Nói trúng cái điều dân muốn…

Ngày 20/02/2016 08:54 AM (GMT+7)

Không phải đến khi làm Bí thư Thành ủy TPHCM, ông Đinh La Thăng mới được lòng dân, mà từ lúc còn làm Bộ trưởng, ông dường như đã được định danh là vị Bộ trưởng "dám nói, dám làm".

Vừa nhậm chức Bí thư Thành ủy TPHCM, ông Đinh La Thăng đã có những mệnh lệnh hết sức hợp lòng dân: Không có số của TGĐ Vinamilk sao bán sữa?; Gắn camera đồng bộ, quản lý người ăn xin; Làm đường, sửa nhà ngay để mẹ nghỉ ngơi…

Tuy nhiên, không phải đến khi làm Bí thư ông mới nổi tiếng, mà khi còn là Bộ trưởng Bộ GTVT, có thể nói ông là vị bộ trưởng duy nhất đã “không làm được thì trảm”.

Nói trúng cái điều dân muốn… - 1

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng thăm hỏi mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Em. Ảnh: Quỳnh Mai/ Pháp luật TP HCM

Khi ông được Bộ Chính trị phân công nhận chức Bí thư Thành ủy TPHCM, dư luận đã có không ít lo ngại. Người ta e rằng tính cách ông chưa hẳn phù hợp với vị trí là người lãnh đạo cao nhất ở TPHCM.

Nhưng, chỉ chưa đầy chục ngày, dân chúng đã nức lòng thấy ông "nói trúng cái điều dân muốn”. Và lại cũng xuất hiện câu hỏi, liệu những chỉ đạo của Bí thư Thành ủy có "lấn sân chính quyền”?

Lý giải hiện tượng “gần dân” của tân Bí thư Thành ủy TPHCM, có nhiều góc nhìn từ dư luận, nhưng riêng tôi thấy đồng cảm với nhà báo Lê Kiên. Anh đã chia sẻ trên facebook: “Đọc comment các báo hai hôm nay thì biết, dân Sài Gòn đang sướng (có người nói là lên đồng), thậm chí có người đã chảy nước mắt, sau khi đọc trên báo chí đưa tin về lời nói và việc làm của ông Bí thư Thành ủy mới.

Cảm xúc của dân chúng là có thật. Có lẽ họ đã chờ đợi một sự thay đổi nào đó, một phong cách lãnh đạo mới nào đó, trên thành phố từng là “hòn ngọc Viễn đông”, từ rất lâu rồi. Nay, sự khởi động của ông Thăng làm cho người dân cảm thấy rằng, mong ước bấy lâu đang được đền đáp lại.

Nhưng, bắt đầu từ chiều nay ( 18/2), trên mạng xã hội đã bắt đầu có những bình luận, cho rằng ông Thăng đang lấn sân chính quyền, khi ông “lệnh” lát đường, xây nhà, bán sữa bò, trừng trị tội phạm…

Vấn đề đặt ra là, có quy định nào buộc Bí thư không được chỉ đạo những việc như vậy?

Điều 4 Hiến pháp quy định: Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Trong khi nhiều văn bản và tuyên bố khẳng định rằng, Đảng lãnh đạo nhưng Đảng không làm thay.

Mắc mớ ở đây là không ai vạch ra được ranh giới giữa “lãnh đạo” và “làm thay” cả.

Đến Sở Công an TP, ông Thăng với tư cách là Bí thư Thành ủy làm việc với Ban cán sự Đảng CATP và ông Bí thư chỉ đạo Ban cán sự Đảng CATP phải có biện pháp giảm tội phạm là đúng, cũng như ông xuống Củ Chi để làm việc với Đảng và chính quyền cấp dưới về triển khai nghị quyết Đảng bộ TP, trong đó có chỉ đạo việc chăm lo cho những đối tượng chính sách cụ thể hay gỡ khó cho người nông dân cũng không có gì sai…”.

