Chuyện từ thiện là từ cái tâm của mình

Ngày 10/10/2014 00:00 AM (GMT+7)

Vì bản chất từ thiện chính là hành động khiến cá nhân làm từ thiện an lòng, nên khi nghe lương tâm mình thúc giục người làm từ thiện sẽ biết cách mở lòng, chứ không còn suy tính nào khác nữa.

Đặng Văn Thành (37) tuổi, là em ruột của hung thủ giết người phân xác Đặng Văn Tuấn gây chấn động cả nước bị phát hiện vào đầu tháng 10 năm nay tại phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM.

Nạn nhân của Tuấn là Bùi Mỹ Hạnh (43 tuổi), người phụ nữ này từng có thời gian chung sống theo kiểu già nhân ngãi, non vợ chồng với Thành cho đến lúc Tuấn đi tù vì tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy” trở về.

Tuấn trở về địa phương, chung sống cùng nhà với em trai. Rất thản nhiên, Tuấn tán tỉnh Hạnh và nhận được sự đồng thuận của Hạnh. Thành bị đuổi ra khỏi nhà. Tôi không bàn đến những chi tiết không dành cho một con người trong mối quan hệ rất vô luân này, tôi bàn đến khía cạnh khác phía sau vụ việc.

Một người bạn của tôi là nhà báo sau khi đưa tin về vụ án, đã trở lại căn nhà trọ để trao đổi cùng Đặng Văn Thành. Xuyên suốt câu chuyện của đồng nghiệp tôi và Thành, là câu chuyện mà đồng nghiệp tôi có đưa ảnh của ông Thành và viết trên facebook cá nhân như sau, “Đây là người chồng hờ của người phụ nữ bị chặt xác bỏ vào bao bố trên đại lộ Võ Văn Kiệt. Vợ thì ngã vào lòng anh trai và trong cơn phê ma túy đá đã bị giết chết. Nhà có nhưng không dám vào ở vì mùi tử khí vẫn còn nồng nặc. Mỗi lần anh trai và vợ hờ sử dụng ma túy người đàn ông này phải ra hành lang ở hẻm nhà cháy để ngủ. Chiếc xe gắn máy hành nghề xe ôm bị người vợ hờ lấy lại, không tiền, không quần áo, 37 tuổi người đàn ông này phải nhờ vào sự giúp đỡ của những người trong xóm, nhất là người phụ nữ trong hẻm Nhà Cháy. Ngày nào bán được nước, có tiền thì người phụ nữ cho mượn tiền lấy vé số về bán, hôm nào không có tiền thì người đàn ông này nhịn đói. Chứng kiến nhiều mảnh đời bi đát nhưng khi nghe người đàn ông này kể lại câu chuyện đời mình chưa thấy ai rơi vào tình cảnh như anh. Không biết anh em mình có thể chung tay giúp người đàn ông này một số vốn nho nhỏ làm vốn lấy vé số bán kiếm tiền đắp đổi qua ngày hay không?”.

Ngay khi đồng nghiệp đưa thông tin kêu gọi giúp đỡ này lên facebook, đã có một cuộc tranh luận nhỏ nổ ra. Một vài người cho rằng, ông Thành không xứng đáng để nhận được sự giúp đỡ, vì lý do này, lý do kia. Đa phần những ý kiến còn lại là tán đồng.

3,2 triệu đồng là số tiền mà đồng nghiệp của tôi gom góp được từ bạn bè và chiều qua (3-10-2014), đồng nghiệp đã đến nhà trọ để trao trực tiếp cho ông Đặng Văn Thành. Đồng nghiệp không đưa tiền mặt, thay vào đó thể theo ý nguyện của người đàn ông này, đồng nghiệp mua chiếc xe gắn máy với giá 3 triệu cộng thêm 200 ngàn tiền cò để ông Thành có phương tiện mưu sinh. Khi nhận chiếc xe gắn máy cũ, ông Thành chắp tay trước ngực như cầu nguyện, và nắm rất chặt tay đồng nghiệp miệng không ngơi nói “Cảm ơn, cảm ơn”. 

Chuyện từ thiện là từ cái tâm của mình - 1

Như khi, bạn từ chối mua vé số của một cụ già hay một người khuyết tật, chắc chắn tâm bạn sẽ không an. (ảnh minh họa)

Có bao nhiêu người trong chúng ta đồng ý giúp đỡ ông Đặng Văn Thành(?!). Tôi không chắc lắm, nhưng khả năng là sẽ rất ít người giúp đỡ ông. Lý do nào để không giúp đỡ ông Thành đều hợp lý, vì ông ấy quá nhu nhược, vì ông ấy còn khỏe mạnh, vì ông ấy đủ tứ chi, vì ông ấy còn một căn nhà để chui ra chui vào…

Thế nhưng, tôi nghĩ rằng bản chất của từ thiện chính là hành động để khiến cá nhân làm từ thiện được an lòng.

