh đẹp và việc tiếp theo bạn cần làm là đặt nó trong một khung hình phù hợp.
Hạn chế nhấn mạnh vào thành tựu: Thay vì liên tục khẳng định bạn tài giỏi như thế nào, hãy chuyển trọng tâm sang việc bạn có thể đóng góp những gì cho công ty. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn không chỉ là một viên kim cương sáng giá mà còn có khả năng dung hòa với tập thể và đóng góp vào thành tựu chung.
Nhấn mạnh sự hài lòng với vị trí và công ty ứng tuyển: Bạn cần thể hiện với nhà tuyển dụng rằng, vị trí này có thể không nhiều thử thách và cơ hội như những công việc bạn đã làm trước đây nhưng nó hoàn toàn phù hợp với lộ trình sự nghiệp của bạn và việc bạn ứng tuyển là quyết định được đưa ra sau quá trình cân nhắc nghiêm túc, hoàn toàn không phải kết quả của sự bốc đồng.
Cam kết gắn bó lâu dài: Hãy chia sẻ với nhà tuyển dụng rằng bạn đang tìm kiếm một công việc ổn định và một công ty để gắn bó lâu dài. Điều này giúp nhà tuyển dụng thấy rằng bạn không phải là người sẽ nhanh chóng rời bỏ công việc mà thực sự có mong muốn đồng hành và phát triển cùng công ty.
Lên chiến lược cho hành trình tìm việc tiếp theo
Sau khi đã hiểu rõ lý do khiến bản thân thất bại, bạn nên cân nhắc thay đổi chiến lược tìm việc để tránh rơi vào những tình huống tương tự.
Tìm kiếm những công việc phù hợp với “tầm cao” của bản thân: Đừng ngại tìm kiếm những vị trí cao hơn và những công ty có quy mô/vị thế lớn hơn - nơi có thể đánh giá đúng giá trị của bạn và dành cho bạn những quyền lợi tương xứng.
Lựa chọn môi trường làm việc có thể phát triển lâu dài: Tìm những công ty có văn hóa làm việc cởi mở, nơi sẵn sàng tiếp nhận những người có kinh nghiệm và kỹ năng vượt trội. Những môi trường này thường sẽ có lộ trình thăng tiến và phát triển rõ ràng hơn, giúp bạn có thể tối đa tiềm năng của bản thân.
Xem xét con đường làm việc tự do hoặc khởi nghiệp: Nếu bạn cảm thấy các công việc truyền thống không còn phù hợp với bản thân, có lẽ đã đến lúc bạn nghiêm túc cân nhắc về việc trở thành freelancer chuyên nghiệp hoặc tự tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình. Với kinh nghiệm và những kỹ năng đã tích lũy được, bạn có thể tự mình tạo ra những giá trị riêng, xây dựng con đường sự nghiệp riêng mà không cần phụ thuộc vào các hệ thống tuyển dụng truyền thống.
Không ngừng học hỏi và phát triển bản thân: Dù bạn có đạt đến tầm cao nào, vẫn luôn có không gian để bạn tiếp tục phát triển. Đừng để lời từ chối khiến bạn dừng lại, hãy coi đó là động lực để bạn hoàn thiện bản thân hơn nữa.
Bị nhà tuyển dụng từ chối không phải dấu chấm hết mà là bước tiến để bạn khám phá con đường sự nghiệp đúng đắn và phù hợp nhất với bản thân. Điều bạn cần làm là điều chỉnh cách tiếp cận của mình, tìm kiếm những cơ hội phù hợp hơn và tiếp tục tiến về phía trước để chinh phục những tầm cao mới.