Sau phản hồi của Vinamilk về chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM trong chuyện mua sữa bò cho dân, cho thấy nhiệm vụ của chính quyền không chỉ là đi tìm nguồn tiêu thụ sữa cho dân mà phải hướng dân đến chăn nuôi theo quy hoạch, không thể để dân Củ Chi rơi vào tình cảnh chăn nuôi tự phát “nhà nhà nuôi bò, nhà nhà bán sữa”, sữa không chất lượng, sữa không ký hợp đồng, sữa khi giá lên cao thì đem bán cho hãng khác...

Bài học mới nhất từ nước mắt người chăn bò, bán sữa ở Lâm Đồng, đến câu chuyện muôn thuở như người dân thấy lợi là cứ ồ ạt trồng, nuôi theo phong trào… bỏ qua quy hoạch, để đến khi mà sản phẩm không bán được, bị ép giá, gánh phần thua thiệt… cho thấy trách nhiệm của cán bộ chính quyền cấp cơ sở. Một là “bất lực” với dân, hai là quy hoạch chỉ ở trên giấy cho tròn trách nhiệm, còn dân thì “makeno” (mặc kệ nó).

"Việc dân khóc là chuyện của dân, mắc chi tới trách nhiệm của cán bộ", quan điểm ấy khá phổ biến trong hệ thống cán bộ chính quyền gần dân nhất.

Tôi còn nhớ, vào trung tuần tháng 10/2015, chuyện 5 công dân ở phường Bình An, An Khánh và Bình Khánh thuộc Quận 2, TPHCM, đã đâm đơn ra tòa khởi kiện Chủ tịch UBNDTP. Nguyên nhân khởi kiện chính là do ông Chủ tịch TP đã không chịu tiếp dân theo quy định tại Điều 8 Luật tiếp công dân.

Những công dân này cho hay, ròng rã nhiều năm liền họ đến UBNDTP để khiếu nại việc họ bị thu hồi đất trái pháp luật tại dự án KĐT mới Thủ Thiêm và đề nghị được đối thoại với Chủ tịch UBNDTP. Bởi họ có đủ căn cứ để chứng minh nhà và đất thuộc quyền sử dụng của họ không nằm trong quy hoạch, không thuộc diện thu hồi.

Người dân không chấp nhận khi đơn của họ cứ chạy lòng vòng theo con đường “kính chuyển”, để người dân tốn kém thời gian, tiền của chạy ngược, chạy xuôi, gõ hết cửa này đến cửa khác mà kết quả vẫn là sự… im lặng khó hiểu.

Với 1.498 lượt đi lại mới có được 48 lần làm việc với đại diện UBNDTP mà kết quả vẫn là con số 0.

Ngày 1/7/2014, Luật tiếp công dân có hiệu lực thi hành, 5 ngày sau - ngày 6/7- các công dân có đơn trực tiếp yêu cầu Chủ tịch UBNDTP đối thoại với dân, nhưng đã tròn một năm mà hồi âm từ UBNDTP vẫn bặt âm vôn tín, nên người dân đã phải khởi kiện.

Người dân đang cần lắm những cán bộ lãnh đạo mà “nói đi đôi với làm”. Người dân sợ với những cán bộ lãnh đạo mà nói như nhà văn Nguyễn Quang Vinh là “kiên định trong phòng làm việc, đợi báo cáo, còn cấp dưới thì kiên định với xén, bớt, tô, nâng, vo báo cáo cho đèm đẹp gửi lên cấp trên.

Chúng ta quen lãnh đạo phát biểu… vỗ tay là xong, mọi việc cứ như thế, như cũ mà không ai chịu trách nhiệm, không ai bị kỷ luật về trách nhiệm…"

Nói như tân Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh - Nguyễn Thành Phong thì: "Đã dám ở chức vụ đó thì phải thấy được trách nhiệm, nếu không đảm đương nổi thì thôi, xin nghỉ".

Một thành phố mà cả Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND đều đồng lòng, hợp sức sao dân không tin, không yêu.

Một tín hiệu vui - dù mới khởi đầu. Dẫu rằng “vạn sự khởi đầu nan”.

Lê Nguyễn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan