Chùa Hương khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch, là điểm đến không thể thiếu của người dân vào đầu năm.
Bầu trời cảnh bụt
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
Kìa non non, nước nước, mây mây
"Đệ nhất động" hỏi rằng đây có phải!
Chùa Hương từ lâu đã đi vào thơ ca, tiềm thức của người dân vùng đồng bằng bắc bộ như một nơi để vãn cảnh, lễ phật không thể không đặt chân đến hàng năm. Theo truyền thuyết kể lại, nơi đây là nơi Phật Bà đã ngồi tu hành và thành đạo nên được người người ghé thăm mỗi dịp xuân về. Chùa Hương khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Điều đặc biệt khi đi lễ chùa Hương là để vào được đến nơi thờ Phật chính, bạn sẽ được trải qua một hành trình dài đầy thú vị và nên thơ.
Hành trình đẹp ngây ngất đến nơi thờ Phật
Chùa Hương là tên gọi chung của một quần thể đền chùa trải dài từ chân đến đỉnh núi Hương Tích. Khi đến chùa Hương, bạn sẽ xuống đò tại bến Đục để bắt đầu hành trình. Điểm dừng chân đầu tiên sẽ là đền Trình. Đây là nơi thờ các vị quan canh giữ rừng núi, giữ chùa, ai đến đây lễ chùa đều phải vào đây trình diện trước.
Sau khi dâng lễ ở đền Trình, bạn sẽ lại xuống đò xuôi dòng suối Yến, ngắm cảnh đẹp hai bên suối trước khi vào đến chùa trong. Hai bên suối có những núi đá với hình thù và tên gọi ngộ nghĩnh như: núi Voi Phục, núi Mâm Xôi…
Sau khoảng 1 tiếng đi đò, bạn sẽ đến bến Trò, cũng là điểm kết thúc của hành trình trên suối Yến, bắt đầu hành trình trên bộ. Chỉ mất khoảng 10 phút đi bộ, bạn sẽ gặp chùa Ngoài, tên chữ là Thiên Trù. Đây là một công trình cổ, dáng dấp độc đáo. Tam quan chùa được cất trên ba khoảng sân rộng lát gạch. Sân thứ ba dựng tháp chuông với ba tầng mái.
Dâng lễ và tham quan chùa Thiên Trù xong, bạn sẽ men theo con đường bên phải chùa để tiếp tục leo lên chùa chính. Có hai cách đi, nếu bạn muốn đến nhanh có thể đi bằng cáp treo, còn nếu đủ sức khỏe và muốn ngắm cảnh núi non, cây cối, suối nước dọc đường đi thì bạn hãy đi bộ, leo các bậc đá để đến động Hương Tích, hành trình này sẽ mất khoảng 1h30’.
Chùa Chính, hay còn gọi là chùa Trong không phải là một công trình nhân tạo mà là một động đá thiên nhiên khổng lồ, được đặt các tượng Phật và bài trí như trong chùa để thờ Phật. Đường vào động hơn 2.000 mét đường núi từ bến Trò (bến Suối) lên động Hương Tích không xa và cũng không cao là mấy, nhưng cũng đủ để thử người chưa biết .Vào được cửa Phật kể cũng không dễ dàng khi không có chân tâm vượt khó.
Tới động Hương Tích bạn chuẩn bị 1 mâm lễ nhỏ để dâng vào ban thờ chính phía trong cùng, sau đó đi thăm Núi Cô, Núi Cậu, Cây Vàng, Cây Bạc, đụn gạo, đụn tiền, bầu sữa mẹ…, là những nhũ đá được hình thành rất sống động và đặc sắc. Trên đường từ động Hương Tích trở ra, bạn có thể ghé thăm chùa Giải Oan, đền Cửa Vòng, chùa Tiên Sơn.
Lễ hội chùa Hương là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn… Vào những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm chiếc thuyền. Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi trên đò vãn cảnh như lạc vào non tiên cõi Phật. Ra Giêng ngày rộng tháng dài, lễ chùa Hương chính là một nét văn hóa đặc sắc của phật tử bốn phương và người đi lễ chùa trong những ngày đầu năm mới.