Chị Tâm Đan từng gây xôn xao mạng xã hội với bức ảnh ngồi giữa "núi" bát đũa ngổn ngang với dòng trạng thái "Dâu trưởng chốn thiên đường".
Sau bữa cỗ cưới bên quê chồng Nam Định hôm 25/2 vừa qua, chưa kịp thay váy áo, chị Tâm Đan (sinh năm 1984, người Sơn La) "như một thói quen" ra cạnh bờ ao và xắn tay vào việc xử lý hơn 50 mâm bát đũa ngổn ngang, chất cao tưởng như sẽ phải rửa đến... không có hồi kết.
Chia sẻ hình ảnh ngồi bên “núi” bát đũa với dòng trạng thái: “Dâu trưởng chốn thiên đường”, chị nhanh chóng trở thành tâm điểm bình luận ngày Tết của cư dân mạng. Ai nấy đều choáng váng trước cảnh tượng hãi hùng này và thay “khổ chủ” than thở nổi khổ ngày Tết của những nàng dâu. Nhiều người lại phẩy tay cho rằng đó là bức ảnh 'câu like" bởi chỗ bát đĩa đó, 4,5 cô con dâu trong nhà cùng rửa cũng không xuể.
Liên lạc với chị Tâm Đan, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện thú vị đằng sau bức ảnh gây choáng đấy. Rằng chị thực sự đã phải rửa chỗ bát đũa đó...gần như một mình, rằng chị hiện đang là giám đốc của một công ty kinh doanh cửa nhôm nhập khẩu có tiếng ở Sơn La, rằng chị có tận 3 đứa con và có những cách nuôi dạy con tự lập, giản dị, bình dân....vô cùng thú vị.
Chị Tâm Đan lấy chồng là à con trai duy nhất trong gia đình có hai người con và là cháu độc tôn 5 đời của dòng họ. Hiện hai vợ chồng đang sống ở Sơn La với 3 con nhỏ.
Bà mẹ "dâu trưởng độc đinh", ngày mới về nhà chồng đã được "giao bài" 5 con gà 6 mâm cơm
Chào chị Tâm Đan, bức ảnh chụp bản thân ngồi với chồng bát đũa cao ngất gây sốt mạng xã hội. Chị thực sự đã tự tay rửa hết chỗ bát đũa ngổn ngang ấy?
Chồng tôi người Giao Thuỷ, Nam Định, anh là con trai duy nhất trong gia đình có hai người con và là cháu độc tôn 5 đời của dòng họ. Lấy chồng từ năm 2005, làm dâu trưởng nên dù ở xa nhưng tôi cũng phải lo liệu hết mọi việc.
Hôm đó là đám cưới một người cháu trong họ, mọi người tập trung ăn uống cùng nhau rất đông. Lúc ăn xong, mọi người đi đón dâu, người thì phải ra về cấy lúa nên chẳng còn ai.
Tôi một mình rửa chỗ bát đũa đó như một lẽ đương nhiên và không thấy áp lực, một lúc sau thì có cô cháu gái ra tráng cùng. Nhiều người không tin bảo tôi chỉ chụp ảnh đăng lên mạng để câu like nhưng thực ra, đó là công việc tôi đã làm suốt 14 năm qua kể từ khi về nhà chồng.
Một mình rửa “núi bát đĩa” nhưng vẫn thấy bình thường, hẳn từ nhỏ chị đã được mẹ giáo dục rất kỹ chuyện làm dâu, nữ công gia chánh?
Đương nhiên, từ nhỏ mẹ tôi đã chỉ dạy con gái rất kỹ những công việc của phụ nữ. Ngoài việc nhà thì những việc như nấu nướng, thêu thùa, may vá...tôi đều làm rất nhanh và rất tốt.
Ngày đầu mới về làm dâu, tôi đã phải trả qua bài kiểm tra của mẹ chồng. Bà đưa cho tôi 5 con gà trống và giao làm 6 mâm cơm. Mọi người trong nhà lúc đó chờ đợi xem liệu tôi có vượt qua được thử thách này không. Nhưng chỉ một loáng, tôi đã hoàn thành. Cả nhà đi chơi về bất ngờ vì thấy mâm cỗ đã đầy đủ.
Con gái tôi sau có phải rửa bát cũng là chuyện không đáng để tâm
Nhiều đứa trẻ sinh ra trong gia đình có điều kiện thường hay “sợ về quê”, “sợ bẩn”…chị làm thế nào để các bé có được cuộc sống tự nhiên giản dị như mẹ?
Trẻ con nhà tôi yêu quê và rất thích về quê vì bản tính chúng nó chân chất, thật thà... không phải công chúa hoàng tử như những gia đình có điều kiện khác. Bản thân vợ chồng tôi làm ăn vất vả, cuộc sống bây giờ chỉ gọi là đỡ chật vật hơn chứ chưa đến mức hưởng thụ xa xỉ.
Chị có sợ hay lo nếu con gái sau này về nhà chồng cũng vẫn phải rửa những “núi bát đĩa” như vậy?
