Thủ khoa Sư phạm TP HCM từng học 13 môn một kỳ

Ngày 06/08/2024 14:34 PM (GMT+7)

Muốn trở thành thủ khoa, Hữu Luân đọc tài liệu, tự soạn đề cương ôn tập, thậm chí đăng ký học 13 môn ở học kỳ thứ 5, gấp đôi thông thường.

Gần một tháng trôi qua, Nguyễn Hữu Luân, quê Tiền Giang, vẫn nhớ như in cảm xúc khi nhận tin là thủ khoa toàn trường và được phát biểu ở lễ tốt nghiệp. Trước đó, Luân đoán với điểm tổng kết 3,93/4, em có thể là thủ khoa của ngành Sư phạm Tiếng Anh.

"Em sững sờ, không tin vào những gì mình nghe. Sau niềm vui bất ngờ, em gọi ngay cho bố mẹ và bạn bè thân thiết", Luân kể.

Nguyễn Hữu Luân, thủ khoa tốt nghiệp năm 2024 của trường Đại học Sư phạm TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Hữu Luân, thủ khoa tốt nghiệp năm 2024 của trường Đại học Sư phạm TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nam sinh cho hay Sư phạm Tiếng Anh vốn không nằm trong dự tính ban đầu của em. Cơ duyên đưa em đến với ngành này bắt đầu từ năm lớp 11.

Ngày học THCS, Luân yêu thích và tham gia các cuộc thi học sinh giỏi môn Lịch sử, từng đạt giải khuyến khích cấp tỉnh năm lớp 9. Năm lớp 10, em là một trong 6 thí sinh có điểm thi học sinh giỏi Lịch sử cao nhất tỉnh, được chọn vào đội tuyển ôn luyện thi quốc gia. Thấy áp lực, Luân xin rời đội tuyển.

Đầu năm lớp 11, nam sinh quyết định đầu tư thêm thời gian cho môn Tiếng Anh, thi IELTS để xem năng lực của mình tới đâu. Xuất thân từ vùng quê, Luân cho biết không có điều kiện học thêm hay rèn nghe, nói. Kiến thức về môn học này của nam sinh chủ yếu là ngữ pháp, từ vựng mà thầy cô dạy trên lớp.

"Dù điểm tổng kết Tiếng Anh luôn trên 9, nhưng khả năng đọc, nói, viết của mình khi đó chỉ ở mức tạm chấp nhận được", Luân nhớ lại.

Bắt đầu từ những tài liệu ôn tập trên mạng, Luân in ra làm rồi tra đáp án, biết lỗi sai và tự rút kinh nghiệm. Ngoài ra, nam sinh tập nghe và phát âm theo các bản tin nước ngoài trên Youtube. Ban đầu, Luân vừa nghe vừa xem phụ đề rồi bỏ dần phần dịch, nghe đi nghe lại nhiều lần để biết lỗi ở đâu.

Theo Luân, khó nhất là luyện nói và viết bởi không có thầy cô hay gia sư luyện cùng. Khi đó, Luân chủ yếu xem các bài mẫu trên mạng, học cách hành văn rồi tự viết và chữa bài cho mình.

Sau một học kỳ, Luân thi IELTS và đạt 7.0. Bất ngờ với kết quả này, sẵn đà, Luân dành nguyên kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm đó để ôn dạng bài thi Cambrige. Gần cuối năm lớp 11, nam sinh thi đạt chứng chỉ C2- cấp độ cao nhất của bài thi này.

"Trước đó, mình rất tự ti về khả năng tiếng Anh vì nghĩ ở nông thôn không bằng các bạn thành phố, không nghĩ một ngày tiếng Anh lại trở thành môn thế mạnh", Luân nói.

Liên tiếp giành hai chứng chỉ Tiếng Anh với điểm cao giúp nam sinh tự tin với phương pháp học tiếng Anh của mình. Thời điểm đăng ký nguyện vọng đại học, nhiều thầy cô và anh, chị đi trước khuyên Luân chọn ngành Ngôn ngữ Anh để có thu nhập, cơ hội việc làm tốt. Nhưng nam sinh lại muốn theo đuổi nghề sư phạm.

"Lúc đó em chỉ biết mình rất thích ngành này và tự thấy bản thân có khả năng truyền đạt, chứ không nghĩ đến khó khăn hay chuyện thu nhập", Luân cho hay.

