Gần đây, một số địa phương đã triển khai hoặc đang lấy ý kiến cho học sinh nghỉ học ngày thứ Bảy. Với Hà Nội, việc dừng dạy học chính khóa ngày thứ Bảy chưa được nhiều trường áp dụng.
Khảo sát tại một số trường phổ thông trên địa bàn TP. Hà Nội cho thấy, do quy mô học sinh ngày càng gia tăng, số phòng học không đủ đáp ứng mỗi lớp có một phòng học nên không ít trường phải tổ chức dạy học 2 ca (một số lớp học buổi sáng, còn lại học buổi chiều).
Tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên), ông Lê Trung Kiên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với điều kiện hiện tại, việc nghỉ ngày thứ Bảy chưa khả thi bởi học sinh phải học dồn tiết trong mỗi buổi học từ thứ Hai đến thứ Sáu. "Nếu ngày nào học sinh cũng học 6 tiết thì hơn 12h trưa mới tan học, kéo dài việc này sẽ khiến các em mệt mỏi, giảm chất lượng học tập".
Trường THPT Phan Huy Chú - một trong số ít trường tại Hà Nội cho học sinh nghỉ thứ Bảy. Ảnh: Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú trong lễ khai giảng.
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Thị Bình, để bảo đảm thời lượng dạy học theo quy định của Chương trình GDPT 2018, nếu nghỉ học chính khóa vào thứ Bảy, học sinh cần ít nhất 1 ngày trong tuần học 2 buổi. Việc dồn lịch học như vậy cần chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và phải tính toán kỹ, có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, tránh gây áp lực và bức xúc.
Để triển khai việc cho học sinh nghỉ ngày thứ Bảy đồng bộ với tất cả các cơ sở giáo dục, theo cô giáo Phạm Thị Kim Huệ - Phó hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm): "Để làm bất cứ điều gì chúng ta cần có cơ sở pháp lý, hành lang pháp lý đầy đủ. Với các cơ sở giáo dục cũng như vậy, chúng tôi mong muốn nếu có hướng dẫn cụ thể thì việc thực hiện học 2 buổi/ngày hay nghỉ học ngày thứ Bảy các trường mới có thể tiến hành đồng bộ và hợp lý".
Mới đây, tại hội nghị giao ban chuyên môn cấp học phổ thông do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, thành phố chưa thể áp quy định nghỉ thứ Bảy đồng loạt với tất cả các nhà trường vì điều kiện chưa cho phép. Trước tiên nhà trường phải chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, phải đủ phòng học đảm bảo mỗi lớp/phòng/buổi. Bên cạnh đó, nhà trường phải bố trí sắp xếp lịch học, thời khóa biểu hợp lý để tránh tạo áp lực cho học sinh, nhất là những ngày học sinh phải học chính khóa cả ngày.
Học sinh nơi nào được nghỉ học ngày thứ Bảy? Từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn về việc dạy học 2 buổi mỗi ngày với cấp THCS và THPT. Theo đó, nếu dạy cả ngày, các trường không được dạy quá 4 tiết buổi sáng với bậc THCS, quá 5 tiết với THPT. Số tiết tối đa buổi chiều là 3 tiết. Số tiết tối đa 1 tuần là 42 với cấp THCS và 48 với cấp THPT. Các trường được chủ động trong việc bố trí lịch học 5 hoặc 6 ngày/tuần. Tuy nhiên, việc triển khai học 2 buổi/ngày và 5 ngày/tuần liên quan tới cơ sở vật chất, số phòng học cũng như đội ngũ giáo viên. Lào Cai và Lai Châu là hai địa phương cho toàn bộ học sinh THCS và THPT được nghỉ thứ Bảy. Phòng GD&ĐT TP. Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) cũng triển khai thí điểm cho học sinh THCS nghỉ học chính khóa ngày thứ Bảy trong năm học 2024-2025. Tại Nghệ An, nhiều trường THCS tại TP. Vinh và các huyện miền núi thí điểm cho học sinh THCS nghỉ học thứ Bảy từ năm 2023, căn cứ trên cơ sở vật chất của nhà trường đáp ứng lịch học 2 buổi/ngày. Với Hà Nội, việc nghỉ học thứ Bảy được áp dụng với phần lớn các trường tư thục và trường THCS chất lượng cao. Với các trường THPT công lập, một số trường áp dụng chính sách này là Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường THPT Phan Huy Chú, Trường THPT Yên Hòa cùng các trường THPT chuyên trực thuộc đại học. |