Với con gái, sau này có về nhà chồng thì việc nhà hay rửa bát chỉ là việc tranh thủ, không đáng để tâm. Phải làm và làm chỉn chu.
Con trai tôi thì lại càng không lo bởi đứa nào cũng biết dọn nhà, tự nấu ăn khi đói. Tôi bận không nấu được thì từ thằng bé 5 tuổi đã tự mua mì về nấu ăn.
Chị Tâm Đan và con gái 9 tuổi.
3 con đều tự lập, 5 tuổi đói đã biết nấu mì ăn, ốm tự biết hút mũi, muốn đi học thì phải ngoan mới được đi
Có vẻ như chị đã dạy con rất kỹ về chuyện tự lập?
Tôi có ba con, bé trai lớn nhất 12 tuổi, con gái giữa 9 tuổi và con trai út 6 tuổi. Tất cả các bé bất kể trai gái đều phải biết giúp đỡ mẹ việc nhà, tự lập trong vệ sinh cá nhân, chăm sóc bản thân và học tập. Tôi chưa bao giờ phải nhắc con một câu. Đứa nào cũng ham học, ngoài học ra, con không thích những thứ khác.
So với những đứa trẻ khác thì 3 đứa nhà tôi là những đứa thiếu thốn, thiếu ăn thiếu mặc. Không bao giờ được đòi hỏi đi chơi này nọ. Ốm thì nhờ mẹ đưa đi mua thuốc, sụt sịt cảm cúm bình thường thì tự hút mũi, rửa mũi cho nhau. Tôi dạy con như vậy để con tự có trách nhiệm với bản thân. Nhỏ thì không phải là những đứa trẻ hư, lớn thì biết tự lao động kiếm tiền, chủ động cuộc sống như bố mẹ.
3 con chị Tâm Đan được mẹ rèn tính tự lập từ nhỏ.
Nhưng chị nói thế nào để trẻ chấp nhận không đòi hỏi, dù nhà "có điều kiện"?
Tôi coi các con như những người đồng hành cùng ở chung nhà, cùng có trách nhiệm ý thức xây dựng môi trường gia đình tốt. Không chiều chuộng, không để con cái ỷ lại bố mẹ. Con tôi không biết ăn quà vặt, không được phép khóc hay làm ồn, không được mua đồ chơi, không được mặc quần áo đẹp....
Các thành viên trong gia đình đều bình đẳng. Bố mẹ lớn làm ra tiền thì có quyền tiêu pha, mua sắm làm đẹp.... con nhỏ phải có ý thức tiết kiệm, chịu khó học hành để sau này lao động kiếm sống.
Tất cả mọi người ở Sơn La, kể cả cô giáo của con tôi, đều rất rõ việc tôi dạy con như thế. Nộp tiền học thì chúng phải thật ngoan thì bố mẹ cho tiền nộp học. Không tự nhiên mà lại cho đi học.
Các bé nhà chị Tâm Đan đều rất thích học, tự giác học và biết phải ngoan mẹ mới cho đi học.
Không sợ thiên hạ chê trách "không quan tâm đến con"
Là một nữ giám đốc, chị sắp xếp thời gian thế nào để chu toàn việc nhà và nuôi dạy con cái?
Tôi không bận rộn việc chăm con mà chỉ tranh thủ thôi vì các bé đã tự lập hết rồi, có đi về quê cũng tự sắp quần áo, tự đón xe về, lên xe lúc nào mẹ cũng không tiễn. Tôi chỉ tập trung vào việc kinh doanh nhôm kính, sản xuất cửa, làm công trình và có thêm niềm đam mê riêng của mình là vẽ tranh gửi bán cho một số tiệm tranh ở Hà Nội.
Chị Tâm Đan và ông xã (ngoài cùng bên phải)
Ngoài việc kinh doanh buôn bán, bà mẹ 3 con còn có sở thích vẽ tranh.
Chị có nghĩ mình nghiêm khắc quá với con? Liệu đây có phải là cá tính của những bà mẹ kinh doanh "thét ra lửa"?
Nuôi dạy con như thế, đúng là thiên hạ có thể chê trách tôi không quan tâm đến con. Nhưng đó là việc của họ. Quan trọng con tôi có ý thức, sau này tự lực và tôi tin con sẽ thành công khi sau này chúng trưởng thành, có sự hậu thuẫn cơ bản của bố mẹ.
Nhìn chung, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm rằng phụ tự lập, tự kiếm tiền bằng đôi tay và đi trên đôi chân của mình. Nếu chính cuộc đời mình còn sống dựa, sống phụ thuộc thì đời con cháu mình làm sao chúng nó tự lập được.
Còn riêng chuyện "thét ra lửa" thì tôi không dám nhận. Tôi dù kinh doanh giỏi, nội trợ giỏi, nuôi con giỏi thì phụ nữ mà, luôn đứng sau và nghe chồng răm rắp. Bố mẹ tôi quan niệm là đàn ông luôn đúng, đàn bà luôn sai, đàn ông có sai cũng là sai đúng. Nên tôi phải tuyệt đối nghe lời chồng (cười).
Xin cám ơn chị đã chia sẻ!