Như khi, bạn từ chối mua vé số của một cụ già hay một người khuyết tật, chắc chắn tâm bạn sẽ không an.

Như khi, bạn từ chối giúp đỡ một em bé bị suy tim hoặc một hoàn cảnh khốn khó, trong lòng bạn sẽ phảng phất sự hối lỗi.

Như khi, bạn từ chối chìa tay cứu giúp một người đang gặp nguy nan, bạn sẽ cảm thấy nuối tiếc rất nhiều về sau.

Vì bản chất từ thiện chính là hành động khiến cá nhân làm từ thiện an lòng, nên khi nghe lương tâm mình thúc giục người làm từ thiện sẽ biết cách mở lòng, chứ không còn suy tính nào khác nữa.

Mỗi hoàn cảnh là một nỗi khó khác nhau, mỗi cá nhân là một thân phận khác nhau… Thế nên, tôi nghĩ cho đi vẫn là cách hay nhất để có thể nhận về, theo thuyết nhân quả của nhà Phật.

Làm từ thiện, chính là gieo mầm lành cho tương lai, gieo mầm thiện cho chính mình. Hơn nữa, cuộc sống đã có quá nhiều thứ khiến chúng ta so đo. Vậy thì đâu có lý do gì để toan tí nh khi mà bạn muốn giúp đỡ một ai đó mà chính bạn cảm thấy cần thiết.

Chỉ cần bạn cảm thấy cần thiết, tức là bạn đã mở ra một thiện tâm rồi. Và bản chất của từ thiện, chính là điều này.

Có phải chăng, đừng bao giờ tự tạo nên biên độ cho một việc thiện!

Còn đây, là ý kiến của anh bạn đồng nghiệp mà tôi vừa nhắc “Ông này nhu nhược nên không cần giúp, sống ở đời có nhiều hoàn cảnh, nếu mình sống trong một xóm tệ nạn, gia đình tệ nạn chưa chắc mình đã đàng hoàng hơn ai? Nếu được lựa chọn cho mình ai chọn cho mình cuộc sống như vậy? Hai là người bản lĩnh thế nào cũng có lúc bế tắc, đồng ý là về chuyện từ thiện là mở lòng mình ra với con người và cũng giúp cho mình cảm thấy an lòng, không áy náy. Mà thật ra người nhu nhược, tệ hại mới cần mình giúp chứ tốt đẹp rồi thì đâu cần.

Hai là mình cũng không nhiều tiền. Nếu mình cho tiền trăm triệu, tiền tỉ mình sẽ có trách nhiệm với đồng tiền đó hướng ổng về cuộc sống tươi sáng hơn mà mình có thể kiềm soát được. Còn đằng này, 3,2 triệu đưa cho mình, mình sống được bao nhiêu ngày. Mình cho người ta ít quá mà đòi hỏi người ta những chuyện lớn lao quá. Một đứa trẻ muốn thành một người đàng hoàng phải mất bao công sức giáo dục, không biết bao nhiêu tiền cho chưa chắc nên người. Đằng này có 3,2 triệu.

Chuyện từ thiện là từ cái tâm của mình, giúp người ta một lúc khốn quẫn nhất thời. Còn giúp người căn cơ hơn, trao tương lai cho người ta không phải đổ thừa nhưng là chuyện của xã hội, của các tổ chức nhà nước người ta có những cách hỗ trợ căn cơ. Làm từ thiện kiểu tự phát không bao giờ làm nổi chuyện này nên mình đâu đòi hỏi người ta nhiều. Chắn chắn như vậy. Thấy người ta chết đói thì mình giúp miếng ăn lúc đó còn hơn để chết đói. Còn những người nói “phải trao cần câu”, họ vừa không cho cái gì, vừa chẳng làm gì, mà chỉ nói lý thuyết cho sướng miệng thôi.

Còn chuyện biên độ trong từ thiện là chuyện khác, nên có. Nhưng Đức không nghĩ là giúp ông này là mình vượt qua biên độ. Trong trường hợp ông này, mình chỉ mở rộng biên độ ra nhưng sẽ không bao giờ phá vỡ nó”.

Tôi chuyển ý kiến này đến bạn đọc, để mọi người cùng suy gẫm.

Xem bài viết cùng tác giả:

Tình công sở và đường ngược chiều (P.1)

Tình công sở và đường ngược chiều (P.2)

Đổ nước đá lên đầu, ai thích thì làm, kệ họ!

Đừng mắng Hào Anh

Thương nhớ... người dưng

Luận chuyện lăng nhăng của đàn ông

Chuyện về 'Một giọt máu đào'...

Ngô Nguyệt Hữu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Góc nhìn sự kiện