Với diện tích hơn 1.500 km vuông, Bialowieza là rừng nguyên sinh cuối cùng còn sót lại ở vùng đất thấp châu Âu.
Trước khi có sự xuất hiện của con người, phần lớn vùng đông bắc Châu Âu được bao phủ bởi các khu rừng nguyên sinh kéo dài hàng ngàn cây số trên khắp vùng đồng bằng của châu lục này. Ngày nay, những khu rừng đã gần như hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại một vài cụm cây già cỗi lẻ loi ở những góc xa xôi nhất của dãy núi Karpat cùng các vùng núi khác. Rừng Białowieża, trải dài qua biên giới giữa hai quốc gia Ba Lan và Belarus, lại là một ngoại lệ.
Một chú bò rừng chơi trốn tìm trong khu rừng Białowieża
Với diện tích hơn 1.500 km vuông, Bialowieza là rừng nguyên sinh cuối cùng còn sót lại ở vùng đất thấp châu Âu. Khu rừng là nơi sinh trưởng của những cây vân sam, cây sồi và tần bì khổng lồ, cùng với hơn 20.000 loài thú khác nhau, bao gồm động vật trên cạn nặng nhất châu lục này: bò bison châu Âu, giống loài bị săn bắn đến gần như tuyệt chủng vào đầu thế kỷ 20.
Săn bắn ở rừng Bialowieza bắt đầu từ thế kỷ 14, khi người mà bây giờ là đức vua Ba Lan đã đưa ra quy định về giấy phép hạn chế săn bắn. Vào thế kỷ 15, khu rừng thường bị thợ săn xâm nhập, chính vua Ba Lan, Władysław Jagiełło, cũng tự mình đi săn ở đó. Ở giữa rừng, nhà vua xây dựng cho mình một trang viên để nghỉ ngơi săn bắn. Tòa nhà gỗ trong trang viên được sơn màu trắng, và nó đã trở thành tên gọi cho ngôi làng và khu rừng trong tương lai; Bialowieza trong tiếng Ba Lan có nghĩa là “Tháp Trắng”.
Khi khu rừng thuộc sở hữu của vua Sigismund Đệ Nhất, ông đã ra một nghị định cấm bất kỳ ai săn bắn trong rừng. Rừng Bialowieza hầu như không bị xâm phạm và không có người sinh sống cho đến cuối thế kỷ 17, khi một số làng nhỏ bắt đầu được hình thành để khai thác quặng sắt địa phương và sản xuất nhựa đường.
Sau thời kỳ Phân chia Ba Lan-Litva cuối thế kỷ 18, Hoàng đế Pavel I của Nga đã bãi bỏ mọi lệnh cấm, và Rừng Bialowieza một lần nữa rơi vào tay những người thợ săn. Chỉ trong vòng 15 năm, số lượng bò bison châu Âu đã sụt giảm từ 500 xuống còn dưới 200 con.
Những năm 1800 đã chứng kiến số phận của rừng Bialowieza liên tục thay đổi từ “vùng bảo tồn” sang “khu săn bắn” luân phiên với mỗi lần thay đổi quyền lực nối tiếp nhau của vị trí lãnh đạo nhà nước. Vào cuối thế kỷ 20, dưới sự kiểm soát của các Sa hoàng Nga, toàn bộ khu rừng đã trở thành khu săn bắn hoàng gia với việc săn giết tràn lan các loài động vật hoang dã. Hàng ngàn con hươu và heo rừng đã bị giết hại. Con bò rừng châu Âu hoang dã cuối cùng bị bắn chết vào năm 1921.
Sau khi chiến tranh Ba Lan-Xô Viết kết thúc vào năm 1921, các Nga hoàng bị lật đổ và Ba Lan giành lại quyền kiểm soát khu vực, rừng Bialowieza được tuyên bố là Khu bảo tồn Quốc gia. Khi đó, chỉ còn lại năm mươi tư con bò rừng trên thế giới và không còn con nào trong rừng Bialowieza. Năm 1929, chính phủ Ba Lan đã mua bốn con bò rừng từ các vườn thú khác nhau và thả chúng vào rừng. Chỉ trong vòng mười năm, số lượng bò rừng đã tăng lên thành 16 con.
Ngay khi mọi thứ dường như đã đi vào quỹ đạo, Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. Chống lại công cuộc càn quét của Hitler, rừng Bialowieza trở thành nơi tị nạn cho quân du kích của cả Ba Lan và Liên Xô. Nhiều cuộc xung đột vũ trang lẻ tẻ giữa phiến quân và quân đội Đức quốc xã đã diễn ra trong rừng. Đến nay, mộ phần của những người đã hy sinh vẫn còn có thể được nhìn thấy trong rừng.
Sau chiến tranh, rừng Bialowieza được chia ra thành hai phần, thuộc về Ba Lan và Liên Xô, được kiểm soát bởi Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Byelorussia. Bộ phận rừng nằm ở Liên Xô được đặt dưới sự quản lý của hành chính công, trong khi Ba Lan mở lại Vườn Quốc gia Bialowieza vào năm 1947.
Năm 1992, sau khi Liên Xô tan rã, cùng với sự hình thành của nước Cộng hoà Belarus, Khu bảo tồn đã được đưa vào Danh sách Di sản Thế giới và được cả hai nước phối hợp quản lý.