Lấy chồng cận Tết và nỗi sợ của nàng dâu

Ngày 07/02/2013 10:15 AM (GMT+7)

Ấy thế mà, nhân tính không bằng trời tính, chẳng hiểu bố mẹ chồng chị đi xem bói thế nào, chỉ sau một tuần ra khẩu lệnh, anh chị phải làm đám cưới vào cuối năm.

Mỗi nhà mỗi cảnh: Mỗi dịp cuối năm, trong khi ai cũng mong ngóng đến ngày nghỉ Tết, là dịp sum họp gia đình, thăm hỏi bạn bè, nghỉ ngơi sau cả năm trời miệt mài lao động thì không ít nàng dâu lại lo ngay ngáy, nhất là dâu mới. Nói chẳng ngoa, không ít người còn mất ăn mất ngủ trước ngày về nơi vừa quen, vừa lạ ăn Tết lần đầu tiên.

Mất ăn mất ngủ vì lo Tết


Đã về làm dâu ba năm nhưng mỗi khi năm hết Tết đến, chị Quyên ( Ba Đình, Hà Nội ) lại mang một “nỗi lo cũ”, ấy là về quê ăn Tết cùng bố mẹ chồng. Chồng chị quê ở Nam Định, vốn là con trai lớn trong nhà, lại mang danh cháu đích tôn nên việc lo Tết đối với hai vợ chồng chị càng nặng nề.

Chồng chị làm kế toán, thời điểm cuối năm bận tối mất, tối mũi nên mọi việc mua bán, sắm sửa đều do một tay chị đảm nhận.

Đều như vắt chanh, bắt đầu từ ngày 21.12 âm lịch, chị phải lục đục sắp xếp thời gian đi sắm sửa quà Tết. Nói thì có vẻ đơn giản nhưng việc sắm sửa ngốn không ít thời gian và tiền bạc của chị. Từ lễ lạt nhà thờ họ, quà biếu bố mẹ hai bên, quà biếu ông bà nội ngoại nhà chồng, quà biếu chú bác chồng, quà cho các cháu trong họ hàng…

Người ở nhà quê rất coi trọng lễ nghĩa, thế nên mọi thứ chị làm đều phải tính toán chỉn chu lắm, những người cùng vai vế, quà không được giá trị hơn, cũng không được kém, cháu nhà này có quà thì nhà kia cũng không thể bỏ qua. Dù rằng kinh tế cũng chẳng mấy dư dả, nhưng vợ chồng chị cũng mang danh là người Hà Nội, cả năm mới về quê vài bận, không nói đến chuyện lễ lạt, về phần quà cáp nếu không cho mỗi cháu trong họ hàng được một bộ quần áo mới, ít nhất cũng phải có hộp bánh, túi quà mới được xem là phải đạo.

Lấy chồng cận Tết và nỗi sợ của nàng dâu - 1
Người ở nhà quê rất coi trọng lễ nghĩa, thế nên mọi thứ chị làm đều phải tính toán chỉn chu lắm, những người cùng vai vế, quà không được giá trị hơn, cũng không được kém, cháu nhà này có quà thì nhà kia cũng không thể bỏ qua. (ảnh minh họa)

Chị Quyên nhẩm tính sơ sơ, một cái Tết chị mất đứt 50 triệu đồng cả tiền lễ lạt, quà cáp lẫn lì xì. Chồng làm nhân viên kế toán, chị cũng chỉ là giáo viên cấp 2, lương công nhân viên chức ba cọc ba đồng, có khi hai vợ chồng chị phải tiết kiệm cách đây một vài tháng để lấy tiền chi Tết.

“Lắm lúc cũng tiếc lắm. Cảnh sống đất thủ đô, cái gì cũng đắt đỏ, tiền lương săn siu lắm mới dư ra chút ít, thế mà, cứ Tết đến là bao nhiêu dành dụm, gom góp cả năm trời vơi đi một nửa. Thế nhưng, đã là cái lễ cái nghĩa thì không thể úi xùi cho qua được. Hơn nữa, có ai cần quan tâm đến bão giá hay lạm phát, rồi kinh tế suy thoái là gì đâu, không cư xử chỉn chu là bị mắng, bị nói xấu cả năm trời. Mà mắng hay nói xấu, nhà chồng chẳng nói con trai mình đâu, cứ nhè con dâu ra mà dè bỉu ấy chứ”, chị Quyên thở dài.

Chẳng phải chị Quyên tự nghĩ ra viễn cảnh đen tối này, mà bởi chị đã trải qua kinh nghiệm xương máu khi lần đầu tiên chân ướt chân ráo về làm dâu. Chị lấy chồng tháng 11, tức là cũng trong thời điểm cận Tết. Vì chưa có kinh nghiệm nên Tết năm ấy chị chuốc bao tiếng xấu, nào là kẹt sỉ, không biết trên biết dưới … chỉ vì chuyện quà cáp. Chưa hết, bố mẹ chồng là người kỹ tính nên chị cũng vấp phải không ít bận đỏ mặt vì bị “mở hàng” một trận mắng ngày mùng 1 Tết.

“Khách đến không vồ vập, chuyện trò thì bị chê là kiệm lời, lạnh nhạt. Nếu nói chuyện hỏi han nhiều thì lại bị mắng là khiến họ dông cả năm. Thật tình lúc ấy bỡ ngỡ, chẳng biết cư xử thế nào nên bị bố mẹ chồng mắng. Thế là đêm mùng 1 năm đầu tiên về làm dâu, mình ôm gối khóc rưng rức. Đến năm nay đã quen rồi nhưng nghĩ đến tết vẫn hoảng”, chị Quyên nửa cười nửa mếu kể.

