Đã qua mấy ngày Tết, đến hôm nay đi làm, nghĩ lại vẫn còn sợ. Tối nằm ngủ vẫn ngửi thấy mùi thức ăn, mùi rượu nồng nặc của mấy ông chồng.
Từ ngày nghỉ Tết, đêm nào cũng như đêm nào, tôi ngủ chung với rượu, ăn chung với rượu. Mùi rượu ám ảnh cả vào trong giấc ngủ, đến hôm nay, nghĩ đến ngày được đi làm lại có cảm giác khoan khoái, dễ chịu, như được thoát kiếp gông cùm.
9 ngày nghỉ đã trôi qua, một cảm giác hãi hùng run sợ vẫn còn hiện hữu. Sáng mùng 1, dậy thật sớm để chuẩn bị một mâm cỗ cũng đầu năm. Vừa làm còn nơm nớp sợ con dậy, khóc, không ai trông. Cả nhà không ai bế được, có hôm, vừa bế con vừa đun nấu, mệt không từ nào tả nổi.
Nấu nướng xong còn bày biện, đợi khách tới ăn. Khách ăn thì thiếu thứ này, thứ kia, liên tục đứng dậy phục vụ. Ăn xong, việc dọn dẹp lại đến tay. Thân làm con dâu, không đến tay mình thì đến tay ai. Nói thật, có hôm không kịp ăn thì khách con lại khóc. Dỗ con xong, đưa con đi ngủ thì khách lại đến. Thế là, cả ngày mùng 1, cứ dọn dẹp, cứ cỗ bàn bát đĩa, bê ra bê vào đến cả chục lần.
Năm nào cũng vậy, tôi đều phải đối diện với cảnh tượng này. Tưởng có con thơ thì thoát nhưng con thơ vào còn bận hơn. Chồng thì mải rượu, mải bạn bè, một khắc cũng không bế con cho. Cảm giác ấy thật là tủi thân và khó chịu.
Ngày mùng 2 hóa vàng, nhà tôi, bố chồng lại là con trưởng nên họ hàng, cô bác về đông lắm, phải đến 5 mâm. (Ảnh minh họa)
Tôi chưa từng lười biếng, cũng không ngại việc nhưng việc cứ chồng chất lại dồn hết cho mình, thật sự không làm nổi. Một ngày mùng 1 trôi qua, mệt mỏi vô cùng.
Ngày mùng 2 hóa vàng, nhà tôi, bố chồng lại là con trưởng nên họ hàng, cô bác về đông lắm, phải đến 5 mâm. Nhìn thấy cỗ bạn mà tôi xanh hết mắt. Có hôm đứng nấu nướng lâu quá, chân tay run cầm cập. Lúc gắp thức ăn, gắp không nổi vì quá đói, run lẩy bẩy tay chân. Nghĩ mà sợ. Mà mường tượng ra, dọn đến 5 mâm cỗ, rửa bát nhợt cả tay, mệt hết chỗ nói. Năm nào cũng như năm nào, chẳng có sự thay đổi gì.
Đàn bà thì cắm mặt vào bếp, chỉ biết đến nấu nướng, dọn dẹp chưa kể là con cái. Còn đàn ông thì chỉ biết đến rượu và mâm cơm, chẳng biết vợ con có khỏe không, mấy ngày Tết bận gì.
Tôi, thân làm con dâu trong nhà, thật sự không thể nào chối việc. Nhưng nghĩ lại, có chối cũng không được, việc không đến tay mình thì đến tay ai. Năm nào cũng như năm nào, mệt hết chỗ nói. Con cái thì khóc, mẹ không được một miếng ngon.
Nghỉ Tết ư, đến mắt còn thâm quầng, đến nấu ăn mà còn không mở được hai con ngươi ra thì gọi gì là nghỉ Tết. Mỗi sáng, thức dậy, nghĩ đến cảnh lại xuống nhà nấu nướng mà phát sốt hết cả người. Ngày cuối tuần còn mơ ước ngủ nướng, ngày Tết, thật là một giấc mơ xa vời. Thế thì gọi gì là nghỉ Tết hả trời ơi?
Người ta gọi là chơi Tết, ăn Tết nhưng với tôi là làm Tết. Chẳng thấy ăn đâu, chơi đâu, chỉ thấy nấu nướng, dọn dẹp, đến ngủ cũng không được ngủ, nghỉ cũng không được nghỉ. Ra ngoài cũng không được ra ngoài, đến cái ngõ xóm còn không đi hết để chúc tụng nhau nói gì là chơi Tết.
Chỉ có cách, mỗi người mỗi việc, mỗi người một chân một tay, đừng bắt ai làm cả, cũng đừng bó buộc ai ở nhà suốt ngày. (Ảnh minh họa)
Chỉ nghĩ cảnh, mẹ con được bồng bế nhau ra ngoài, ngắm hoa đào, hoa mai, ngắm phố phường là thấy vui rồi. Nếu được như vậy thì xem ra còn có tí hứng thú với Tết. Nếu được ăn một miếng ngon đúng với nghĩa là ăn, con không khóc, không có khách vào giữa chừng thì chao ôi, đó mới thực sự là ăn Tết.
Tết là truyền thống, là ngày mà con cái sum vầy bên bố mẹ gia đình nhưng cứ thế này thì con cái cũng sợ lắm. Hay là, tìm một dịp nào đó để sum vầy, Tết thì cứ đi chơi, cứ nghỉ ngơi, cứ thong dong thôi…? Hay là, bớt cỗ bàn đi, bớt nhậu nhẹt đi, bớt rượu chè đi…? Có được không nhỉ? Nghe chẳng khả quan gì, chắc là vẫn phải chấp nhận cảnh ‘làm Tết’ thế này thôi.
Chỉ có cách, mỗi người mỗi việc, mỗi người một chân một tay, đừng bắt ai làm cả, cũng đừng bó buộc ai ở nhà suốt ngày. Mỗi người hưởng một chút rảnh rỗi của ngày Tết thì xem ra, mới có chút gọi là ăn Tết.