Tinh thần hào hứng của cậu tân sinh viên bị thử thách ngay ở một số môn đại cương. Quen với lối học thời phổ thông, Luân cứ nghĩ thầy dạy bao nhiêu thì chỉ cần nhớ, ôn tập bấy nhiêu thôi là đủ để thi. Nhưng thực tế, thang điểm luôn có yêu cầu vận dụng, liên hệ cá nhân. Không kịp thích nghi nên kết quả của Luân trong năm đầu không cao.

"Em rất sốc. Cuối kỳ, các bạn được học bổng còn mình thì không, khiến em nghi ngờ, đặt câu hỏi với chính bản thân", nam sinh kể.

Từ năm thứ hai, Luân đặt mục tiêu không những cải thiện điểm số mà còn phải trở thành người dẫn đầu. Nam sinh nhìn nhận nếu chỉ dựa vào giáo trình là chưa đủ mà phải chủ động tìm đọc các đầu sách tham khảo khác.

Để hiệu quả, Luân đọc kỹ rồi ghi chú, soạn lại thành một bộ đề cương cho riêng mình để ôn tập.

Áp lực lớn nhất đến với Luân vào đầu năm thứ ba. Nam sinh đăng ký đến 13 môn học, gấp đôi so với thông thường, gồm cả những môn để cải thiện điểm và môn chuyên ngành. Luân cho hay lịch học mỗi ngày hai buổi kéo dài từ thứ hai đến thứ bảy, song căng thẳng nhất vào các đợt kiểm tra cuối kỳ. Gần như mỗi môn thi chỉ cách nhau một ngày, khiến Luân hoảng hốt. Nam sinh gần như không dám ngủ trong một tuần vì sợ không kịp ôn tập cho môn sau, phải uống cà phê, trà liên tục để tỉnh táo. Đôi lúc, Luân chợp mắt khoảng 1, 2 tiếng rồi học tiếp.

"Sau đợt thi cuối kỳ, mình sút 5 kg. Đến giờ nghĩ lại, mình vẫn không hiểu sao có thể vượt qua được", Luân kể.

Luân chụp ảnh lưu niệm với bạn trong ngày tốt nghiệp đại học, tháng 6. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Luân chụp ảnh lưu niệm với bạn trong ngày tốt nghiệp đại học, tháng 6. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Việc Luân vượt qua 13 môn trong một học kỳ, khiến cô Nguyễn Kiều Tiên, giảng viên khoa Giáo dục chính trị, bất ngờ. Theo nữ giảng viên, khi trông thấy cậu học trò nhỏ nhắn mà có sức học vượt bậc, cô đã đùa rằng "đây không phải là người học".

Dạy Luân môn Chủ nghĩa xã hội khoa học hồi năm thứ ba, cô Tiên ấn tượng vì học trò luôn chủ động ngồi bàn đầu, giơ tay phát biểu trong khi đa số bạn học thích ngồi ở cuối lớp để tránh sự chú ý của giảng viên.

"Tôi ấn tượng với sự nghiêm túc của em ấy. Môn tôi dạy chỉ là phần đại cương nhưng bạn học, tìm tòi hết khả năng có thể. Luân còn nhắn tin, nhờ tư vấn để học tốt những môn khác", cô Tiên nói.

Luân cho biết sẽ tiếp tục học lên cao để có cơ hội giảng dạy ở bậc đại học. Nam sinh đã nộp hồ sơ vào chương trình thạc sĩ ngành Lý luận và phương pháp giảng dạy ở Đại học Sư phạm TP HCM.

Song song đó, Luân dự định thử sức với kỳ thi TOFEL, lấy chứng chỉ tiếng Trung HSK5 và học giao tiếp tiếng Thái."Mình luôn tự nhủ không được phép hài lòng với những gì đang có, vì chưa chắc nó là vĩnh viễn, phải cầu tiến, nỗ lực để vươn tới những mục tiêu lớn hơn", Luân nói.

10 điều cần làm khi chờ điểm chuẩn đại học, có một việc vô cùng quan trọng không nên bỏ qua!
Để chuẩn bị hành trang bước vào môi trường học tập mới, các sĩ tử cùng phụ huynh có thể thực hiện những típ dưới đây để chủ động tìm hiểu về ngành...

Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia

Theo Lệ Nguyễn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giáo dục