Trong cuộc sống, chúng ta đôi lúc phải miễn cưỡng chấp nhận lựa chọn nghề nghiệp mình không thực sự yêu thích, nhằm bảo đảm vấn đề tài chính. Nhưng không phải vì thế mà bạn lại tùy tiện cho phép bản thân luôn trong tâm trạng chán nản, làm việc thiếu trách nhiệm hoặc kém chuyên nghiệp.
Dưới đây là 6 cách giúp bạn cân bằng cảm xúc khi làm công việc không thích mà các Chuyên gia nhân sự CareerLink chia sẻ, hãy cùng tham khảo nhé.
Thẳng thắn nhìn nhận thực tế
Hãy bắt đầu vực dậy cảm xúc bằng cách nhìn nhận vào thực tế rằng bạn đang ở trong tình trạng khó khăn với tài chính eo hẹp, và đối diện với hàng loạt vấn đề cần giải quyết như chi tiêu sinh hoạt, mua sắm cá nhân hoặc phụ giúp kinh tế cho gia đình.
Chắc hẳn khi tỉnh táo đánh giá hoàn cảnh hiện tại của bản thân, bạn sẽ nhận ra rằng có việc làm, dù không yêu thích, nhưng sẽ tốt hơn nhiều so với cảnh thất nghiệp. Và đó sẽ là động lực giúp bạn cố gắng để hoàn thành các nhiệm vụ trong công việc.
Vui vẻ về những trải nghiệm đã qua
Mỗi một công việc dù khó khăn hay dễ dàng, vị trí cao hoặc thấp đều sẽ đem lại những trải nghiệm khác nhau. Với công việc hiện tại, chắc hẳn bạn cũng sẽ có những điều tuyệt vời, chẳng hạn như các buổi liên hoan, du lịch cùng đồng nghiệp...
Hãy nghĩ về những điều tích cực, những kỉ niệm vui mà bạn đã có với đồng nghiệp, cấp trên trong quá trình làm việc, để nhận ra rằng mọi thứ vẫn không đến nỗi quá tẻ nhạt, buồn chán.
Tranh thủ phát triển kỹ năng
Trong suốt quá trình làm việc, bạn sẽ không chỉ học hỏi từ đồng nghiệp, cấp trên, mà còn tự rút tỉa kinh nghiệm qua những “va vấp” trong công việc. Kể cả khi bạn có những trải nghiệm không mấy tích cực thì hãy nghĩ rằng, điều này chắc chắn sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trên con đường sự nghiệp về sau.
Do đó thay vì cứ lười nhác, hay than vãn về sức ép công việc thì bạn hãy cố gắng quan sát, chủ động khám phá những điều mới lạ nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Như thế bạn sẽ có động lực phấn đấu không chỉ vì tiền, mà còn bởi sự phát triển bản thân.
Chia sẻ với mọi người
Thực tế không chỉ riêng bạn mà có rất nhiều người xung quanh cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự, nghĩa là đang phải làm công việc không thực sự yêu thích, với mục đích kiếm tiền. Do đó, bạn không nên giấu nhẹm nỗi buồn phiền của mình, hoặc tìm cách “xả” stress vào các cuộc vui vô bổ gây hao phí thời gian, tổn hại sức khỏe.
Thay vì vậy, bạn nên chủ động tìm kiếm sự chia sẻ từ đồng nghiệp, bạn bè. Các cuộc trò chuyện cởi mới với người khác, nhất là những người “đồng cảnh ngộ” sẽ giúp bạn vơi đi cảm xúc tiêu cực, có cái nhìn “thoáng” hơn về cuộc sống, học hỏi thêm các kinh nghiệm quý báu.
Giữ một cuộc sống điều độ
Thật tệ hại khi bạn vừa phải chấp nhận làm công việc không yêu thích, mà bản thân lại có các thói quen xấu như thức khuya, “nghiện” mạng xã hội, ăn uống bừa bãi. Một chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh sẽ dẫn bạn đến nhiều hệ lụy khôn lường, và ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất làm việc.
Cố gắng xây dựng một nếp sống tích cực như ăn uống khoa học, nghỉ ngơi đầy đủ, vận động thể thao, vui chơi hợp lý. Từ đây, cảm xúc tốt của bạn sẽ giúp bản thân cảm thấy phấn chấn hơn để “chiến đấu” với công việc bạn không mấy ưa thích.
Nghĩ về con đường tương lai
Bạn cần nhớ rằng công việc trước mắt không phải là lựa chọn cuối cùng, và bản thân chỉ đang tạm dừng trên một “trạm” cuộc đời. Do đó, sự nhàm chán hôm nay chỉ là bước đệm cho con đường ngày mai tươi sáng hơn.
Khi rảnh rỗi, bạn nên tranh thủ tham gia các lớp học thêm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tích cực tìm việc làm phù hợp. Sự bận rộn hướng tới mục tiêu xa hơn sẽ giúp bạn thêm hăng hái và không còn phải uể oải khi đối diện hiện tại.
Cuối cùng hãy nhớ rằng, dù làm công việc không thực sự yêu thích, bạn có thể cũng sẽ đạt được thành công nhất định khi cố gắng hết sức. Đừng quên cho bản thân cơ hội “thử thách” trước khi có thái độ buông xuôi, bỏ cuộc.