Tuy ngành học này ít người theo đuổi, chỉ dành cho sinh viên có sự yêu thích đặc biệt đối với quốc gia được mệnh danh là “đất nước của những toà lâu đài” nhưng đầu ra lại rất rộng mở, luôn "khát" nhân lực, lương cao ngất ngưởng.
Ngành hiếm trường đào tạo, điểm chuẩn vừa sức
Cộng hoà Liên bang Đức - đất nước nằm ngay trung tâm của Châu Âu với nền văn hoá lâu đời, có nền kinh tế phát triển bậc nhất trong khu vực. Vì thế, đây cũng là quốc gia mà nhiều học sinh Việt Nam mơ ước một lần đặt chân đến để có thể tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hoá của nước Đức. Để thực hiện hoá được ước mơ này, học sinh ở Việt Nam có thể lựa chọn theo học ngành Ngôn ngữ Đức với chương trình đào tạo đại học.
Đây là một ngành học mang tính chất liên ngành, không chỉ trang bị cho sinh viên khả năng sử dụng thành thạo tiếng Đức mà còn mở rộng hiểu biết về văn hóa, lịch sử và xã hội của các quốc gia sử dụng tiếng Đức trong giao tiếp hằng ngày. Tại Việt Nam, ngành học này đóng vai trò cầu nối quan trọng, giúp xây dựng mối quan hệ hợp tác song phương với Đức trong các lĩnh vực như kinh tế, giáo dục và du lịch.
Đến nay có hơn 200 triệu người sử dụng ngôn ngữ Đức trên toàn thế giới, trong đó có một số khu vực sử dụng tiếng Đức rộng rãi như: Bỉ, Áo, Thuỵ Sĩ… Theo một số nhà nghiên cứu nhận định, tiếng Đức hiện nay nằm trong top 10 ngôn ngữ quyền lực nhất thế giới.
Hiện tại, ngành Ngôn ngữ Đức được mở chỉ tiêu tuyển sinh ở 3 trường đại học hàng đầu về lĩnh vực ngôn ngữ tại Việt Nam là: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM), trường ĐH Hà Nội, trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội).
Điểm chuẩn của ngành Ngôn ngữ Đức được đánh giá là vừa sức với nhiều học sinh. Năm 2024, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (cơ sở TP.HCM) lấy mức điểm 25,33 cho tổ hợp D01 (Toán - Văn - Anh) và 23,7 điểm cho tổ hợp D05 (Toán - Văn - Đức).
Ở phía Bắc, trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) không chỉ xét tuyển dựa trên điểm của hai tổ hợp D01, D05, trường còn mở chỉ tiêu tuyển sinh với tổ hợp D78 (Văn - Anh - Khoa học Xã hội), D90 (Toán - Anh - Khoa học tự nhiên). Năm 2024, điểm chuẩn của trường dựa theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi THPT QG là 35,82 điểm. Bên cạnh đó, trường ĐH Hà Nội với mức điểm chuẩn cán mốc 34,2 điểm cho 2 tổ hợp D01, D05.
Sở dĩ, hai trường đại học ở phía Bắc có mức điểm chuẩn trên 30, vì điểm trúng tuyển được tính theo công thức: Tổng điểm của ba bài thi theo tổ hợp (trong đó điểm môn Ngoại ngữ nhân hệ số 2) và điểm ưu tiên khu vực, đối tượng (nếu có). Sau đó, dùng điểm tổng này chia cho 4 sẽ ra mức điểm dùng để xét tuyển.
Trong những năm gần đây, ngành Ngôn ngữ Đức mới bắt đầu thu hút sự quan tâm của sinh viên nhờ đầu ra ngày càng rộng mở ở đa lĩnh vực từ giáo dục, du lịch đến kinh tế, marketing...
Thu nhập khủng, dễ săn học bổng du học
Khi theo học ngành Ngôn ngữ Đức, sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức nền tảng về tiếng Đức mà còn được học chuyên sâu về cách vận dụng ngôn từ, ngữ pháp trong giao tiếp, ứng xử và viết văn bản. Ngành học này đào tạo nên những thế hệ sinh viên có trình độ nghiệp vụ vững vàng, hình thành năng lực nghiên cứu khoa học về lý thuyết ngôn ngữ, lý thuyết dịch ngôn ngữ, văn hoá, văn học.
Bên cạnh đó, ngành học này còn trang bị thêm kỹ năng chuyên sâu cho sinh viên áp dụng tiếng Đức trong các lĩnh vực như: kinh tế, thương mại, tài chính, kinh doanh, du lịch, ngoại giao, hợp tác, đàm phán… Hiện nay, sinh viên học ngành Ngôn ngữ Đức sau khi ra trường có thể làm việc ở đa lĩnh vực từ biên phiên dịch, nhân viên Marketing, nghiên cứu thị trường của các quốc gia sử dụng tiếng Đức hoặc trở thành giáo viên giảng dạy tiếng Đức.
Ở Việt Nam, có lẽ ngành Ngôn ngữ Đức chỉ bắt đầu được quan tâm trong khoảng 5 năm trở lại đây. Ban đầu, nhiều người vẫn nghĩ thứ tiếng này không thông dụng, khó kiếm việc làm. Song, theo tiến sĩ Lê Thị Bích Thuỷ, Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Đức, trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) cho biết phụ huynh, học sinh có thể yên tâm vì ngày nay nhu cầu tuyển dụng sinh viên thông dụng tiếng Đức ngày càng tăng.
“Ngôn ngữ này đang rất "hot" nên các bạn sinh viên hoàn toàn có thể có việc làm ngay trong quá trình học. Các doanh nghiệp lữ hành và các trung tâm dạy tiếng Đức thường xuyên liên lạc với khoa để tìm sinh viên tốt nghiệp”, tiến sĩ Bích Thuỷ nói.
Bên cạnh đó, các trường ĐH còn liên kết với các công ty, tổ chức quốc tế mang đến cho sinh viên nhiều cơ hội việc làm phù hợp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Được biết, nếu ở vị trí biên phiên dịch tiếng Đức, sinh viên sau khi ra trường có thể kiếm được công việc với mức thu nhập 10-15 triệu đồng. Hay lĩnh vực giáo viên, gia sư dạy tiếng Đức cũng mang đến nguồn thu nhập ổn định từ 7-12 triệu đồng, tuỳ theo năng lực của sinh viên.
Để có thể tham gia hoạt động trong môi trường giáo dục, cử nhân Ngôn ngữ Đức phải sở hữu năng lực tiếng Đức và năng lực giảng dạy. Với năng lực tiếng Đức, các bạn phải đạt trình độ tối thiểu B2 hoặc C1, C2, tương đương có thể nghe - nói - đọc - viết thành thạo như người bản xứ.
Với cơ hội việc làm rộng mở ở đa dạng lĩnh vực, ngành học này hứa hẹn sẽ hấp dẫn sinh viên hơn nữa trong tương lai. Ở các cơ sở giáo dục đào tạo ngành Ngôn ngữ Đức cũng đẩy mạnh liên kết với trường quốc tế, tạo điều kiện cho sinh viên trao đổi, xuất ngoại để tăng cường kỹ năng giao tiếp và tìm hiểu văn hoá của nước Đức.