Chuyển sang ăn dặm thay vì chỉ bú sữa mẹ là điều hết sức thú vị và hấp dẫn bé, và ngũ cốc thường là thức ăn đầu tiên mà mẹ cho bé làm quen.
Bé bắt đầu ăn dặm được coi là bước ngoặt lớn trong "quá trình dinh dưỡng" của con. Đây là giai đoạn có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển thể chất, trí tuệ, sức khỏe,... của bé sau này. Vì thế, việc cho bé làm quen với thức ăn như thế nào là vô cùng quan trọng. Nếu ngay từ đầu, mẹ đã mắc sai lầm thì bé có thể sợ hãi thức ăn, dẫn đến biếng ăn và hấp thụ kém. Hiển nhiên, con sẽ không thể lớn nhanh và khỏe mạnh được. Vì thế, mẹ nhất thiết phải giới thiệu thức ăn cho bé một cách bài bản theo từng bước dưới đây, để việc ăn dặm thực sự trở thành một điều vô cùng hấp dẫn với con.
Bước 1 - Để ý xem bé đã sẵn sàng ăn dặm chưa
"Khi nào thì có thể bắt đầu cho con làm quen với thức ăn ngoài sữa mẹ?" Đó là câu hỏi khiến nhiều mẹ - nhất là những mẹ lần đầu sinh con tỏ ra lúng túng. Bởi không phải cứ hết "cữ" bú mẹ trong 6 tháng đầu là bé nào cũng chuyển thẳng sang bước tiếp theo đâu nhé. Hoặc có những mẹ ít sữa, con không thể bú hoàn toàn được thì mẹ có thể "thử" xem con đã có thể ăn dặm trước 6 tháng được chưa, cách "tìm manh mối" như sau :
- Để ý hoạt động miệng của con: Bé không cần phải mọc răng trước khi bắt đầu ăn dặm, vì thức ăn ban đầu hầu hết là rất mềm, lỏng. Mẹ chỉ cần để ý thấy con bắt đầu "túm" lấy tất cả mọi thứ trong tầm tay và cho vào miệng để gặm, thay vì chỉ mút thì đó là tín hiệu mà bé có thể làm quen với thức ăn được rồi.
- Bé tập trung vào thức ăn: Lúc mẹ thấy bé hay nhìn chằm chằm vào bất cứ món gì trên bàn và cố gắng đưa tay với lấy, cho vào miệng "mút mát", đó cũng là lúc mẹ có thể cho con "bốc bải" một chút thức ăn được.
- Ngồi yên: Khi bé chịu ngồi yên trên ghế để mẹ cho ăn, giữ đầu thẳng lên mà không cần sự hỗ trợ nào thì thực sự là thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu "bước ngoặt" mới của mình rồi. Tuy nhiên, mẹ có thể nên mua cho bé ghế ăn có lưng tựa, và dùng gối/chăn để giữ cho đầu bé được cố định.
Bước 2 - Chuẩn bị ngũ cốc cho bé
Thức ăn đầu tiên cho bé phải mềm, mịn để con dễ ăn, dễ tiêu hóa. Mẹ có thể cho con ăn cháo loãng, hoặc 1 chút bột ngũ cốc pha loãng với sữa mẹ hay sữa công thức.
Lưu ý: Mẹ tuyệt đối không cho bé dùng sữa bò trong giai đoạn này.
Bước 3 - Để bé cảm thấy thoải mái với thức ăn
Điều này vô cùng quan trọng vì nó quyết định việc con sẽ hào hứng với chuyện ăn dặm, hay tỏ ra sợ hãi nó. Vì thế, mẹ vội xúc những thìa thật to và cố "nhồi nhét" cho con. Thay vào đó, chỉ nên lấy chút xíu thức ăn vào thìa và đưa lại gần miệng và mũi để bé có thể ngửi thấy và bắt đầu "nhấm nháp" từ từ. Đôi khi, mẹ có thể "giả vờ" đưa thìa thức ăn vào miệng cho bé, nhưng lại lập tức kéo ra rồi lại đưa vào, lặp lại vài lần như thế giống như đang chơi một trò chơi thú vị. Kết quả là bé sẽ cố gắng ăn được chỗ thức ăn đó với tâm trạng vui vẻ, hứng thú.
Tuy nhiên, mẹ tuyệt đối không đánh lạc hướng bé bằng cách mở TV, mở nhạc hay bất cứ hoạt động nào khác khiến bé mất tập trung vào bữa ăn.
Bước 4 - Thử nghiệm tỉ lệ
Khi bé đã bắt đầu quen với ngũ cốc, mẹ hãy thử thêm bớt lượng thức ăn mỗi bữa, hoặc tăng/giảm lượng sữa công thức/sữa mẹ xem phản ứng của con thế nào để rút ra chế độ ăn phù hợp nhất cho bé.
Sau đó, mẹ cũng nên bắt đầu cho con làm quen với rau củ và hoa quả bằng cách thêm chút chuối nghiền, rau nghiền vào cháo/ bột cho bé ăn.
Bước 5 - Dừng lại khi con chưa sẵn sàng
Nếu bé không hề tỏ ra quan tâm tới thức ăn, không chịu chấp nhận bất cứ món gì hoặc đã chán ăn rồi thì mẹ nên lập tức dừng lại. Tuyệt đối không ép con vì có thể gây ra những hệ quả không tốt. Hãy chờ đến một thời điểm khác - khi bé đã thực sự sẵn sàng.