Synaptics, đối tác sản xuất của Samsung, vừa giới thiệu cảm biến vân tay quang học FS9100 có thể nằm dưới lớp kính bảo vệ màn hình mà không cần tích hợp dưới nút home như hiện nay.
Synaptics, đối tác sản xuất của Samsung, mới đây công bố một loại cảm biến của riêng hãng dành cho smartphone. Cảm biến này có thể sẽ được Samsung chọn dùng cho Galaxy S8 và các smartphone khác trong tương lai.
Một tin đồn về S8 mà chúng ta liên tiếp được nghe trong thời gian qua chính là việc máy sẽ loại bỏ nút home và dùng cảm biến quang để quét vân tay. Cảm biến vân tay quang học có thể nằm dưới lớp kính của màn hình smartphone, bởi vậy máy không cần tới phần viền để đặt vào như hiện nay. Bằng cách này, nhà sản xuất có thể tăng kích thước màn hình mà không phải tăng kích thước tổng thể của máy. Điều này cũng trùng khớp với nguồn tin mới đây của Bloomberg, cho biết Galaxy S8 sẽ có thiết kế toàn màn hình ở mặt trước (tương tự chiếc Mi Mix của Xiaomi).
Cảm biến quang học mà Synaptics mới công bố nghe rất giống với những gì Samsung đang cố gắng đạt được. Cảm biến vân tay của hãng có tên gọi Natural ID FS9100 và được thiết kế để có thể nằm dưới lớp kính bảo vệ smartphone, tablet. Nó có khả năng chống xước, chống nước và có 1 lớp bảo mật giúp phân biệt các ngón tay là thật hay giả - một điểm yếu của các thế hệ cảm biến quang trước đây. Cảm biến FS9100 cũng rất mỏng và chỉ tiêu tốn một ít năng lượng.
Liệu cảm biến của Synaptics có được dùng trên Galaxy S8 hay không sẽ còn phụ thuộc vào một yếu tố: thời gian. Theo công bố, FS9100 chỉ được đưa vào sản xuất hàng loạt vào quý II năm sau. Nếu Samsung trì hoãn ngày ra mắt Galaxy S8 (nhằm đảm bảo an toàn, tránh xảy ra thảm hoạ như Note 7), rất có thể máy sẽ dùng linh kiện của Synaptics.
Samsung không phải là hãng công nghệ duy nhất tìm cách loại bỏ nút home và thiết kế các thiết bị với ít viền màn hình hơn. Theo các tin đồn, Apple cũng rục rịch bỏ nút home trên các mẫu iPad mới ra mắt năm sau. Bởi vậy, cảm biến vân tay sẽ phải tìm một vị trí mới, chính là giải pháp đặt dưới kính giống Synaptics hoặc ở mặt sau của máy như cách một số hãng điện thoại Android đã làm trước đây.