Ước Tết chỉ có một ngày vì … sợ mẹ chồng

Đã đọc nhiều bài viết trên các diễn đàn mạng, lại nghe nhiều chị em kháo nhau về nỗi khổ mấy ngày Tết nên chị Chu Thị Tuyết (thành phố Bắc Giang) lo lắng lắm. Thế nên, dù tình yêu đã chín muồi, tuổi cũng đã chín chắn để tính đến chuyện kết hôn, hai người cũng đã về ra mắt hai bên gia đình, nhưng chị Tuyết vẫn cứ phân vân mãi sau lời cầu hôn của người yêu.

Chị Tuyết nghe mất người bạn mách nhỏ nên tổ chức đám cưới dịp đầu năm, cuối năm có bầu hoặc sinh con thì chẳng phải lo Tết. Sang năm sau, là dâu cũ rồi, khi ấy nỗi lo dâu mới bỡ ngỡ cũng đã vơi đi nhiều. Tính đi tính lại, chị thấy kế đó quả thực hợp lý nên rỉ tai người yêu, xin bố mẹ cho tháng giêng làm lễ cưới. Thấy hai bên đều có vẻ xuôi xuôi, chị mừng như mở cờ trong bụng.

Lấy chồng cận Tết và nỗi sợ của nàng dâu - 2
Chuyện muôn đời vẫn thế, dù là dâu mới hay dâu cũ, hiếm người không lo lắng đến cái Tết ở nhà chồng, lo sợ trách nhiệm, lo không biết đối nhân xử thế thế nào, lo không vừa ý mẹ chồng... (ảnh minh họa)

Ấy thế mà, “nhân tính không bằng trời tính”, chẳng hiểu bố mẹ chồng chị đi xem bói thế nào, chỉ sau một tuần ra khẩu lệnh, anh chị phải làm đám cưới vào đầu tháng tới. Đã là lệnh thì anh chị đâu dám cãi, nhà chị lại là nhà gái mang tiếng phụ thuộc nên cũng đành chấp nhận. Đám cưới được diễn ra giòn giã trước sự chứng kiến của hai họ. Bạn bè tề tựu đông đủ, vui vẻ mấy ngày trời. Duy chỉ có chị vẫn canh cánh nỗi lo khó tỏ, đó là mấy ngày Tết ở nhà chồng.

“Từ nhỏ đến lớn, tôi chỉ biết ăn với học. Ra trường đi làm cũng sống với bố mẹ, miếng thịt, mớ rau chẳng bao giờ phải đụng đến. Nay về nhà chồng, phải lo bao nhiêu việc. Các chị cơ quan thường than phiên cứ dịp lễ Tết, phải hùng hục phục vụ nhà chồng như ô sin. Nào từ rửa bát, lau nhà, đi chợ, cơm nước, cỗ bàn cho nhà chồng tiếp khách. Rồi lại tới rửa bát. Nói chung, làm cả ngày không hết việc, lại còn phải thực hiện đủ thứ nghi lễ".

"Dâu mới thì những việc ấy phải làm gấp đôi vì chẳng mấy ai hỗ trợ. Cả chuyện gánh nặng tinh thần vì chưa quen ai cũng sẽ  mệt mỏi hơn rất nhiều. Nghe đến thế, tôi đã đủ toát mồ hôi, nghĩ thường ngày các chị ấy chu đáo thế còn lo lắng, tôi vụng về ẩu đoảng như vậy thì chẳng biết tính làm sao”, chị Tuyết nói.

Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của chị đó là phải giáp mặt với mẹ chồng. Từ khi còn là người yêu, mỗi lần về nhà chồng chơi, chị luôn có cảm giác sờ sợ khi nhìn thấy mẹ chồng tương lai. Dù không hẳn tỏ ra là không ưa nhưng vẻ mặt bà lúc nào cũng lạnh nhạt, khó gần. Hơn nữa, bà là người khá khó tính, động có việc gì không vừa lòng là thể hiện ra mặt. Khi cưới xong, chị ở nhà dọn dẹp hai ba ngày rồi lại lên thành phố làm việc nên không phải “đụng chạm” với mẹ chồng nhiều. Thế nhưng, nghĩ tới 9 ngày Tết đằng đẵng, chị không khỏi "phát sốt".

“Có lúc nghĩ hay mình giả ốm để khỏi phải về nhà mấy ngày Tết nhưng chắc chắn chồng mà biết sẽ phản đối ngay. Chỉ biết thở dài ước: giá như Tết chỉ có một ngày thì hay biết mấy", chị Tuyết bảo.

Chuyện muôn đời vẫn thế, dù là dâu mới hay dâu cũ, hiếm người không lo lắng đến cái Tết ở nhà chồng, lo sợ trách nhiệm, lo không biết đối nhân xử thế thế nào, lo không vừa ý mẹ chồng... Thế nhưng, việc nàng dâu phải về quê lo Tết là đương nhiên, cũng là lễ nghi cần thiết của người Việt. Thế nhưng, mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh khác nhau, có mẹ chồng khó tính, cũng có người coi con dâu như con, chỉ cần có tâm thì “ba ngày Tết” chẳng còn là nỗi lo. Không những thế, biết khéo léo trong cách ứng xử, dịp Tết sẽ có thể trở thành cơ hội giúp mẹ chồng nàng dâu xích lại gần nhau hơn, xóa nhòa ranh giới xa cách.

Theo Gia Đình & Cuộc Sống

Tin liên quan