Vì đam mê, Minh Huyền bỏ hai năm ở Học viện Ngân hàng để thi vào trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, trở thành thủ khoa đầu ra.
Nguyễn Minh Huyền, sinh viên ngành Diễn viên Cải lương, khoa Kịch hát dân tộc, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, là một trong 100 thủ khoa xuất sắc được thành phố Hà Nội tuyên dương tại Văn Miếu hôm 3/10.
"8 năm trước, tôi đến đây thắp hương xin đỗ đại học. Hôm nay, tôi vinh dự quay lại để dâng hương và nhận bằng khen, như một giấc mơ thành hiện thực", Huyền, 26 tuổi, nói. "Kết quả này có ý nghĩa đặc biệt, cho thấy quyết định của tôi là đúng đắn".
Nguyễn Minh Huyền. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Huyền nói quan tâm đến nghệ thuật từ ngày mới 5-6 tuổi. Bà của Huyền mê cải lương, hay mở xem. Cô ban đầu không thích nhưng nghe nhiều nên ngấm, đam mê lúc nào không hay. Lớn lên, Huyền thường tham gia biểu diễn văn nghệ, được các anh chị hướng dẫn múa, hát nên khá tự tin và bạo dạn.
"Mình thích cảm giác được đứng trên sân khấu, ngưỡng mộ các nghệ sĩ vì có thể biến hóa linh hoạt và mơ ước trở thành diễn viên", Huyền nói.
Gia đình không có ai làm nghệ thuật, người thân cũng lo tương lai bấp bênh nếu theo đuổi lĩnh vực này, nên sau khi tốt nghiệp THPT, Huyền thi và trúng tuyển chuyên ngành Kế toán của Học viện Ngân hàng.
Vào học nhưng tâm trí Huyền không yên. Nhiều lần, cô quyết tâm gác lại đam mê của mình, xác định phải lấy tấm bằng Kế toán trước, song vẫn không dứt được.
"Tôi sẽ day dứt nếu định làm gì mà chưa thực hiện được", Huyền kể.
Biết gia đình phản đối, năm 2018, sau khi hết năm thứ hai ở Học viện Ngân hàng, Huyền âm thầm bảo lưu kết quả, đi làm thêm, mong tự chủ về kinh tế để tự quyết định.
Suốt một năm sau đó, Huyền làm ở siêu thị, đi diễn ở một số chương trình nghệ thuật để kiếm tiền. Cô cũng theo một khóa ngắn hạn về diễn xuất, rồi đăng ký thi vào Đại học Sân khấu Điện ảnh. Chỉ tới khi trúng tuyển, Huyền mới báo với mẹ.
"Mẹ phản đối, thậm chí không nói chuyện với tôi một thời gian. Nhưng tôi kiên trì thuyết phục, cuối cùng bà đồng ý vì hiểu tính cách của con gái", Huyền nhớ lại.
Huyền cho hay chọn ngành Diễn viên Cải lương vì đây là nghệ thuật truyền thống, cần những người trẻ yêu thích, lưu giữ và phát huy. Cô xác định thu nhập sau này có thể không cao nhưng sẽ làm thêm nhiều việc để theo nghề.
Lúc mới vào học, Huyền tự ti về tuổi tác, chiều cao và ngoại hình. Việc học cũng khó khăn khi ngay năm đầu tiên, sinh viên đã tiếp cận các môn chuyên ngành như ca cải lương, kỹ thuật biểu diễn và giải phóng hình thể... Huyền thấy ca cải lương khó nhất.
Ban đầu, giảng viên nhận xét Huyền ca "như hát rap", bởi khác với nhạc trẻ, cải lương có độ rung, ngân, luyến, láy.
"Với một diễn viên cải lương, ngoài giọng ca, còn cần phải biết diễn, vũ đạo và thoại. Nói trong ca, ca trong nói, tức đang nói thì chuyển sang ca và ngược lại", Huyền cho hay. "Kỹ thuật này khó, đòi hỏi diễn viên phải biết kiểm soát và tập trung làm được nhiều việc cùng lúc".
Cô thường cùng các bạn ở lại sau giờ học để tập luyện. Về nhà, Huyền nghe và xem cách hát, biểu diễn của các nghệ sĩ, thầy cô và anh, chị đi trước để học tập. Có bài nào khó, cô nhờ giảng viên hát rồi ghi âm để nghe lại.
Cùng đó, Huyền tập trung học và hoàn thành tốt các môn văn hóa và đại cương.
Minh Huyền trong một trích đoạn cải lương. Video: Nhân vật cung cấp
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy, giáo viên chủ nhiệm lớp Diễn viên Cải lương K40, nhớ có thời điểm Huyền khóc vì "học không nổi". Được thầy cô, bạn bè động viên, sau đó Huyền đã lấy lại cân bằng.
"Bạn ấy rất bản lĩnh, học vượt lên khá tốt về chuyên ngành và các môn kiến thức", cô Thùy nói. Theo cô, Huyền có ý thức học tập tốt và yêu nghệ thuật, năng nổ trong các hoạt động ở trường và lớp.
Huyền nhìn nhận nhờ chiến thuật học tập hợp lý, không coi trọng môn chính, phụ, cô đạt kết quả tốt và giành học bổng. Từ đó, cô có động lực phấn đấu trở thành thủ khoa.
Hôm được vinh danh ở Văn Miếu, thấy mẹ xúc động, tự hào về mình, Huyền cảm thấy mãn nguyện. Bố mất sớm, mẹ và anh trai là hai người luôn bên cạnh, động viên Huyền.
Cô gái 26 tuổi cho biết hiện nhận biểu diễn ở các chương trình nghệ thuật và dự định học lên thạc sĩ.